0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (135 trang)

Đường cơ sở thẳng

Một phần của tài liệu HOẠCH ĐỊNH ĐƯỜNG CƠ SỞ TRONG LUẬT QUỐC TẾ HIỆN ĐẠI VÀ ĐƯỜNG CƠ SỞ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Trang 40 -54 )

Đường cơ sở thẳng xuất hiện đầu tiên tại Na Uy, do hoàn cảnh thực tế bờ biển lồi lõm phức tạp của nước này. Đường cơ sở thẳng được ghi nhận trong nhiều Sắc lệnh của Quốc vương Na Uy những năm 1812, 1869, 1889 và nhất là Sắc lệnh ngày 12/6/1935. Phương pháp này đã được Toà án quốc tế công nhận trong bản án nổi tiếng ngày 18/12/1951 trong vụ đánh cá giữa Na Uy và Anh (từ năm 1906, Anh vẫn thường đưa tàu đánh cá đến bờ biển Na Uy, Na Uy đã hạn chế và nhiều lần bắt giữ tàu của Anh vì không tuân theo luật pháp của Na Uy và để tỏ thái độ, năm 1935 Na Uy ban hành lại Sắc lệnh qui định lãnh hải của Na Uy là 4 hải lý và cách vạch đường cơ sở là đường thẳng gãy khúc nối liền các điểm cố định trên đất liền, còn đối với đảo thì nối liền các mỏm đá xa bờ nhất; Anh không thừa nhận các qui định đó và đã kiện trước Toà quốc tế; Toà án quốc tế đã đưa ra phán quyết cách vạch đường cơ sở của Na Uy là chấp nhận được và Anh phải tôn trọng).

thức thừa nhận phương pháp đường cơ sở thẳng và nêu kèm theo các điều kiện: áp dụng cho bờ biển lồi lõm nhiều hoặc có những dãy đảo dọc theo bờ biển, đường thẳng nối liền các điểm thích hợp với nhau; đường đó không được đi chệch quá xa chiều hướng chung của bờ biển; không được nối với các cồn hoặc bãi ngầm chỉ nhô lên khi nước triều thấp, trừ phi trên cồn đó có đặt hải đăng hoặc các thiết bị tương tự luôn luôn cao hơn biển; có tính đến quyền lợi kinh tế của vùng đã có từ lâu đời; không được lấn sang lãnh hải nước khác; nước ven biển phải vẽ trên hải đồ và công bố cho mọi người biết.

Điều 7 của Công ước Luật biển 1982 lặp đi lặp lại gần như nguyên văn Điều 4 của Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1958 được rút ra từ các phán quyết của Tòa án pháp lý quốc tế trong vụ ngư trường Anh - Nauy. Đường cơ sở thẳng có thể được vạch dọc theo bờ biển bị khoét sâu hoặc lồi lõm, hoặc có một chuỗi đảo nằm sát ngay bờ biển. Các đường cơ sở thẳng phải vạch để đáp ứng các yêu cầu hướng đi chung của bờ biển, nối liền với chế độ nội thủy [40, tr.17].

Công ước Luật biển 1982 đã quy định ba khả năng để áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng, đó là: ở những nơi bờ biển khúc khuỷu, bị khoét sâu và lồi lõm; ở những nơi có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển; ở những nơi có các điều kiện thiên nhiên đặc biệt gây ra sự không ổn định của bờ biển như sự hiện diện của các châu thổ. Nhưng đường cơ sở thẳng vạch ra này phải đi theo xu hướng chung của bờ biển và không được cách xa bờ. Như vậy, ranh giới ngoài của lãnh hải là đường chạy song song với đường cơ sở và cách đều đường cơ sở một khoảng cách tối đa là 12 hải lý. Ranh giới ngoài của lãnh hải được coi là đường biên giới quốc gia trên biển.

Liên quan đến cụm từ “chuỗi đảo”, một điều dễ hiểu là cần phải có nhiều hơn một hòn đảo tại khu vực đang xem xét. Vấn đề là cần bao nhiêu đảo? Không có một con số cụ thể nào được đưa ra. Theo như miêu tả về chuỗi

đảo Skjaergaard trong vụ Ngư trường Anh - Na Uy, số đảo có thể lên tới 120.000 và hầu như tất cả các đảo đều có các vịnh lớn nhỏ và vô số kênh rạch. Trong vụ này, đường ranh giới ngoài cùng của Skjaergaard tạo thành đường bờ biển của Na Uy [33, tr.116].

Khoản 2 Điều 7 Công ước Luật biển 1982 có liên quan đến “châu thổ”. Có ba điểm cần quan tâm đến là: thứ nhất, khoản 2 Điều 7 này phụ thuộc vào khoản 1 và không phải là thay thế cho nhau. Nói một cách khác, khoản 2 áp dụng cho cho bờ biển có châu thổ phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1; thứ hai, khoản 2 của Điều 7 dẫn chiếu tới “một châu thổ và những đặc điểm tự nhiên khác” để cho khoản này áp dụng với một châu thổ. Thứ ba, bờ biển phải “cực kỳ không ổn định”. Quy định của khoản 2 Điều 7 này chưa được đề cập tại Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1958 và được giới thiệu lần đầu tiên trong Công ước Luật biển 1982. Các quốc gia có thể vạch đường cơ sở thẳng dọc theo ngấn nước thủy triều thấp nhất của châu thổ, bờ biển nơi đó cực kỳ không ổn định và không bắt buộc sửa đổi điểm cơ sở cho mọi thay đổi hải đồ sau đó. Các điều khoản của Điều 7 Công ước Luật biển 1982 kỳ vọng rằng điểm cơ sở cuối cùng sẽ bị thay đổi bởi Quốc gia ven biển phù hợp với Công ước luật biển 1982 [40, tr.24]. Ví dụ điển hình về bờ biển được coi là cực kỳ không ổn định, với các trường hợp cụ thể của sông Hằng/châu thổ Sông Brahmaputra. Đây là châu thổ lớn nhất thế giới, bao quanh khoảng 60.000 km2, hơn một nửa trong số đó là bị ngập bởi thủy triều. Gió mùa và bão có thể gây ra những thay đổi rất đáng kể, quét sạch các đảo, làm thay đổi dòng chảy của các luồng lạch và hình thành các hòn đảo mới trong một khoảng thời gian ngắn. Đây rõ ràng là điều kiện để một bờ biển được coi là cực kỳ không ổn định [40, tr.24].

Công ước Luật biển 1982 quy định phương pháp xác định đường cơ sở thẳng rất chặt chẽ. Đường cơ sở được xác định là đường thẳng gãy khúc nối

các điểm nhô ra xa nhất của các đảo ven bờ, của các mũi, các đỉnh chạy dọc theo chiều hướng chung của bờ biển lại với nhau để tạo thành đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải. Để tránh tình trạng khi xác định đường cơ sở theo phương pháp này, các nước thường có xu hướng kéo dài đường cơ sở ra quá xa, tùy ý nối tắt nhiều điểm không thực chất thành một đoạn thẳng để được một vùng nội thủy rộng lớn. Điều 7 Công ước Luật biển 1982 đã quy định cụ thể phương pháp xác định đường cơ sở thẳng như sau:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Công ước Luật biển 1982: “Tuyến các đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển”

được hiểu khi các quốc gia xác định đường cơ sở theo phương pháp này bắt buộc tuyến đường cơ sở phải chạy dọc theo chiều hướng chung của bờ biển (phù hợp với địa hình tự nhiên của bờ biển của quốc gia đó). Quy định này đòi hỏi đường cơ sở thẳng không nên đi chệch quá xa hướng đi chung của bờ biển. Khái niệm này xuất hiện trong phán quyết của Tòa án pháp lý quốc tế trong vụ ngư trường Anh – Nauy nhưng nó cũng được lưu ý rằng khái niệm “là không có bất kỳ bằng chứng chính xác” [40, tr.25]. Trên thực tế, nhiều nhà địa lý đã lợi dụng việc sử dụng các chiều dài khác nhau để xác định hướng đi chung của bờ biển sao cho có lợi nhất cho mình [27, tr.39]. Quy định này đã được nêu tại Khoản 2 Điều 4 Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1958 và Công ước Luật biển 1982 đã kế thừa và phát triển. Góc lệch tối đa 20 độ giữa đoạn đường cơ sở thẳng và hướng của bờ biển được coi là một quy tắc phổ biến [41, tr.25]. Trong vụ Ngư trường Anh - Na Uy, Anh giữ quan điểm rằng độ dài của đường cơ sở thẳng không nên vượt quá 10 hải lý. Tuy vậy, Tòa tuyên bố “quy tắc 10 hải lý không phải là quy tắc chung của luật quốc tế [33, tr.116].

Các đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế.

Quy định này được hiểu, các bãi cạn lúc chìm lúc nổi không phải là các điểm vật chất thực tế để các quốc gia dùng làm căn cứ vạch đường cơ sở nếu như trên các bãi cạn đó không có các công trình xây dựng thường xuyên nhô trên mặt nước như các đảo và các công trình thiết bị nhân tạo, các ngọn đèn biển. Liên quan đến trường hợp đầu tiên, Văn phòng Luật Biển và các Vấn đề đại dương của Liên hợp quốc lưu ý có hai dạng công trình tương tự như hải đăng có thể sử dụng trong việc vẽ đường cơ sở thẳng. Loại thứ nhất là các công trình có thể vận hành chức năng của ngọn hải đăng. Loại thứ hai bao gồm cả các công trình không liên quan gì đến các hoạt động qua lại trên biển. Dường như có chút không rõ ràng về quy định này. Bãi cạn lúc nổi lúc chìm được xác định rõ tại Điều 13 và một ngọn hải đăng là không thể nhầm lẫn. Công trình tương tự như một ngọn hải đăng có thể chứa đựng hai hình thức. Một, nó có thể là tháp và các tòa nhà trông giống như ngọn hải đăng mà không phục vụ bất kỳ mục đích cụ thể liên quan đến hàng hải; và thứ hai, sự giống nhau có thể được liên quan đến chức năng của ngọn hải đăng là để cảnh báo nguy hiểm hàng hải và hỗ trợ họ trong việc ấn định vị trí của họ [40, tr.25]. Điều này có thể dẫn đến tình huống một công trình trông giống như một ngọn hải đăng nhưng phục vụ các mục đích khác được xây dựng trên bãi cạn nửa nổi nửa chìm chỉ nhằm mục đích mở rộng vùng nội thủy của quốc gia. Hệ quả là diện tích các vùng biển của quốc gia đó sẽ tăng lên và có thể chồng lấn với các quốc gia khác. Trường hợp thứ hai được phản ánh trong vụ Ngư trường Anh - Na Uy [33, tr.118].

Các trường hợp thứ hai cho phép bãi cạn lúc nổi lúc chìm được sử dụng trong việc xây dựng các đường cơ sở thẳng nếu việc sử dụng cho mục đích đó nhận được sự thừa nhận chung. Quy định này có tham khảo trường hợp của Na Uy mà trong đó có hai điểm cơ sở trên đường 1935 là những bãi cạn lúc nổi lúc chìm đã được Tòa án quốc tế chấp nhận [40, tr.25]. Trong Phán quyết đó, Tòa chấp nhận việc sử dụng rìa ngoài tại ngấn nước thủy triều thấp của các đá làm điểm cơ sở mà không có bất cứ ngọn hải đăng hay công trình nào tương tự xây trên đó [33, tr.116]. Việc xác định các bãi cạn nửa nổi nửa chìm có những vùng biển nào là một vấn đề rất phức tạp. Trong luật pháp quốc tế truyền thống chưa có bất kỳ qui định cụ thể nào về vấn đề này. Công ước Luật biển 1982 đã có những quy định khá rõ ràng về quy chế pháp lý của các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm. Theo khoản 2 Điều 13 của Công ước Luật biển 1982, các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm nói chung không có lãnh hải riêng (do đó cũng không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa) và sự có mặt của chúng không ảnh hưởng đến việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cá biệt, chúng có thể được sử dụng làm các điểm cơ sở thẳng, tức là tạo ra vùng lãnh hải nếu chúng ở cách bờ biển của lãnh thổ đất liền hoặc bờ biển của đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải tính từ bờ biển lãnh thổ đất liền hoặc bờ biển của đảo. Nhưng nếu chúng nằm cách bờ biển của lãnh thổ đất liền hoặc bờ biển của một đảo ở một khoảng cách vượt quá chiều rộng lãnh hải thì không có lãnh hải riêng [48].

Theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Công ước Luật biển 1982:

Trong những trường hợp mà phương pháp kẻ đường cơ sở thẳng được áp dụng theo khoản 1, khi ấn định một số đoạn đường cơ sở có thể tính đến những lợi ích kinh tế riêng biệt của khu vực đó mà thực tế và tầm quan trọng của nó đã được một quá trình sử dụng lâu dài chứng minh rõ ràng.

Quy định này được hiểu là khi các địa hình tự nhiên của bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu một chuỗi đảo nằm sát và chạy dọc theo bờ biển thì quốc gia ven biển có thể sử dụng trong một quá trình lịch sử lâu dài nhưng không có sự phản đối hoặc tranh chấp của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Khoản 5 Điều 7 này cũng quy định rằng khi một trong các tiêu chí nêu ở khoản 1 được đáp ứng, lợi ích kinh tế của quốc gia ven biển có thể được tính đến khi xây dựng đường cơ sở thẳng. Lợi ích kinh tế có liên quan nhất là những lợi ích gắn với hoạt động đánh bắt cá của ngư dân địa phương. Liên quan đến mối quan hệ gắn bó giữa lợi ích kinh tế với đời sống của khu vực đang được xem xét, luật pháp quốc tế yêu cầu quốc gia ven biển phải có bằng chứng rõ ràng về quá trình khai thác và sử dụng lâu dài, chứng minh tính thực tiễn và tầm quan trọng của các hoạt động kinh tế đó. Tầm quan trọng ở đây phải được hiểu là nhu cầu thiết yếu của ngư dân khu vực ven biển. Thêm nữa, các hoạt động kinh tế liên quan đến đường cơ sở thẳng phải được thực hiện một cách liên tục, hòa bình, không bị các nước khác phản đối [50]. Theo quan điểm của Nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc, khi đánh giá cụm từ “sử dụng lâu dài”, không nhất thiết phải tính đến quãng thời gian quá dài đến hàng thế kỷ như trường hợp của Na Uy - Anh. Hai học giả Reisman và Westerman xem xét tính lịch sử của vấn đề này theo một hướng khác: “Vì việc sử dụng biển đang ngày càng nhiều hơn và dễ tiếp cận hơn, bất cứ ý định nào liên quan đến lợi ích tiềm năng mà không phải là liên quan đến quá trình đã sử dụng lâu dài, sẽ là vô nghĩa. Lợi ích ở đây phải là thực sự và quan trọng đối với quốc gia nêu yêu sách về đường cơ sở thẳng và phải được chứng thực qua quá trình sử dụng lâu dài. Các dữ liệu lịch sử về kinh tế là cần thiết để có thể áp dụng ngoại lệ này một cách rõ ràng. Chỉ một tuyên bố đơn thuần của quốc gia ven biển sẽ là không đủ [51]. Do đó, những lợi ích tiềm tàng như việc mới khám phá và khai thác các mỏ dầu, khí và các tài nguyên khác sẽ không đóng vai trò gì trong quá trình xây dựng đường cơ sở thẳng.

Cần lưu ý rằng những lợi ích kinh tế này chỉ được xem xét khi xác định một số đoạn đường cơ sở nhất định, chứ không phải đối với toàn bộ hệ thống đường cơ sở. Hạn chế này là hợp lý bởi ở mỗi khu vực khác nhau thì các điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội cũng khác nhau; “tầm quan trọng” đó chỉ có ý nghĩa đối với một khu vực hoặc một cộng đồng nhỏ nhất định. Nhờ vậy, quy định này có tác dụng ngăn ngừa quốc gia lạm dụng yếu tố kinh tế để mở rộng các vùng biển của mình một cách quá đáng [50].

Theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Công ước Luật biển 1982: “Phương pháp đường cơ sở thẳng do một quốc gia áp dụng không được làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách khỏi biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế”. Quy định này được hiểu là khi hoạch định đường cơ sở theo phương pháp này, quốc gia ven biển không được vạch sang lãnh thổ trên biển của quốc gia

Một phần của tài liệu HOẠCH ĐỊNH ĐƯỜNG CƠ SỞ TRONG LUẬT QUỐC TẾ HIỆN ĐẠI VÀ ĐƯỜNG CƠ SỞ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Trang 40 -54 )

×