Bổ sung các quy định về đăng ký hợp đồng hôn nhân

Một phần của tài liệu Những vấn đề lý luận về hợp đồng hôn nhân và hướng hoàn thiện luật hôn nhân gia đình năm 2014 (Trang 83 - 84)

Nhằm tránh tình trạng các bên vừa ký kết một hợp đồng hôn nhân vừa kết hôn theo thủ tục truyền thống, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có thể quy định việc đăng ký hợp đồng hôn nhân như sau: Sau khi công chứng, chứng thực hợp đồng hôn nhân hoặc hợp đồng thay đổi chế độ hôn nhân, công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực có trách nhiệm thông báo việc ký kết hợp đồng hôn nhân với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi hai bên thường trú (đối với kết hôn trong nước) và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú (đối với kết hôn có yếu tố nước ngoài). Ủy ban nhân dân cấp xã và Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm vào sổ, ghi chú việc kết hôn được thông báo.

Vấn đề đặt ra là thủ tục ký kết hợp đồng hôn nhân như thế nào? Theo tác giả, thủ tục ký kết hợp đồng hôn nhân về cơ bản không khác nhiều so với kết hôn truyền thống. Khi đến tổ chức, cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực, các bên vẫn phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ như kết hôn truyền thống đó là: Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân (hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc các Giấy tờ tùy thân hợp lệ khác), Giấy xác nhận tình trạng độc thân do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy chứng nhận tình trạng sức khỏe (đối với kết hôn có yếu tố nước ngoài). Ta thấy, các thủ tục ký hợp đồng hôn nhân rất khác với hợp đồng thông thường nhưng không hề mâu thuẫn. Hợp đồng hôn nhân là một hợp đồng đặc biệt chứa đựng các quy tắc đặc biệt nên ngoài việc tuân theo các điều kiện giao kết hợp đồng nói chung còn phải tuân theo những điều kiện đặc thù.

Một phần của tài liệu Những vấn đề lý luận về hợp đồng hôn nhân và hướng hoàn thiện luật hôn nhân gia đình năm 2014 (Trang 83 - 84)