Trong nghiên cứu, 100% thuốc bạt sừng được sử dụng là salicylic acid (SA) - loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị tại chỗ vẩy nến có tác dụng bạt sừng bong vẩy, thời gian điều trị của nhóm BN có dùng SA lâu hơn so với nhóm không dùng (bảng 3.10), sự chênh lệch này chưa có lý giải hay chứng mình rõ ràng nào khi dùng SA, nhưng cũng có thể tạm giải thích là do phần lớn BN nhập viện đều ở tình trạng bệnh nặng, có vẩy trắng dầy nên
được dùng SA để hỗ trợ điều trị cho kết quả tốt hơn [4], vì là bệnh nặng nên thời gian nằm viện của nhóm BN này cũng có thể lâu hơn và cần thời gian để bong sừng bạt vẩy. Trong nghiên cứu này (bảng 3.11, thời gian dùng SA trung bình 14,1±7,05 ngày, lâu nhất là 28 ngày và ngắn nhất là 3 ngày, cho thấy thời gian dùng SA tương đối phù hợp để hỗ trợ điều trị bệnh, không quá lâu để dễ gặp các tác dụng không mong muốn của thuốc [11] làm ảnh hưởng đến tình trạng bệnh mà vẫn phát huy được tác dụng có lợi của thuốc.
Cho tới thời điểm hiện tại, hiệu quả điều trị vẩy nến chỉ đánh giá ở mức độ đỡ và giảm, chưa thấy trường hợp nào khỏi bệnh hoàn toàn, nếu vận dụng và phối hơp tốt các phương pháp điều trị chỉ có thể duy trì được sự ổn định của bệnh, hạn chế được các đợt bùng phát, cải thiện được chất lượng cuộc sống người bệnh [6]. Điều này tương đương với kết quả nghiên cứu thu được
(bảng 3.12), cho thấy hiệu quả điều trị đỡ, tình trạng của BN giảm chiếm tỷ lệ
rất cao (92,5%). Không có trường hợp nào tử vong hay bệnh tiến triển nặng hơn. Tuy không có trường hợp nào hoàn toàn khỏi bệnh, nhưng kết quả thu được là khá tốt đối với việc điều trị một bệnh chưa có thuốc đặc trị và dễ tái phát như vẩy nến.
Tốc độ khỏi bệnh: kết quả ở bảng 3.13 và hình 3.5 cho thấy tốc độ khỏi bệnh khi điều trị của nhóm có sử dụng SA tốt hơn nhóm không sử dụng. Cụ thể tốc độ khỏi bệnh rất tốt, tốt ở nhóm BN có sử dụng SA là 20% và 70% còn ở nhóm không sử dụng là 10% và 60%; và chỉ có 3,3% BN ở nhóm dùng SA có tốc độ khỏi bệnh kém, trong khi ở nhóm không dùng là 20%; sự khác biệt này đạt mức ý nghĩa thống kê (p<0,05). Đặc biệt các mảng vẩy da dầy trắng của nhóm BN có sử dụng SA, sau khi bôi thì vẩy giảm, sạch khá nhanh và tình trạng bong vẩy cũng dần giảm đi.
Mức độ thương tổn [24]: dựa theo tiêu chuẩn quy định đánh giá mức độ tổn thương IGA (bảng 1.2),và nhìn vào bảng 3.14 thấy rằng, hiệu quả điều trị bệnh tương đối tốt theo chỉ số IGA, mức độ thương tổn giảm theo thời gian điều trị (hình 3.6), và trung bình độ giảm của chỉ số IGA sau các ngày điều trị ngày càng tăng, với nhóm BN có dùng SA cao hơn nhóm không dùng, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0,05 sau 20 và 30 ngày điều trị. Như vậy mức độ thương tổn ở nhóm có dùng SA giảm nhiều hơn so với nhóm
không dùng khi điều trị dài ngày (>20 ngày). Sau quá trình điều trị, chỉ số IGA trung bình ban đầu của nhóm BN có dùng và không dùng SA lần lượt là 2,93±0,6và 2,30±0,95 giảm xuống còn 1,10±0,80 và 1,30±0,67. Kết quả này cho thấy mức độ tổn thương trung bình ban đầu của cả 2 nhóm đang ở tình trạng từ nhẹ đến nặng (như vẩy ở ngưỡng phát hiện cho đến dày rõ rệt, tổn thương có màu hồng hay đỏ tươi đến đỏ sậm) thì sau quá trình điều trị đã đạt được tình trạng sạch, gần sạch hoặc nhẹ như không thấy dấu hiệu vẩy nến, hay không dày da, ít vẩy, tổn thương có màu bình thường đến hồng.
Tình trạng vùng da bệnh và vẩy: được đánh giá dựa vào tiêu chuẩn đo diện tích bề mặt cơ thể của vùng da bệnh (BSA) [22,31] (bảng 1.1) và trung bình độ giảm chỉ số BSA sau các ngày điều trị và chỉ số BSA trung bình của mẫu nghiên cứu (bảng 3.15). Nhận thấy rằng diện tích vùng da tổn thương ngày càng giảm trong quá trình điều trị, với nhóm BN có sử dụng SA giảm nhiều hơn so với nhóm không sử dụng khi điều trị. Cụ thể, trung bình độ giảm chỉ số BSA của nhóm dùng SA cao hơn nhóm không dùng SA, sau 20 ngày điều trị trung bình độ giảm của nhóm dùng và không dùng lần lượt là 48,68±17,53 và 26±25,10; sau 30 ngày là 56,78±24,16 và 26±25,10; sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Đặc biệt độ dầy vẩy của BN cũng giảm khá tốt sau quá trình điều trị phối hợp với thuốc bôi SA (hình 3.8).
Chỉ số bạch cầu: chỉ số bạch cầu cao ở một số BN vẩy nến phần lớn do có tình trạng viêm nhiễm khi mắc bệnh hoặc có thể là do bệnh mắc kèm khác gây ra, đặc biệt chỉ số này đa phần cao ở BN mắc vẩy nến thể mủ, số ít ở thể đỏ da toàn thân; còn lại các BN khác chỉ số này thường không thay đổi ít bị ảnh hưởng. Trong mẫu nghiên cứu hồi cứu (bảng 3.17), ban đầu khi nhập viện chỉ số bạch cầu trung bình của 2 nhóm BN có sử dụng và không sử dụng SA tương đối cao, lần lượt là 13,26±5,18 (g/l) và 14,32±6,77 (g/l); sau quá trình điều trị thì hầu hết BN của 2 nhóm này có chỉ số bạch cầu bình thường lần lượt là 9,04±2,40 (g/l) và 10,98±3,38 (g/l), chỉ còn rất ít BN có chỉ số bạch cầu vẫn cao, có thể do bệnh mắc kèm gây ra và chưa được điều trị dứt điểm và/hoặc do BN không tuân thủ điều trị, không chú ý giữ gìn vệ sinh tốt cho vùng da tổn thương. Kết quả chỉ số bạch cầu được cải thiện khá tốt trong quá trình điều trị bệnh vẩy nến, nhưng không có sự khác biệt giữa trung bình
độ giảm chỉ số bạch cầu của 2 nhóm có dùng và không dùng SA. Do đó, SA mặc dù là một chất chống viêm sát khuẩn nhẹ nhưng không tác động nhiều đến điều trị tình trạng viêm nhiễm ở bệnh nhân vẩy nến.
Tóm lại: để đánh giá hiệu quả sử dụng của salicylic acid trong hỗ trợ điều trị vẩy nến, chúng tôi đã chia mẫu nghiên cứu thành 2 nhóm BN có dùng SA và nhóm không dùng SA để phân tích và so sánh kết quả điều trị thông qua các yếu tố như tốc độ khỏi bệnh, mức độ tổn thương, tình trạng vùng da bệnh, hay chỉ số bạch cầu. Với những đánhgiá thu được, có thể sơ bộ nhận xét rằng : khi sử dụng SA với tác dụng chính là bong sừng bạt vẩy trong phác đồ điều trị bệnh đã mang lại kết quả tốt, có hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị bệnh vẩy nến.