Các thuốc được sử dụng trong điều trị vẩy nến rất đa dạng, từ cách thức, đến số lượng các loại thuốc được sử dụng, chứng tỏ sự phức tạp trong điều trị bệnh. Với những bệnh nhân nhẹ hoặc vừa thì có thể chỉ sử dụng một trong hai loại thuốc là tại chỗ hoặc toàn thân [2,26]. Đa số BN vẩy nến khi phải nhập viện để điều trị thường là nặng. Do đó, kết quả thu được trong
(bảng 3.6) cho thấy phối hợp thuốc điều trị tại chỗ với thuốc điều trị toàn thân
được áp dụng ở hầu hết các bệnh nhân (85%), nhằm mang lại hiệu quả cộng hợp giữa hai phương thức trên. Trên một số bệnh nhân rất nặng, có số lượng thương tổn nhiều, ngoài việc sử dụng đồng thời cả 2 loại thuốc thì còn được dùng kết hợp quang trị liệu nhằm tối đa hóa hiệu quả điều trị, việc kết hợp này sẽ rút ngắn thời gian điều trị, giảm thời gian và liều sử dụng thuốc nên không những làm giảm thời gian phơi nhiễm, giảm tác dụng không mong muốn mà còn giảm bớt gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân; Tuy nhiên trong nghiên cứu này, không có trường hợp nào sử dụng phương pháp kết hợp trên.
Kết quả thu được từ nghiên cứu cho thấy đa số BN dùng thuốc tại chỗ trong suốt thời gian điều trị, các thuốc được dùng để điều trị tại chỗ rất đa dạng, phong phú từ số lượng, chủng loại. Có 4 nhóm hoạt chất chính được sử dụng để điều trị tại chỗ (bảng 3.7).
Nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất là thuốc làm dịu da (85%), thường dùng sau một đợt điều trị bằng thuốc bạt sừng. Trong trường hợp này lớp sừng sau một thời gian liên tục bị bạt, lớp biểu bì mới thường đỏ, ngứa, dễ nề nên thuốc dịu da làm ổn định, làm dịu, làm cho lớp biểu bì mới tái tạo tốt hơn. Ngoài ra, thuốc làm dịu cũng được kết hợp với dẫn chất của vitamin D (calcipotriol), để giảm tác dụng không mong muốn làm khô da, gây cảm giác bỏng rát của nhóm thuốc này.
Nhóm thuốc corticosteroid cũng được sử dụng khá nhiều (80%), trong đó chủ yếu là các corticosteroid có hoạt lực cực mạnh. Kết quả này phù hợp với các hướng dẫn điều trị vẩy nến sử dụng các thuốc tại chỗ trong y văn [26,28]. Tỷ lệ khỏi hoặc giảm sau khi điều trị bằng corticosteroid tại chỗ đạt từ 58- 92% [26]. Đây là kết quả đáng quan tâm khi vẩy nến là bệnh khó điều trị và dễ tái phát. Lưu ý, ngừng đột ngột corticosteroid bôi một cách đột ngột cũng có thể gây vẩy nến thể mủ hoặc bùng phát nặng tình trạng vẩy nến thể mảng [33]. Cần sử dụng một cách hợp lý.
Nhóm thuốc bạt sừng bong vảy cũng là nhóm chiếm tỷ lệ cao trong điều trị (75%) và thường kết hợp với nhóm corticosteroid vì thuốc làm bạt các lớp sừng dày bên ngoài biểu bì. Ngoài việc hạn chế triệu chứng bong vẩy của bệnh mà nó còn làm lộ ra lớp biểu bì mới làm cho các corticosteroid dễ thấm qua da, làm tăng hiệu quả điều trị của nhóm thuốc này.
Hiệu quả của các thuốc toàn thân kinh điển trong điều trị vẩy nến (methotrexat, acitretin và cyclosporin) và gần đây là của các thuốc có bản chất sinh học đã được thống nhất khẳng định trong y văn [17,28]. Các tài liệu đều khuyến cáo không sử dụng corticosteroid toàn thân để điều trị vẩy nến [18], do khả năng làm rút ngắn thời gian giữa hai lần phát bệnh, làm bệnh trầm trọng hơn đồng thời dễ gây vẩy nến thể mủ hoặc đỏ da toàn thân là những thể nặng của bệnh vẩy nến [2,18]. Trong nghiên cứu này (bảng 3.8), tỷ lệ sử dụng corticosteroid đường toàn thân (Methylprednisolon) thấp (2,5%); Các thể hay sử dụng corticosteroid đường toàn thân để điều trị là vẩy nến thể mủ, đỏ da toàn thân là những thể nặng, thường là biến chứng của vẩy nến thể thông thường khi dùng corticosteroid không hợp lý trước đó. Trong số các thuốc điều trị toàn thân khác, mẫu khảo sát của chúng tôi có methotrexat và
acitretin được sử dụng. Methotrexat là thuốc để điều trị vẩy nến từ hơn 50 năm nay [28], với hiệu quả đã được khẳng định trên y văn trong nước và nước ngoài [2,13,20,26,28]; Điều này phản ánh tỷ lệ sử dụng khá cao methotrexat (37,5%) trong nghiên cứu. Bên cạnh methotrexat có tới 25% số BN trong mẫu hồi cứu được sử dụng acitretin. Trong nghiên cứu chưa ghi nhận được trường hợp nào sử dụng cyclosporin hay các thuốc có bản chất sinh học mặc dù cyclosporin và các thuốc có bản chất sinh học là những thuốc đã được chứng minh có hiệu quả cao [28], được sử dụng rộng rãi trong điều trị vẩy nến tại nhiều nước trên thế giới [21]. Những thuốc có bản chất sinh học cho đến nay là những thuốc duy nhất được đánh giá là có khả năng thay đổi tiên lượng bệnh. Có thể, giá thành của thuốc là lí do chính cản trở cho việc đưa thuốc vào điều trị rộng rãi trong điều kiện của Việt Nam. Ngoài ra thuốc kháng sinh và kháng histamin được chỉ định với hẩu hết các BN (>90%) để chống viêm diệt khuẩn làm tăng hiệu quả điều trị.
Theo dõi các xét nghiệm thường quy trước khi bắt đầu điều trị và trong quá trình sử dụng thuốc đóng vai trò quan trọng. Hơn thế, các thuốc đặc hiệu dùng trong điều trị toàn thân của bệnh vẩy nến như methotrexat và acitretin đều là các thuốc có phạm vi điều trị hẹp.Vì vậy cần theo dõi tình trạng bệnh bằng các xét nghiệm thường quy để có phương hướng điều trị tốt nhất dựa vào hướng dẫn điều trị vẩy nến của Hội Da liễu Đức [28] và Tổ chức Quốc gia về vẩy nến của Hoa kỳ [26], quy định khoảng thời gian làm xét nghiệm và các thông số xét nghiệm cần làm. Ngoài ra cũng cần theo dõi chỉ số bạch cầu để đánh giá tình trạng viêm nhiễm khi mắc bệnh. Trong mẫu nghiên cứu 100% BN đều được làm các xét nghiệm để theo dõi diễn biến của bệnh (bảng
3.9).