Hồi nhỏ, còn cắp sách tới trường, nếu không vì gia cảnh bó buộc, thì ai cũng học đến nơi đến chốn. Lớn lên, theo một lớp hàm thụ thì trăm người chỉ được hai mươi người thành công. Sở dĩ vậy chỉ tại hồi nhỏ có cha mẹ rầy, có thầy giáo phạt, mà lớn lên ta được tự do, muốn học thì học, muốn nghỉ thì nghỉ. Cho nên muốn có kết quả, ta phải tự kiểm soát rồi phạt. Vậy mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, hoặc ít nhất cũng mỗi tuần một lần, ta tự xét xem:
- Trong ngày đó có làm đúng theo chương trình đã định không. - Có chú ý vào mỗi công việc không.
- Đã diệt được thói xấu nào. - Đã tập thêm được thói tốt nào. - Học được những gì.
- Có theo đúng những lời khuyên trong cuốn này không.
Ta nên ghi những thất bại và thành công vào một cuốn sổ tay và mỗi tháng tổng cộng lại xem tiến hơn tháng trước được bao nhiêu.
Nếu tiến được nhiều thì ta tự thưởng một cái gì đó; nếu thụt lùi thì phải tự phạt bằng cách này hay cách khác, chẳng hạn, luôn trong một tuần phải dậy sớm hơn mười phút, hoặc mỗi ngày hút bớt đi hai điếu thuốc.
Không nên khoan hồng mà cũng không nên quá nghiêm khắc với mình. Nếu ta tự phạt một cách nặng quá, theo không nổi, thì ta sẽ bỏ hết, công phu luyện tập sẽ mất, và ta đâm liều, đã lỡ rồi, cho lỡ luôn. Tôi còn nhớ, hồi tám, chín tuổi đọc trong Quốc văn giáo khoa thư truyện một người rón rén từng bước trên một quãng đường lầy lội nhưng người ấy lỡ dẫm nhầm một vũng nước, bùn tung toé lên lấm hết quần áo, từ đó không còn giữ ý gì nữa, bước càn trên đường. Tôi không hiểu tại sao bài học đó đập mạnh vào óc tôi đến nỗi bây giờ nhắm mắt lại, tôi còn thấy đủ chi tiết của tấm hình trên bài: một người đàn ông bận áo dài đen, đội khăn đen, đi đôi giày ta, khom khom bước trước cửa ô Quang Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu tại Hà Nội. Bài đó chứa một tâm lý rất đúng và một lời khuyên đáng ghi: phải giữ sao cho đừng có điều gì để tự khinh minh được, một người đã tới nước tự khinh mình rồi là một người bỏ đi. Tựđặt hình phạt cho mình mà rồi bỏ không theo, tức thì là tự khinh mình rồi vậy.