Đàn áp những tình cảm có hại cho nghị lực

Một phần của tài liệu Rèn nghị lực để lập thân (NXB văn hóa thông tin 1999) (Trang 27)

Phải muốn những tình cảm có lợi cho nghị lực nhưng đồng thời cũng phải diệt những tình cảm có hại, như lòng ham vui, tính làm biếng, sợ gắng sức, sợ kỷ luật.

Trong cuốn La Volonté, ông Raymond de Saint Laurent chỉ cho ta những cách sau này để tấn công chúng.

- Cách thứ nhất là phân tích chúng để thấy sự xấu xa, cái hại của chúng rồi sinh ghét chúng.

Bạn mở sách ra định học chữ Hán, thấy bài khó quá, chán nản, muốn nghỉ một tối để đi coi hát bóng. Bạn nghĩ nếu để thị dục thắng mình một lần thì nó sẽ thắng hoài và bạn sẽ hoá ra nhu nhược kém nghị lực, có hại cho tương lai ra sao. Bạn hình dung những người ham chơi, biếng nhác mà bạn quen biết, nhớ lại tư cách, đời sống của họ, bạn sẽ khinh họ và không muốn bị người khác khinh mình, sắp mình vào một hạng với họ.

- Cách thứ hai là dùng tự kỷ ám thị. Mỗi ngày, trong lúc vắng, lặp lại câu này nhiều lần:

“Tôi có nghị lực, không sợ khó nhọc, tôi theo đuổi mục đích tới cùng và sẽ thành công”.

Trong khi nói, bạn phải chú hết tâm thần và tin tưởng vào mỗi lời. Nhiều tác giả bảo phương pháp đó có hiệu quả chắc chắn, bạn thí nghiệm xem sao, không tốn công gì cả.

- Cách thứ ba là lợi dụng ngay những tình cảm có hại cho nghị lực. Gió thổi ngược, nhưng một thuỷ thủ lành nghề khéo điều khiển

những cánh buồm thì gió ngược thành gió xuôi. Tánh làm biếng, ngại khó nhọc là tật chung của loài người, nhưng chính nhờ tật đó mà tổ tiên ta mới nghĩ được cách dùng ngựa, bò để chuyên chở, rồi chế tạo ra bánh xe, cánh buồm, phát minh những xe đạp, xe lửa, tàu thuỷ, xe hơi, máy bay.

Bạn làm biếng mỗi khi phải dọn dẹp đồ đạc trong nhà ư? Bạn giống tôi lắm. Muốn đỡ mất công, sao ta không nghĩ cách bày biện, xếp đặt lại cho thứ tự? Học dụng ngữ là một việc rất ngán, tôi biết vậy, nên đã dùng những thuật ký ức chỉ trong các sách về luyện ký tính để áp dụng mà học cho mau nhớ. Bạn có thói vừa chơi vừa học? Thì cứ tìm cách vừa học vừa chơi, chẳng hạn làm một tấm thẻ cho mỗi dụng ngữ mới như tôi đã chỉ trong cuốn “Tự học để thành công”. Cách ấy cũng tiêu khiển được đấy.

Một phần của tài liệu Rèn nghị lực để lập thân (NXB văn hóa thông tin 1999) (Trang 27)