GIỚI THIỆU SÁCH LỊCH SỬ TRIẾT HỌC TRUNG QUỐC (2 TẬP)

Một phần của tài liệu TIỂU LUẬN xây DỰNG và HOÀN THIỆN NHÀ nước PHÁP QUYỀN xã hội CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (Trang 88 - 92)

Tác giả: Phùng Hữu Lan

Người dịch: Anh Minh

Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006

Do những mối quan hệ đặc biệt về lịch sử và văn hoá, từ trước đến nay, ở Việt Nam, việc nghiên cứu lịch sử triết học và tư tưởng Trung Quốc luôn được chú trọng. Để thấy rõ điều đó, chỉ cần nêu ra một vài tác phẩm được xuất bản gần đây: Đại cương triết học Trung Quốc của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992; Lịch sử triết học Trung Quốc của Hà Thúc Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1996; Đại cương lịch sử triết học Trung Quốc của Lê Văn Quán, Nxb Giáo dục, 1997; Trung Quốc triết học sử đại cương của Hồ Thích, do Minh Đức dịch, Nxb Văn hoá thông tin, 2004; Đại cương lịch sử triết học Trung Quốc do Doãn Chính chủ biên, Nxb Chính trị quốc gia, 2004, v.v.. Trong bối cảnh đó, việc Nxb

Khoa học xã hội xuất bản tác phẩm Lịch sử triết học Trung Quốc của Phùng Hữu

Lan dường như không thật cần thiết?

Chắc chắn không phải như vậy. Chỉ riêng việc Phùng Hữu Lan là một nhà triết học và nghiên cứu lịch sử triết học có uy tín trong lịch sử triết học Trung Quốc hiện đại cũng đã cho thấy việc dịch và xuất bản tác phẩm của ông là cần thiết. Hơn nữa, đây lại là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của ông, một tác phẩm mà từ khi ra đời (1931) đến nay luôn là “nguồn tham khảo rất hệ thống và thiết yếu về tư tưởng triết học Trung Quốc”. Thứ ba, quan trọng hơn cả, Lịch sử triết học Trung Quốc chứa đựng nhiều quan điểm mới mẻ và khác biệt, so với những tác phẩm đã được đề cập ở trên, về vấn đề tưởng chừng quen thuộc là triết học và các triết gia Trung Quốc. Vì những lý do đó, có thể thấy, tác phẩm là một tài liệu tham khảo đối sánh rất

có ý nghĩa.

Lịch sử tư tưởng Trung Quốc được xuất bản thành hai tập, tương ứng với hai phần lớn của bộ sách và là hai thời đại trong lịch sử triết học Trung Quốc theo cách phân chia của tác giả: “Thời đại Tử học” (tập Một) và “Thời đại Kinh học” (tập Hai). “Tử học” là thời đại khởi phát của những trường phái (“gia” - nhà) với những đại biểu đặc sắc (“Tử” - bậc thầy), những khuynh hướng tư tưởng khác biệt thi nhau nổi lên, tranh giành ảnh hưởng của nhau, tạo ra một không khí học thuật đặc biệt sôi động. “Kinh học” là thời đại chú giải kinh điển; các tác gia tiêu biểu dựa vào việc làm rõ nghĩa lý trong những tác phẩm kinh điển của “thời đại Tử học”, dựa vào các tên tuổi

lớn trong quá khứ, để đưa ra quan điểm của mình.

Tập Một - “Thời đại Tử học” - gồm 16 chương. Trong đó, chương 1 trình bày quan niệm của tác giả về triết học và lịch sử triết học nói chung, về triết học Trung Quốc - triết học Trung Quốc cần được nhìn nhận như thế nào, giữa triết học Trung Quốc và triết học phương Tây có những khác biệt gì - và về tiêu chuẩn chọn lựa tư liệu viết lịch sử triết học Trung Quốc. Đây là chương đặc biệt quan trọng của tác phẩm. Một mặt, nếu không nắm được nội dung của chương này, người đọc khó có thể theo dõi sát nội dung và cách thức triển khai các chương tiếp theo của tác phẩm; mặt khác, nó cho thấy bức “chân dung tinh thần” của tác giả (phương pháp và phong cách tư duy, nhân sinh quan và cả thế giới quan của tác giả mà từ đó ông viết nên “lịch sử viết” về

triết học Trung Quốc - theo cách của mình). Nói cách khác, nếu các chương sau của tác phẩm cho thấy Phùng Hữu Lan với tư cách một nhà nghiên cứu lịch sử triết học, thì chương đầu tiên này bộc lộ rõ Phùng Hữu Lan với tư cách một triết gia. Chương 2 - “Phiếm luận về thời đại Tử học” - giải thích tại sao tác giả chia lịch sử hàng ngàn năm của triết học Trung Quốc thành hai thời đại “Tử học” và “Kinh học”, và phân tích bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hoá, tư tưởng của “thời đại Tử học”. Theo tác giả, thời đại Tử học bắt đầu từ thời Xuân Thu (722 - 489 TCN) cho đến đời Hán (206 TCN - 220). Về kinh tế, chính trị, xã hội, đây là giai đoạn có những đảo lộn từ nền tảng, là “một thời đại quá độ lớn”. Tình hình đó tạo điều kiện cho sự nở rộ những khuynh hướng tư tưởng khác nhau, tạo nên cục diện tư tưởng đặc thù của thời đại - cục diện “bách gia tranh minh”. Đến đời Hán, khi Trung Quốc đã được thống nhất, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đi vào ổn định, chủ trương thống nhất đất nước Trung Quốc về mọi mặt - kể cả mặt tư tưởng - được thực hiện và mọi học phái khác nhau đều được quy về một mối, thì thời đại Tử học chấm dứt. Từ chương 3 đến chương 16 của tập Một, Phùng Hữu Lan trình bày các trường phái triết học của thời đại Tử học cùng với các tác gia tiêu biểu của mỗi trường phái đó (chương 3: Tư tưởng và tôn giáo trước thời Khổng Tử; chương 4: Khổng Tử và khởi nguyên của Nho gia; chương 5: Mặc Tử và Mặc gia thời kỳ đầu; chương 6: Mạnh Tử và Mạnh học; chương 7: Cái học bách gia thời Chiến Quốc; chương 8: Lão Tử và Lão học trong Đạo gia; chương 9: Huệ Thi, Công Tôn Long và các biện giả khác; chương 10: Trang Tử và Trang học trong Đạo gia; chương 11: Mặc kinh và các Mặc gia về sau; chương 12: Tuân Tử và Tuân học trong Nho gia; chương 13: Hàn Phi Tử và các Pháp gia khác; chương 14: Nho gia đời Tần và đời Hán; chương 15: Vũ trụ luận trong Dịch truyện và sách Hoài Nam Tử; chương 16: Lục nghệ của Nho gia và sự độc tôn của Nho gia). Ở đây, Phùng Hữu Lan không trình bày từng trường phái cụ thể, mà theo sát sự phát triển của lịch sử tư tưởng trong mỗi thời kỳ nhỏ trong giai đoạn Tử học. Ví dụ, về Nho gia, ông không trình bày Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử và Nho học đời Tần - Hán trong cùng một chương, mà chia ra làm nhiều chương không liên tiếp nhau. Đối với Mặc gia, Đạo gia, Pháp gia… cũng như vậy. Cách phân chia này đảm bảo thể hiện rõ rệt và sinh động cục diện “tranh minh” ở các thời

kỳ, đồng thời làm rõ được cả mức độ ảnh hưởng của mỗi tác gia tiêu biểu - mỗi người trong số họ cùng với học trò của mình tạo thành một học phái riêng biệt trong mỗi trường phái chung. Trong các chương này, ta thấy rõ những quan điểm độc đáo của Phùng Hữu Lan khi xem xét và trình bày các tác gia và các tác phẩm cổ đại. Không chỉ đưa ra quan điểm, ông còn có những luận chứng sắc bén bảo vệ quan điểm của mình, điều này tạo nên sức thu hút của tác phẩm vốn bàn về một vấn đề

dường như đã quen thuộc.

Ở tập Hai - “Thời đại Kinh học”, Phùng Hữu Lan trình bày tư tưởng triết học Trung Quốc từ thời Hán cho đến tận thời kỳ đầu thế kỷ XX. Trong phần đầu của tập Hai, Phùng Hữu Lan nêu lên những đặc điểm nổi bật của thời đại: sự tham gia của tư tưởng Phật học vào dòng lịch sử tư tưởng Trung Quốc, sự hoà trộn “đồng nguyên” các phái tư tưởng dưới lớp vỏ Nho học và tính chất “kinh học” như là không khí học thuật chung của toàn bộ thời đại kéo dài gần 2000 năm này. Tập Hai được chia thành 16 chương với những phần dễ nhận thấy: chương đầu tiên là những lời giới thiệu chung: “Phiếm luận về thời đại Kinh học”; 3 chương tiếp theo, tác giả viết về Kinh học kim văn, cổ văn và cái học sấm vĩ đời Hán; từ chương 5 đến chương 10, tác giả bàn về Phật học các đời Nam – Bắc triều, Tuỳ và Đường; từ chương 10 đến chương 15, tác giả đề cập đến Đạo học – còn gọi là Tân-Nho gia theo cách gọi hiện nay – của các đời từ Tống đến Thanh với các tác gia tiêu biểu như Chu Liêm Khê, Thiệu Khang Tiết, Trương Hoành Cừ, Nhị Trình, Chu Hi, v.v.; chương cuối cùng của tác phẩm nói về Kinh học kim văn của đời Thanh. Trong tập Hai này, cũng như trong tập Một, Phùng Hữu Lan đưa ra những kiến giải rất sâu sắc và có nhiều quan điểm

độc đáo về các nhà triết học của thời đại Kinh học.

Ngoài ra, trong tác phẩm, ta còn nhận thấy rõ dấu ấn rất riêng của người dịch – dịch giả Lê Anh Minh. Ông đã đưa vào tác phẩm những lời dẫn, chú thích, bảng kê niên biểu, tiểu sử vắn tắt của các nhà tư tưởng được đề cập, v.v. – là kết quả tham khảo rộng rãi nhiều nguồn tài liệu khác nhau, kể cả những bản dịch ra các thứ tiếng khác của tác phẩm này, để làm rõ hơn tư tưởng của Phùng Hữu Lan. Với những đóng góp của dịch giả, giá trị của tác phẩm đã thật sự tăng lên đáng kể. Tuy còn một vài lỗi kỹ thuật, nhưng nhìn chung, Lịch sử triết học Trung Quốc của

Phùng Hữu Lan đã được dịch và in ấn rất công phu. Có thể coi đây là tài liệu tham khảo cần thiết đối với những người nghiên cứu lịch sử triết học nói riêng và đông đảo bạn đọc yêu thích triết học nói chung./.

Một phần của tài liệu TIỂU LUẬN xây DỰNG và HOÀN THIỆN NHÀ nước PHÁP QUYỀN xã hội CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (Trang 88 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)