Những quốc gia tham gia hay không tham gia vào qúa trình toàn cầu hoá kinh tế đều chịu tác động của qúa trình này, tác động của toàn cầu hoá kinh tế mang tính đan xen giữa yếu tố tích cực lẫn những thách thức to lớn đối với tất cả các nước phát triển cũng như đang phát triển .
1.Thị trường
Thị trường là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với mọi nền kinh tế thị trường . Một cường quốc kinh tế hàng đầu như Mỹ với tổng GDP hiện khoảng 9000 tỷ USD và nhập khẩu tới 1200 tỷ USD . Nước đông dân nhất thế giới như Trung Quốc cũng xem như thị trường ngoài nước là nhu cầu sống còn và hiện nay Trung Quốc đã đạt tới kim ngạch xuất nhập khẩu khoản trên 320 tỷ USD . Những nước càng nhỏ thị trường nội địa càng hẹp thì thị trường bên ngoài càng có tầm quan trọng hơn đối với sự phát triển.
Cùng với qúa trình hội nhập quốc tế phát triển hàng rào bảo hộ mậu dịch càng giảm , quan hệ buôn bán giữa các quốc gia ngày càng mở rộng , do vậy mà thị trường thế giới cũng ngày càng được mở rộng . Các hiệp định thương mại song phương , đa phương sẽ cho phép thị trường của một nước được khai thông với tất cả các nước . Chẳng hạn, Nếu Việt Nam trở thành thành viên chính nhức của WTO thì sau khoảng 5-10 năm ,thị trường của hàng hoá ,dịch vụ tại Việt Nam sẽ được khai thông với 134 nước thành viên WTO . Đây là một cơ hội rất lớn đối với các nướcc tham gia hội nhập quốc tế .
Tất nhiên đây cũng là một thách thức nguy hiểm đối với các nước không tham gia, hay tham gia hội nhập quốc tế một cách hạn chế. Bởi vì thị trường của các nước này không có khả năng mở rộng ra bên ngoài , nên các lợi thế so sánh không tăng lên và bị đẩy vào những điểm “kẹt” của thế giới ,nghĩa là ở những điểm mà lơi thế so sánh về kinh tế của quốc gia chỉ có giảm dần.
Một thị trường bên ngoài của một nước ngày càng mở rộng thì sức ép của thị trường bên ngoài cũng mạnh trên nhiều phương diện. Trước hết là cạnh tranh toàn cầu sẽ rất gay gắt , buộc tất cả các công ty trong nước phải phấn đấu dữ dội để tồn tại và phát triển . Đồng thời đó cũng là một thách thức, vì nếu các quốc gia tham gia hội nhập không có các chính sách đúng ,các công ty kinh doanh không chịu phấn đấu vươn lên , thì tình trạng phá sản các công ty dẫn tới thất nghiệp gia tăng , gây bất ổn định xã hội là điều khó tránh khỏi. Thứ hai, sức ép của thị trường toàn cầu sẽ tác động đến thể chế kinh tế , xã hội của các quốc gia , buộc các thể chế này phải thích ứng với thể chế thị trường toàn cầu . Đây cũng là một cơ hội để các quốc gia hoàn thiện thể chế thị trường của mình.Nhưng đồng thời cũng là một thách thức ,vì nếu các thể chế quốc gia không hoàn thiện thích ứng với cơ chế thị trường toàn cầu , thì môi trường kinh doanh quốc tế sẽ bị giảm lợi thế so sánh , kém hiệu quả , gây thua thiệt chi các nhà kinh doanh .
Như vậy là nếu một quốc gia và các công ty kinh doanh của nó có chiến lược và chính sách đúng , có thể mở rộng được thị trường cả trong và ngoài nước và ngược lại, không kể nước đó là nước đã phát triển hay kém phát triển. Nước Mỹ là nước phát triển bậc nhất thế giới , nhưng luôn bị nhập siêu, hiện nay mức nhập siêu đã tới 320 tỷ USD , nghĩa là Mỹ đã mất thị trường trong nước tới gần 320 tỷ USD . Nhưng Trung Quốc là một nước đang phát triển trong nhiều năm đã luôn xuất siêu và mức xuất siêu đã đạt tới khoảng 10 tỷ USD .
2 . Các dòng vốn và công nghệ
Hiện nay ở các nước phát triển những nguồn vốn không nơi sinh lợi , những công nghệ cũ không có chỗ sử dụng có lợi đang xuất hiện ngày càng nhiều. Ngay ở Mỹ người ta ước tính chỉ vào khoảng 10% bằng phát minh sáng chế hàng năm được sử dụng . Hàng trăm tỷ USD ở Nhật chỉ có mức sinh lợi hàng năm khoảng
dưới 1%. Những công nghệ cũ sử dụng không sinh lợi ở những nước phát triển ngày càng nhiều. Những nguồn vốn và công nghệ này sẽ được chảy tới những nơi sinh lợi nhiều hơn. Trước những năm 90, do chính sách đóng cửa bảo hộ chặt chẽ của các nước đang phát triển nên các dòng vốn và công nghệ này chỉ giao lưu chủ yếu giữa các nước phát triển với nhau. Từ sau năm 1990, khi chiến tranh lạnh kết thúc , nhiều nước đang phát triển đã chuyển sang kinh tế thị trường mở cửa , do vậy các dòng vốn và công nghệ này đã ngày càng chảy vào các nước đang phát triển nhiều hơn. Đây là một thời cơ lớn cho các nước đang phát triển , vì các nước đang phát triển là những thị trường mở , có sức lao động và tiền lương thấp, có tài nguyên thiên nhiên... nên có thể sử dụng những nguồn vốn và công nghệ có hiệu quả hơn. Nửa sau những năm 1990 , hàng năm đã có hàng trăm tỷ USD đổ vào các nước đang phát triển . Có nước như Trung Quốc từ năm 1996 trở đi mỗi năm đã thu hút tới hơn 40 tỷ USD , trở thành nước đứng thứ hai trên thế giới trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài . Hiện nay , dòng lưu chuyển vốn của thế giới đã đạt tới con số 2000 tỷ USD/ngày.
Nhưng đồng thời đây cũng là một thách thức lớn . Những nước không tạo ra được môi trường đầu tư có khả năng sinh lợi hấp dẫn và bền vững, thì các dòng vốn và công nghệ mới sẽ không vào, hoặc nếu chúng vào thì chỉ sau một thời gian khi gặp chấn động chúng sẽ rút chạy. Sự tháo chạy của các dòng vốn khỏi một số nước Châu Á khi xảy ra khủng hoảng kinh tế năm 1997 là ví dụ. Hay các dòng vốn những năm 80 cũng đã dồn dập rút khỏi châu Âu, và nhiều nước đổ về Mỹ, khi lãi xuất ở Mỹ có lúc lên tới 20%/năm
3. Lao động
ở các nước phát triển vốn có nguồn lao động kĩ thuật được đào tạo có tay nghề cao, nhiều cán bộ kĩ thuật và quản lý cao cấp, có nhiều học giả tài năng trong nhiều lĩnh vực... nhưng lại thiếu lao động giản đơn tiền lương thấp. Ngược lại các nước đang phát triển lại thừa lao động giản đơn, nhưnglại thiếu những lao động có kỹ năng và trí tuệ. Nhờ toàn cầu hoá phát triển, các nguồn nhân lực này có điều kiện di chuyển, trao đổi cho nhau, giúp nhau tạo các lợi thế so sánh. Dòng lao động giản đơn, các học sinh di chuyển từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển.
Dòng lao động lành nghề có trí tuệ di chuyển từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển. Các công ty của các nước phát triển cũng có thể lập nhà máy sử dụng lao động từ các nước kém phát triển, rồi lại bán hàng hoá về nước ...toàn cầu hoá sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho việc đào tạo và sử dụng nhân lực có hiệu quả hơn với những hình thức rất đa dạng: làm gia công lắp ráp chế biến xuất khẩu , trực tiếp xuất khẩu lao động, nhận thầu từ các công trình xây dựng ở nước ngoài, cử đi học dài-ngắn hạn, đi nhiên cứu khảo sát, mời chuyên gia nước ngoài giúp giảng dạy, nghiên cứu...Đây cũng là một thời cơ to lớn để các nước có thể sử dụng nguồn nhân lực trên phạm vi quốc tế một cách có hiệu quả.
Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của một quốc gia trong thời kỳ toàn cầu hoá phải tính tới việc sử dụng đào tạo nguồn nhân lực nước mình không chỉ ở trong nước mà cả ở các nước khác. Điều đó đòi hỏi các quốc gia phải có một chính sách xuất nhập cảnh, nhập cư, di cư quốc tế một cách linh hoạt và thích hợp. Tư duy kỳ thị dân tộc và quốc gia hẹp hòi sẽ là trở ngại cho việc lợi dụng cơ hội này. Nếu không lợi dụng được cơ hội này, chỉ đóng cửa tự đào tạo, tự sử dụng nguồn nhân lực trong nước thì những quốc gia đó sẽ bị tụt hậu về giáo dục, về nhân lực và khó có thể phát triển.
Như vậy, những đặc trưng và tác động của toàn cầu hoá kinh tế nêu trên thể hiện tốc độ biến đổi cao và nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu khiến cho một nền kinh tế để phát triển không còn con đường nào khác là nhanh chóng hoà nhập vào quỹ đạo hoạt động chung của nền kinh tế toàn cầu hoá. Các nước phải bắt kịp các động thái của dòng hàng hoá dịch vụ , dòng công nghệ kĩ thuật và dòng vốn quốc tế khổng lồ.