Nguyên nhân thâm hụt cán cân thương mại 1 Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu

Một phần của tài liệu chính sách ngoại thương và thực trạng và giải pháp cán cân thương mại củaViệt Nam trong giai đoạn hiện nay. (Trang 25 - 30)

3.1 Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu

Hơn một thập niên qua, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng nông lâm sản, công nghiệp nặng và khoáng sản, công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp (TTCN).

Theo thống kê của GSO, trung bình giai đoạn 1999 - 2010, hàng nông lâm sản chiếm khoảng 15%, trong đó chủ yếu là hàng nông sản với các sản phẩm chính như gạo, hồ tiêu, cao su; hàng công nghiệp nặng và khoáng sản chiếm khoảng 34% mà chủ yếu là khoáng sản với mặt hàng chính là than đá và dầu thô; hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm khoảng 40% với sản phẩm chủ yếu là hàng dệt may và giầy da (Hình 2).

Hình 2 Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo nhóm (trung bình) giai đoạn 1999 - 2010F. Nguồn: Tính toán của tác giả dựa trên số liệu GSO

Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu cho thấy hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam không có gì nổi trội so với các quốc gia trong khu vực, cơ cấu mặt hàng của Việt Nam giống với các nước khác trong ASEAN. Có rất nhiều mặt hàng trong nhóm hàng công nghiêp nhẹ tiểu thủ công nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu, nhập khẩu dây chuyền sản xuất. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngành nghề sản xuất trong nước.

Không chỉ vậy, nhiều mặt hàng xuất khẩu khả năng gia tăng sản lượng khi giá cả có lợi, chẳng hạn như tỷ giá hối đoái tăng thì nhiều mặt hàng xuất khẩu không thể tăng sản lượng vì hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đã phát huy hết công suất sản xuất và không thể khai thác tiếp nhằm đảm bảo tính bền vững dài hạn (như dầu thô, than đá,...) hay một số nhóm hàng phụ bị tác động quá nhiều của thời tiết (như nông sản, thủy sản,...).

3.2 Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu

Từ số liệu thống kê của GSO, dễ dàng nhận thấy suốt giai đoạn 1999 - 2010, tổng giá trị nhập khẩu ngày càng gia tăng và nhập khẩu thuộc nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng rất lớn, trung bình khoảng 92% tổng giá trị nhập khẩu, 8% còn lại chủ yếu là hàng tiêu dùng.

Trong nhóm hàng tư liệu sản xuất thì nhóm hàng máy móc thiết bị chiếm khoảng 29% tổng giá trị nhập khẩu; nhóm hàng nguyên nhiên, vật liệu chiếm khoảng 63,5% tổng giá trị nhập khẩu (Hình 3).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhập khẩu hàng tư liệu sản xuất cao. Như đã đề cập trong phần trên, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước phải nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên vật liệu, cùng với đó là quá trình công nghiệp hoá đang diễn ra mạnh mẽ nên nhu cầu thay thế thiết bị lạc hậu bằng cách nhập khẩu công nghệ từ các nước phát triển góp phần làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu chung.

Ngoài ra, lộ trình tự do hoá thương mại của Việt Nam nhất là kể từ năm 2007 - năm Việt Nam trở thành thành viên WTO đã thu hút một nguồn vốn FDI khá lớn hàng năm và kèm theo đó là nhu cầu nhập khẩu trang thiết bị, dây chuyền sản xuất phục vụ đầu tư. Ngoài những nguyên nhân làm gia tăng việc nhập khẩu như đã nêu trên, nguyên nhân nhập khẩu tăng cao còn phải kể đến: - Tỷ lệ nhập khẩu trong sản phẩm xuất khẩu ở mức khá cao dẫn tới thực tế là nếu xuất khẩu muốn tăng lên thì nhất thiết nhập khẩu sẽ tăng;

- Thu nhập ở Việt Nam tăng lên sẽ tạo thêm nhu cầu đối với hàng tiêu dùng và xa xỉ phẩm; - Đầu cơ bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn cũng là lý do dẫn tới nhập khẩu gia tăng trong những năm gần đây;

- Sự biến động trong giá hàng hoá thế giới dẫn tới hoạt động đầu cơ hàng hoá, nên nhiều hàng hoá được nhập khẩu để tích trữ trước khi giá tăng.

Hình 3: Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu khẩu theo nhóm (trung bình) giai đoạn 1999 - 2010F. Nguồn: Tính toán của tác giả dựa trên số liệu GSO

3.3 Các nhân tố vĩ mô tác động đến cán cân thương mại Việt Nam

Dưới góc độ thương mại quốc tế, có nhiều nhân tố vĩ mô tác động gây ra thâm hụt hoặc thặng dư thương mại. Trong nghiên cứu này tác giả chỉ xem xét hai nhân tố là tỷ giá hối đoái, tăng trưởng kinh tế (GDP), đây là những nhân tố được nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước ghi nhận là nguyên nhân tác động gây nên thâm hụt thương mại.

3.3.1 Tỷ giá hối đoái

Ngày nay, quan hệ thương mại là đa phương, một nước có quan hệ buôn bán với rất nhiều nước trên thế giới, để có cái nhìn toàn diện hơn về vị thế cạnh tranh của hàng hóa trong nước với các đối tác thương mại khác người ta dùng tỷ giá thực đa phương (tỷ giá trung bình), tỷ giá thực đa phương là một chỉ số phản ánh mức độ cạnh tranh về giá cả của quốc gia và là cơ sở để đánh giá đồng nội tệ bị định giá cao hay thấp.

Hình 4: Tỷ giá thực và Cán cân thương mại Việt Nam theo quý giai đoạn 1999 –Q1 2010. Nguồn: IFS và tính toán của tác giả.

Từ kết quả tính toán và đồ thị Hình 4 có thể nhận thấy rằng, trong giai đoạn quý 1/1999 đến quý 4/2003, REER có giá trị lớn hơn 100 và có xu hướng tăng, đến quý 1/2004 RERR vẫn có giá trị lớn hớn 100 nhưng có xu hướng giảm dần và đến quý 1/2008 REER có giá trị nhỏ hơn 100 và tiếp tục có xu hướng giảm cho những quý tiếp sau.

Theo lý thuyết kinh tế học, nếu REER lớn hơn 100 thì VND được coi là giảm giá so với các đồng tiền còn lại và ngược lại khi REER nhỏ hơn 100 thì VND được coi là tăng giá so với các đồng tiền còn lại.

Khi VND giảm giá sức cạnh tranh quốc tế của hàng hoá Việt Nam được cải thiện, xuất khẩu có lợi thế hơn nhập khẩu nên cán cân thương mại thời kỳ này sẽ được cải thiện.

Ngược lại, khi VND tăng giá thực sức cạnh tranh quốc tế của hàng hoá Việt Nam sẽ bị hạn chế, nhập khẩu sẽ có lợi thế hơn xuất khẩu vì vậy cán cân thương mại thời kỳ này sẽ nghiêng về nhập siêu.

Xét trong thực tế, từ quý 1/1999 đến quý 4/2003 là giai đoạn VND giảm giá thực. So với quý 1/1999 tại thời điểm quý 4/2003 VND giảm giá thực khoản 16,01%, nên trong thời kỳ này cán cân thương mại Việt Nam có nhiều cải thiện (nhiều quý có thặng dư thương mại).

Trong giai đoạn tiếp sau, từ quý 1/2004 đến quý 4/2007, VND giảm giá thực nhưng tỷ lệ giảm so với thời điểm quý 1/1999 giảm dần, cán cân thương mại mất cân bằng mức thâm hụt thương mại bắt đầu gia tăng.

Đến quý 1/2008, VND không còn lợi thế giảm giá thực so với các đồng tiền khác, từ thời điểm này VND bắt đầu tăng giá thực. VND tăng giá đã hỗ trợ cho hoạt động nhập khẩu gia tăng và

thực tế số liệu thống kê cho thấy từ Quý 1 năm 2004 đến nay cán cân thương mại đã nghiêng hẳn về nhập siêu.

3.3.2 Tăng trưởng kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phát triển nhanh với mức tăng trưởng trung bình hằng năm khoảng 7%. Công nghiệp hóa đặt ra yêu cầu về trang bị cơ sở vật chất hiện đại nên việc nhập khẩu máy móc thiết bị từ bên ngoài là khó tránh khỏi, chưa kể một số ngành nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu vì nguồn trong nước không đủ đáp ứng như sản xuất thép, phân bón.

Bên cạnh đó, chính sách mở cửa hội nhập trong những năm gần đây đã tạo nhiều cơ hội cho xuất khẩu trong nước nhưng cũng làm gia tăng nhập khẩu, nhất là từ khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương như với các nước ASEAN, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO),...

Hình 5 cho thấy, tương quan thuận giữa tăng trưởng kinh tế và gia tăng nhập khẩu trong giai đoạn 1999 - 2010 và mức gia tăng nhập khẩu mạnh mẽ sau khi Việt Nam chính thức là thành viên của WTO (so với năm 2006, vào năm 2007 mức nhập khẩu đã tăng 38% và 77% trong năm 2008).

Hình 5: GDP thực và nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn Q1 1999 – Q1 2010. Nguồn: Tính toán của tác giả từ số liệu của IMF và GSO.

Ngoài việc gia tăng nhập khẩu đối với máy móc thiết bị, nguyên vật liệu khi thu nhập gia tăng, những sản phẩm tiêu dùng xa xỉ cũng có xu hướng gia tăng.

Hình 6 cho thấy mức gia tăng ôtô nhập khẩu (mạnh nhất là ôtô 12 chỗ ngồi trở xuống trong khoảng 3 năm gần đây) khi thu nhập bình quân đầu người tăng.

Hình 6: Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam và số lượng ô tô nhập khẩu giai đoạn 2000 - 2009. Nguồn: Số liệu thống kê của WB và GSO.

Một phần của tài liệu chính sách ngoại thương và thực trạng và giải pháp cán cân thương mại củaViệt Nam trong giai đoạn hiện nay. (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(40 trang)
w