VẤN ĐỀ DÂN SỐ VÀ MÔI TRƯỜNG.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG CƠ SỞ KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG (Trang 30 - 31)

Dân số tăng nhanh như hiện nay đã gây ra hệ quả nhiều mặt từ công ăn việc làm, phát triển kinh tế, lương thực... đến nhà ở, học hành, văn hóa, y tế và phần nào tác động tiêu cực đến môi trường sống.

Tác hại của môi trường đối với con người chủ yếu là những tổn thất về sức khỏe, năng suất lao động và các tác hại khác. Sức khỏe, niềm hạnh phúc của con người bị giảm sút do ốm đau và chết yểu, vì suy thoái chất lượng nước và không khí, vì những nguy hiểm khác của môi trường. Các chất gây ô nhiễm có thể làm nảy sinh những vấn đề về y tế, trực tiếp hoặc gián tiếp do sự thay đổi môi trường vật lý, tác động của nó trải rộng từ việc tăng bức xạ ánh sáng mặt trời đến việc giảm dinh dưỡng. Sức khỏe bị suy yếu làm giảm năng suất lao động của con người và sự suy thoái môi trường làm giảm hiệu năng của nhiều nguồn tài nguyên mà con người sử dụng trực tiếp.

Diện tích che phủ rừng suy giảm do nhiều nguyên nhân, ngoài khai thác gỗ và các loại lâm sản một cách bừa bãi, còn do nhu cầu lương thực cho số dân tăng quá nhanh đòi hỏi phải phá rừng mở rộng diện tích canh tác. Diện tích rừng giảm sút, diện tích đất trống, đồi trọc tăng lên làm lũ lụt xảy ra nhiều hơn.

Hệ sinh thái cửa sông ven biển là một vùng có ý nghĩa quan trọng và là đối tượng chịu sự biến động của cả hai yếu tố tự nhiên và nhân tạo. Con người là nguyên nhân chủ yếu làm tổn hại môi trường ven biển. Các vùng cửa sông và nước sông chịu sự ô nhiễm do nước thải từ các thành phố đông dân, nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, do thăm dò dầu khí ở các thềm lục địa, bốc dỡ hàng, đặc biệt là các sản phẩm dầu từ các hải cảng. Việc khai thác bừa bãi rừng ngập mặn để xây dựng các ao nuôi trồng thủy sản, lấy gỗ làm nhà, cung cấp củi đốt và làm than... Nếu tài nguyên, khoáng sản không được khai thác hợp lý sẽ tàn phá môi trường, gây hậu quả xấu đến sự phát triển kinh tế và đời sống sức khỏe con người. Tác động lớn nhất của khai thác khoáng sản đến môi trường là của các mỏ, bãi thải, khí độc, bụi và nước thải. Bãi thải không có các công trình xử lý đã làm trôi lấp ruộng, vườn, sông suối, làm ô nhiễm nguồn nước, gây bụi.

Do dân số tăng tác động đến môi trường nên dẫn đến những hệ quả : Sức ép lớn tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường trái đất do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên phục vụ cho các nhu cầu nhà ở, sản xuất lương thực, thực phẩm, sản xuất công nghiệp...

Tạo ra các nguồn thải tập trung vượt quá khả năng tự phân hủy của môi trường tự nhiên trong các khu vực đô thị, khu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

Sự chênh lệch về tốc độ phát triển dân số giữa các nước công nghiệp hoá và các nước đang phát triển gia tăng, dẫn đến nghèo đói ở các nước đang phát triển và sự tiêu phí dư thừa ở các nước công nghiệp hoá. Sự chênh lệch ngày càng tăng giữa đô thị và nông thôn, giữa các nước phát triển công nghiệp và các nước kém phát triển dẫn đến sự di dân ở mọi hình thức.

Do dân số tăng nhanh, đất nông nghiệp bình quân đầu người giảm nên dù năng suất lúa có tăng nhanh, bình quân lương thực đầu người vẫn tăng chậm.

Sự gia tăng dân số đô thị và sự hình thành các thành phố lớn làm cho môi trường khu vực đô thị có nguy cơ bị suy thoái nghiêm trọng. Nguồn cung cấp nước sạch, nhà ở, cây xanh không đáp ứng kịp cho sự phát triển dân cư. Ô nhiễm môi trường không khí, nước tăng lên. Các tệ nạn xã hội và vấn đề quản lý xã hội trong đô thị ngày càng khó khăn.

Dân số và môi trường là hai yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau. Sự phát triển của yếu tố này có mối liên hệ đến sự phát triển của yếu tố kia: Sự biến động của dân số có tác động tiêu cực hay tích cực và sự phát triển bền vững hay không bền vững của môi trường, tài nguyên cũng có tác động ngược lại ở xã hội loài người ở cả hai mặt. Từ những thực trạng môi trường và ảnh hưởng của nó đến cuộc sống người dân chúng ta thấy rằng, môi trường có tác động rất lớn và trực tiếp đến chất lượng dân số. Chất lượng môi trường và chất lượng dân số có mối quan hệ biện chứng với nhau. Chất lượng môi trường là cơ sở cho chất lượng dân số, còn chất lượng dân số là tiền đề cho chất lượng môi trường.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG CƠ SỞ KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG (Trang 30 - 31)