B. NỘI DUNG
2.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội của huyện Đức Thọ, tỉnh Hà
2.1.1. Đặc điểm tự nhiên
Đức Thọ là huyện Trung du, phía Đông Nam giáp huyện Can Lộc, phía Tây Bắc giáp huyện Nam Đàn, phía Đông Bắc giáp huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), phía tây giáp huyện Hương Sơn, phía Tây Nam giáp huyện Vũ Quang, huyện Hương Khê, phía Đông giáp thị xã Hồng Lĩnh. Huyện cách thủ đô Hà Nội 325 km về phía Nam. Đức Thọ có diện tích tự nhiên 20.234 ha, dân số 104.463 người, được phân chia ra thành 04 vùng sinh thái gồm: Vùng Thượng Đức - Trà Sơn; Vùng Thị Trấn và ven thị Trấn; Vùng Lúa và Vùng Ngoài đê, được giới hạn bởi tọa độ địa lý trong khoảng từ 18,180- 18,350 độ vĩ Bắc, 105,380-105,450 độ kinh Đông. Huyện Đức Thọ hiện nay có 27 xã và 1 thị trấn.
Huyện có vị trí địa lý tự nhiên khá thuận lợi, hệ thống kênh mương sông ngòi đảm bảo cho việc tưới tiêu phát triển kinh tế và giao thông đường thuỷ như sông Ngàn Sâu chảy từ Hương Khê về, sông Ngàn Phố từ Hương Sơn xuống hợp lưu Tam Soa thành sông La chảy qua trung tâm huyện lỵ dài 12 km. Có đường sắt Bắc – Nam đi qua 9 xã với chiều dài 15 km, có hai nhà ga trong đó ga Yên Trung là ga chính của tỉnh Hà Tĩnh. Có đường quốc lộ 8A, tỉnh lộ 15A và đường 5A đi qua. Dựa vào điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, đất đai, thổ nhưỡng Đức Thọ được chia thành ba vùng rõ rệt: vùng thượng đức, vùng trong đê và vùng ngoài đê. Mỗi vùng đều có thế mạnh riêng trong phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiêp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch,v.v..
Bên cạnh những thuận lợi, Đức Thọ vẫn có những khó khăn, hạn chế: Đó là huyện nằm ở Bắc miền Trung nên chịu ảnh hưởng của thời tiết khí hậu khắc nghiệt; lụt bão xẩy ra thường xuyên, hạn hán kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Là huyện thuần nông, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển còn hạn chế.
Tổng giá trị sản xuất là 4.028,8 tỷ đồng, đạt 99,56% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng bình quân 13,8%, cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp: 23,7%, Công nghiệp - TTCN-XD: 34,7%, Thương mại - Dịch vụ: 41,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30,7 triệu đồng/người/năm. Nông nghiệp - Lâm -Thủy sản tăng nhanh, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 966,2 tỷ đồng. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khá, giá trị đạt 740 tỷ đồng, tăng 12,8%. Thương mại - Dịch vụ, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu đạt giá trị 1.060 tỷ đồng, tăng 21,8%. Về lĩnh vực xây dựng cơ bản: Giá trị xây dựng cơ bản đạt 470,5/315 tỷ đồng, đạt 149,4% so với kế hoạch, tăng 47,6% so với cùng kỳ. Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Đã làm tốt công tác thẩm định, phê duyệt giao đất cho các hộ và thu hồi đất phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm của huyện và Tỉnh. Cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau đo đạc cho các hộ dân đạt trên 97%. Công tác Tài chính - Ngân hàng: Tổng thu ngân sách đạt 582 tỷ đồng bằng 138% kế hoạch. Chi ngân sách cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện, tập trung đền bù GPMB các công trình, dự án trọng điểm của huyện: Dự án thủy lợi ngàn trươi Cẩm trang một số công trình dự án khác. Về hoạt động các Ngân hàng: Tổng nguồn vốn huy động 1.921,3 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2013, doanh số cho vay 1.012 tỷ đồng.
- Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới: tập trung cao việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới theo các đề án đã được phê duyệt. Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng và thu nhập cho cư dân nông thôn theo lợi thế sản phẩm chủ lực. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất liên kết có hiệu quả kinh tế trên cả 3 loại hình quy mô lớn, vừa, nhỏ, đến nay toàn huyện đã có 227 hợp tác và tổ hợp tác sản xuất kinh doanh, 138 doanh nghiệp, hoàn thành 306/498 tiêu chí nông thôn mới phải xây dựng, 3 xã được công nhận đạt 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Quan tâm đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hoá, xây dựng khu dân
cư nông thôn mới kiểu mẫu và các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
- Lĩnh vực văn hoá xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đới sống văn hoá ở khu dân cư, làng xã văn hoá, gia đình văn hoá đạt kết quả cao, đến nay có 23.000/30.000 hộ gia đình đạt gia đình văn hoá; 86 đơn vị văn hoá.
Giáo dục đào tạo được các cấp, các ngành và toàn xã hội chăm lo nên chất lượng giáo dục kể cả đại trà và mũi nhọn được nâng lên rõ rệt. Số học hinh giỏi ngày càng tăng, hàng năm có từ 600 đến 700 em đậu vào các trường đại học. Cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học ngày càng được tăng cường. Đến nay 100% xã có trường học cao tầng, 54/70 trường đạt chuẩn quốc gia, ngành giáo dục luôn dẫn đầu toàn tỉnh.
Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ngày càng được quan tâm. Đến nay 17/28 trạm xã đã có bác sỹ, trung tâm y tế huyện luôn dẫn đầu ngành y tế nhiều năm; 20 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%, giảm tỷ lệ nghèo từ 6,5% năm 2013 xuống còn 4,96% năm 2014. Hộ cận nghèo 11,71% năm 2013 xuống còn 9,35% năm 2014. Giải quyết kịp thời các chế độ chính sách người có công và bảo trợ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
- Lĩnh vực quốc phòng – an ninh: Quốc phòng – an ninh được giữ vững và ngày càng được cũng cố vững mạnh. Xây dựng và thực hiện tốt phương án bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các cụm tuyến an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu được tập trung chỉ đạo và thu được nhiều kết quả thiết thực. Ngành công an đạt danh hiệu đơn vị dẫn đầu phong trào bảo vệ an ninh trong nhiều năm và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới”. Ngành quân sự nhiều năm liền đạt danh hiệu quyết thắng, là huyện 46 năm liên tục hoàn thành tốt nghĩa vụ tuyển gọi thanh niên lên đường nhập ngũ.
Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thực hiện kịp thời, nghiêm túc, đúng thẩm quyền, công tác tuyên truyền pháp luật từng bước được tăng cường. Cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo thông qua trung tâm giao dịch một cửa; chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng lên đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với công cuộc đổi mới của đất nước góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
- Về lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể:
Về công tác xây dựng Đảng: Toàn huyện có 49 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 28 Đảng bộ xã, thị trấn và 21 Đảng bộ, chi bộ khối cơ quan. Tổng số đảng viên toàn huyện là 8450 đồng chí, trong đó có 72 đồng chí đảng viên giáo dân. Các cấp uỷ Đảng đã ngày càng nâng cao nhận thức, xác định một cách đầy đủ vai trò, vị trí của Đảng bộ, chi bộ cơ sở là hạt nhân lãnh đạo toàn diện ở cơ sở, nắm vững nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, chăm lo xây dựng Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị hướng vào phục vụ nhân dân. Bộ máy lãnh đạo trong hệ thống chính trị được kiện toàn đảm bảo về số lượng, trẻ hoá và từng bước được nâng cao trách nhiệm.
Hoạt động của Hội đồng Nhân dân từ huyện đến cơ sở đã được đổi mới việc tổ chức điều hành, các kỳ họp của Hội đồng Nhân dân thực sự là diễn đàn chính trị để nhân dân bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng, công tác giám sát của đại biểu Hội đồng Nhân dân được thực hiện thường xuyên.
Uỷ ban Nhân dân các cấp đã từng bước thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức quản lý Nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Đã tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã có bước cải tiến phương pháp hoạt động, bám sát vào các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước để tổ chức vận động đoàn viên, hội viên thực hiện đạt hiệu quả.
Chủ động hướng dẫn đoàn viên, hội viên ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, tổ chức thực hiện các chương trình xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho nhân dân.