7. Kết cấu
1.2.1. Phát huy vai trò nhân tố con người trong phát triển bền vững ở Việt
Nam hiện nay: Một số nội dung cơ bản
Phát huy nhân tố con người đó là tích cực xây dựng nhân tố con người về số lượng, chất lượng hợp lý, đồng thời sử dụng và khai thác con người sao cho phù hợp từng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia hay vùng lãnh thổ. Cho nên, thực chất của việc phát huy nhân tố con người là tạo động lực để con người phát triển tối đa năng lực, phẩm chất của mình và quá trình này biểu hiện ra trước hết ở việc nâng cao chất lượng con người.
Phát huy nhân tố con người, không chỉ liên quan đến vấn đề quản lý sản xuất, quản lý xã hội mà còn liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Ngày nay, phát huy nhân tố con người không chỉ là khơi dậy, khai thác, sử dụng tiềm năng sáng tạo của con người một cách tối đa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là quá trình đào tạo, bồi dưỡng, không ngừng nâng cao vai trò chủ thể tích cực, tự giác, sáng tạo của con người.
Tóm lại, phát huy nhân tố con người là một quá trình biện chứng và chuyển hóa không ngừng giữa mặt chủ quan (các hoạt động tiềm năng, sáng tạo và những đặc trưng về năng lực, phẩm chất…) và mặt khách quan (sự đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội). Do đó, phát huy vai trò nhân tố con người
được coi là quá trình không ngừng nâng cao chất lượng con người trong quá trình phát triển và biến đổi xã hội.
Nhân tố con người với tư cách là nguồn lực quyết định sự thắng lợi của chiến lược phát triển bền vững. Cho nên, phát huy vai trò nhân tố con người
trong phát triển bền vững là không ngừng nâng cao chất lượng người lao động chuẩn bị tốt nguồn lực con người thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đồng thời giữ ổn định xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường đáp ứng nhu cầu phát triển ở hiện tại và trong tương lai.
Nói đến nhân tố con người là nói đến tiềm lực, chỉ khi nó phát triển thành nguồn nhân lực thì mới có thể tác động vào xã hội. Các yếu tố thể lực,
trí lực và đạo đức là là điều kiện cần thiết đầu tiên để người lao động có đủ
khả năng tham gia vào quá trình lao động sản xuất. Thêm vào đó là sự trao dồi kinh nghiệm, được rèn luyện về mặt chuyên môn, nhất là nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật vào trong hoạt động sản xuất sẽ mang lại hiệu quả lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Quá trình nâng cao chất lượng người lao động với mục tiêu chuẩn bị tốt nguồn lực thực hiện thành công chiến lược phát triển bền vững được thể hiện ở mặt: phát triển nguồn lực lao động và sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động làm động lực phát triển đất nước bền vững.
Phát triển nguồn lực lao động là sự biến đổi về số lượng và chất lượng
nguồn người lao động trên các mặt thể lực, trí lực, kĩ năng, kiến thức và tinh thần. Khái quát hơn, phát triển người lao động chính là quá trình phát hiện, tạo lập, duy trì và sử dụng năng lực toàn diện của người lao động, vì sự phát triển về mặt kinh tế, tiến bộ về mặt xã hội. Phát triển nguồn lực lao động bao gồm các khâu giáo dục, đào tạo, sử dụng tiềm năng người lao động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho người lao động.
Thứ nhất, về mặt thể lực, có thể nói thể lực là năng lực, phẩm chất, là điều kiện cần thiết để người lao động tham gia hoạt động lao động sản xuất. Nếu như các vấn đề liên quan đến sức khỏe, dinh dưỡng không được giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng người lao động cả về thể lực lẫn trí tuệ. Các điều kiện sống tốt sẽ giúp nâng cao tuổi thọ trên cơ sở tăng cường thể lực cùng với cải thiện nhanh về hình thể, trước hết là chiều cao và trọng lượng người lao động.
Xác định thể lực là thành tố quan trọng trong con người, vì thế trong
quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, luôn làm theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nói: “giữ gìn dân chủ, xây dựng Nhà nước, gây đời sống mới, việc gì cũng cần đến sức khỏe mới thành công” [43, 212]. Như vậy, để thực hiện thành công quá trình phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước ưu tiên tạo điều kiện cho người lao động có sức khỏe và thể lực tốt là điều tất yếu phải thực hiện.
Trong giai đoạn hiện nay, tri thức ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Song, mối quan hệ giữa trí tuệ và thể chất thì thể chất lại là yếu tố cần có trước. Vì vậy, để thực hiện thành công chiến lược phát triển bền vững, nâng cao và phát triển thể lực là vấn đề có ý nghĩa quyết định. Đảng ta đã khẳng định: “Trí tuệ là tài sản quý giá nhất trong mọi tài sản, nhưng chính sức khỏe là một tiền đề cần thiết làm ra tài sản đó” [23, 16 -17]. Đảng ta còn coi “Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe” [23, 67].
Để con người có một sức khỏe tốt, ngoài yếu tố di truyền thì vấn đề có ý quyết định đến thể chất con người là phát triển và nâng cao đời sống vật
chất của con người. Trong đó, phát triển nền sản xuất, không ngừng đổi mới nền kinh tế trên mọi phương diện sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nội dung quan trọng trong việc nâng cao thể chất con người Việt Nam.
Mọi người lao động, dù lao động cơ bắp hay lao động trí óc đều cần có sức vóc thể chất tốt để duy trì và phát triển trí tuệ, để chuyển tải tri thức vào hoạt động thực tiễn, biến tri thức thành sức mạnh vật chất. Hơn nữa, cần phải có sự dẻo dai của hoạt động thần kinh, niềm tin và ý chí, khả năng vận động của trí lực trong những điều kiện khác nhau hết sức khó khăn và khắc nghiệt. Phát triển bền vững mang tầm chiến lược lâu dài, cho nên nâng cao thể chất con người Việt Nam nói chung, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe cho người lao động nói riêng là vấn đề cấp thiết.
Thứ hai, về mặt trí lực, với tinh thần “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội
thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật; cần phải học lý luận Mác – Lê nin, kết hợp đấu tranh và công tác hàng ngày… [44, 306]. Đảng và Nhà nước luôn chú trọng nâng cao trí lực cho người Việt Nam, trước hết là nâng cao trình độ học vấn, trình độ khoa học – công nghệ cho người lao động để tạo nên nguồn lực lao động có đủ khả năng, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Năng lực trí tuệ của người lao động biểu hiện ở khả năng sáng tạo ra những kỹ thuật công nghệ tiên tiến. Tiếp đó là sự nhạy bén, thích nghi nhanh và làm chủ được kỹ thuật công nghệ hiện đại. Có thể nói, nâng cao trình độ học vấn, trình độ tay nghề, chuyên môn, trình độ khoa học – công nghệ là điều kiện tiên quyết đề con người nắm bắt được quy luật phát triển, kế thừa thành tựu nhân loại, là cơ sở quan trọng để phát triển trí lực con người Việt Nam. Để đáp ứng sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học - công nghệ và thực hiện thành công chiến lược phát triển bền vững, đòi hỏi người lao
động phải có học vấn, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, chủ động trong công việc, biết sử dụng các công cụ hiện đại. Hơn nữa, nền kinh tế tri thức đang trở thành xu thế tất yếu, những đòi hỏi trên từ người lao động càng trở nên cấp thiết. Vì vậy, Đảng ta khẳng định phải ưu tiên công tác giáo dục – đào tạo nâng cao trình độ dân trí, nhất là lực lượng lao động trẻ phải có trình độ khoa học công nghệ cao, đồng thời giáo dục và tạo điều kiện, môi trường cho người lao động có “năng lực sáng tạo, tác phong công nghiệp, kỹ năng thực hành, ý thức trách nhiệm xã hội” [26, 216].
Như vậy, hiện nay trình độ dân trí và tiềm năng khoa học – công nghệ đã trở thành nhân tố quyết định sức mạnh và vị thế của đất nước ta. Do đó, nâng cao trí lực cho người lao động sẽ góp phần chuẩn bị nguồn lực lao động có đủ trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Hơn nữa, nguồn lực người lao động được đào tạo chất lượng cao có vai trò thực sự quan trọng trong đội ngũ lao động, là chìa khóa thành công của chiến lược phát triển bền vững.
Phát huy vai trò nhân tố con người trong phát triển bền vững, ngoài việc nâng cao năng lực thể lực, trí tuệ cho người lao động, nội dung tiếp theo là không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức cho người lao động.
Thứ ba, về mặt đạo đức.
Người lao động biết ý thức và tự giác xây dựng đạo đức, đặc biệt là xây dựng đạo đức, văn hóa sinh thái sẽ là nội dung quan trọng góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nghị quyết TW 9 khóa XI năm 2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước đã xác định rõ: Văn hóa là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và của đất nước; Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình.
Vai trò văn hoá là rất quan trọng trong việc định hướng đạo đức cho người lao động. Đó là định hướng thái độ, suy nghĩ, cách thức hành vi của người lao động hướng tới những giá trị nhân bản (về đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, về thái độ, tác phong trong lao động, về ý thức chấp hành luật pháp, kỷ luật lao động...) trong hoạt động lao động sản xuất. Không ngừng hoàn thiện những giá trị, chuẩn mực này để điều chỉnh hành vi của người lao động trong thực hiện công việc, hay một nghề nhất định, trở thành trách nhiệm và ý thức tự giác, thường nhật của người lao động.
Đạo đức, văn hóa sinh thái sẽ là nền tảng giúp người lao động ý thức
được tầm quan trọng của môi trường, hạn chế và ngăn chặn mọi hành động làm suy giảm, đe dọa đến môi trường sống của con người. Tăng cường ý thức và năng lực quản lý môi trường, xây dựng khối liên minh toàn cầu về an ninh môi trường, bảo vệ và cải thiện môi trường phát triển bền vững. Như vậy, nâng cao chất lượng người lao động ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng thể lực, trí lực còn là sự định hướng, xây dựng đạo đức, văn hóa sinh thái trong hoạt động lao động sản xuất, giúp người lao động chủ động cân bằng giữa việc khai thác, sử dụng với việc cải tạo và bảo vệ tự nhiên.
Tóm lại, mục đích của việc phát huy vai trò nhân tố con người trong phát triển bền vững là không ngừng nâng cao chất lượng thể lực, trí lực và đạo đức, mà trong đó đối tượng trực tiếp là người lao động. Nâng cao chất lượng người lao động sẽ là động lực giúp người lao động trở thành một chủ thể tích cực, chủ động, sáng tạo trong mọi hoạt động, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và mục tiêu phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Việc nâng cao chất lượng người lao động muốn đạt được hiệu quả phải đi đôi kết hợp với việc sử dụng và khai thác nguồn lực lao động sao cho một cách hợp lý nhất.
Sử dụng và khai thác nguồn lực lao động là quá trình tạo điều kiện cho người lao động tham gia vào hoạt động sản xuất để tạo ra của cải vật chất, tinh thần phục vụ các nhu cầu sản xuất và nhu cầu tiêu dùng trong xã hội. Bởi vậy, sử dụng và khai thác nguồn lực người lao động được hiểu là: việc khơi dậy và phát huy tất cả các khả năng của người lao động thành hiện thực, biến sức lao động thành động lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Hơn nữa, việc khai thác, sử dụng cần kết hợp bồi dưỡng nguồn lực lao động, đặc biệt là nguồn lực lao động trí tuệ - đội ngũ trí thức cũng là nội dung quan trọng đển phát huy hết vai trò nhân tố con người trong phát triển bền vững. Bởi vì, bộ phận này là hạt nhân có năng lực khai phá những con đường mới mẻ trong nghiên cứu khoa học để đạt được những thành tựu mới. Số lượng của đội ngũ này không nhất thiết phải đông, nhưng thực sự là đội ngũ các nhà khoa học đầu đàn, tiêu biểu cho tinh thần trí tuệ của dân tộc.
Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã định nghĩa “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”. Quả thật, phát huy vai trò của những con người lao động trí óc – trí thức là yếu tố quan trọng để đất nước ta phát triển bền vững. Trí thức là những người có tầm hiểu biết rộng và sâu, có kiến thức, kiến văn vững chãi, đủ làm nền tảng cho tư duy độc lập sáng tạo, sẽ là cầu nối nâng tầm nhận thức cho toàn thể xã hội. Ngày nay, sự chuyển biết sang nền kinh tế tri thức là điều kiện tất yếu. Thế giới và Việt Nam chuyển sang nền kinh tế tri thức - nền kinh tế dựa trên động lực là sáng tạo cái mới về tri thức và sáng tạo cái mới về khoa học kĩ thuật. Nền kinh tế tri thức được hình thành trên nền tảng phát triển các ngành nghề mới như: công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng mới, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin... điều này
đòi hỏi phải đào tạo, phát triển và nâng cao trình độ nhận thức cho trí thức một cách hiệu quả. Do vậy, nhìn nhận rõ vai trò trí thức, sử dụng và phát huy hết tiền năng sáng tạo của trí thức sẽ là điều kiện cần để phát triển xã hội lâu bền.
Như vậy, có thể thấy việc sử dụng và khai thác nguồn lực lao động một cách hợp lý, công tác giáo dục đào tạo, nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ cho người lao động là vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững.