TIỄN ÁP DỤNG THỜI HẠN TỐ TỤNG HÌNH SỰ
3.5.1. Nguyên nhân về pháp luật
Bên cạnh những bất cập, hạn chế của BLTTHS hiện hành như đã phân tích ở phần trên, thì việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành BLTTHS còn chưa kịp thời, nhất là những chế định có liên quan đến việc thực hiện các thời hạn TTHS, dẫn đến việc nhận thức và áp dụng pháp luật gặp không ít những khó khăn, vướng mắc. Nhiều quy định chưa rõ ràng nhưng không kịp thời hướng dẫn, làm cho người áp dụng pháp luật trở lên lúng túng, dẫn đến việc vận dụng chủ quan, vi phạm thời hạn TTHS. Việc xây dựng hệ thống các văn bản, biểu mẫu, quyết định tố tụng kém chất lượng, thiếu chính xác, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thực tiễn, chẳng hạn các biểu mẫu về TTHS giữa CQĐT với VKS chưa được ban hành thống nhất, gây khó khăn trong thủ tục phê chuẩn các quyết định khởi tố. Hướng dẫn VKS khi phê chuẩn các quyết định của CQĐT phải thực hiện bằng một văn bản riêng là không cần thiết, làm gia tăng các loại giấy tờ, văn bản, gây lãng phí, mất thời gian, trong khi đó hoàn toàn có thể thực hiện việc phê chuẩn bên cạnh quyết định khởi tố của CQĐT. Hơn nữa, còn có những quy định về thời hạn tố tụng trong BLTTHS chưa bảo đảm tính khả thi, nhiều quy định chưa phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, thực tế đấu tranh phòng, chống tội phạm, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, truyền thống, phong tục tập quán của Việt Nam. Khi
xây dựng các quy định về thời hạn TTHS chưa đặt trong mối quan hệ hợp lý với tất cả các vấn đề liên quan đến việc hiện thực chúng trong thực tế. Khi các quy định về thời hạn TTHS không đầy đủ, cụ thể và rõ ràng thì hậu quả chủ yếu là chúng sẽ tạo ra những kẽ hở mà các chủ thể tiến hành tố tụng có thể lợi dụng để đạt mục đích không trong sáng. Trong khi đó, tính không khả thi của các quy định về thời hạn TTHS lại thường đẩy các chủ thể trên vào tình trạng mà bản thân họ cũng không mong muốn là buộc phải vi phạm.
3.5.2. Nguyên nhân về tổ chức thực hiện
Thực tiễn cho thấy tinh thần trách nhiệm của một bộ phận ĐTV, KSV, thẩm phán ở các cấp chưa cao, tác phong làm việc không khoa học, có biểu hiện "ngâm, chờ" trong quá trình giải quyết các VAHS do lo ngại phải thụ lý thêm vụ án mới, dẫn đến kéo dài, phải gia hạn thời hạn không cần thiết. Trong nhiều trường hợp, ban đầu chỉ khởi tố vụ án với một tội danh, sau đó tiếp tục bổ sung các tội danh khác để kéo dài thời hạn điều tra. Do đó có nhiều VAHS, kể cả án trọng điểm, án tham nhũng, thời gian điều tra, xử lý kéo dài [104, tr. 7].
Thực tiễn áp dụng biện pháp tạm giam cho thấy người tiến hành tố tụng thường xuất phát từ động cơ tính toán việc thuận lợi trong hoạt động tố tụng với nhận thức không đúng cho rằng khi áp dụng biện pháp tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì phải tạm giam cho hết thời hạn luật định, trong thời hạn này không cần thiết phải xem xét việc thay đổi biện pháp tạm giam. Trong nhận thức và thói quen của người áp dụng pháp luật là khi gia hạn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, gia hạn thời hạn tạm giam trong các giai đoạn này thì áp dụng mức tối đa do điều luật quy định. Tuy nhiên, cần phải nhận thức thống nhất rằng các thời hạn luật định là thời hạn tối đa mà pháp luật cho phép. Trong từng vụ án cụ thể phải tích cực, khẩn trương giải quyết vụ án sớm nhất. Nếu cần thiết phải gia hạn thời hạn thì cần căn cứ vào thời gian hoàn thành để gia hạn với thời gian phù hợp, không nhất thiết phải bằng mức tối đa được quy định trong BLTTHS mà có thể ngắn hơn.
Vẫn còn có không ít nhận thức, quan điểm của một số cán bộ còn mang tư tưởng cũ, không muốn người bào chữa có mặt trong hoạt động điều tra vì sợ rằng sẽ gây cản trở, khó khăn cho công tác điều tra [66] nên còn để xảy ra tình trạng gây khó khăn cho người bào chữa khi có yêu cầu cấp giấy chứng nhận người bào chữa, tiếp cận hồ sơ, tiếp xúc với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, dẫn đến hầu hết các vụ việc đều vi phạm thời hạn cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
Thực tiễn, do số lượng ĐTV, KSV còn thiếu so với chỉ tiêu, biên chế nên còn có tình trạng ĐTV, KSV đứng tên thụ lý vụ án, ký tên để hợp lý hóa thủ tục tố tụng, còn việc giải quyết VAHS giao toàn bộ cho cán bộ điều tra (không phải ĐTV), cán bộ kiểm sát (không phải KSV) tiến hành mà không kiểm tra, hướng dẫn nên chất lượng giải quyết chưa cao, trả đi, trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, làm chậm tiến độ giải quyết vụ án. Nhiều vụ việc khi các CQĐT, VKS cấp dưới thỉnh thị nhưng không được cấp trên trực tiếp trả lời kịp thời, làm cho việc giải quyết vụ án kéo dài.
Tại một số địa phương, lãnh đạo của một số CQTHTT chưa chú trọng việc đúc rút kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, chưa chú ý phân công ĐTV, KSV, thẩm phán có năng lực và kinh nghiệm giải quyết đối với những vụ án về tội nghiêm trọng, có tính chất phức tạp. Phương pháp, lề lối làm việc và thủ tục hành chính - tư pháp ở một số đơn vị chậm được đổi mới [80, tr. 19]. Ở một số đơn vị, khi xảy ra vi phạm, thiếu sót, lãnh đạo chưa quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Nhiều vi phạm về thời hạn TTHS khi đã được thông báo, kiến nghị, song chưa được nghiêm túc tiếp thu, khắc phục, chấm dứt vi phạm [111, tr. 5]. Một số lãnh đạo thiếu trách nhiệm, chưa chú ý việc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân có sai phạm, chưa thường xuyên theo dõi, nắm bắt những thiếu sót, hạn chế của cấp dưới để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của thủ trưởng một số đơn vị có lúc, có nơi chưa sâu sát, chưa quan tâm đúng mức đến quản lý nghiệp vụ, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ [106, tr. 18]. Còn có một số bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan tư
pháp tiêu cực, sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, bị thoái hóa biến chất, vi phạm kỷ luật công vụ và vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật đã bị xử lý, chẳng hạn trong ngành TAND, năm 2010, đã xử lý đối với 30 người, trong đó 13 người bị kỷ luật khiển trách, 08 người bị cảnh cáo, 01 người bị cách chức, 03 người bị buộc thôi việc và 05 người bị xử lý hình sự [78, tr. 18]. Điều này dẫn đến khiếu nại trong TTHS gia tăng và diễn biến phức tạp, làm kéo dài quá trình giải quyết các VAHS [24, tr. 3].
3.5.3. Nguyên nhân về thanh tra, kiểm tra, giám sát
Thứ nhất, thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ của các cơ quan tư pháp.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ của các cơ quan tư pháp còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số lãnh đạo các cơ quan tư pháp chỉ chú ý về chuyên môn nghiệp vụ, thiếu quan tâm chỉ đạo và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nên công tác này không được tiến hành thường xuyên, liên tục mà chủ yếu chỉ tiến hành khi có vụ việc sai phạm xảy ra. Hình thức và phương pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa khoa học, kém hiệu quả, nhiều trường hợp được tiến hành chỉ mang tính chiếu lệ. Việc xử lý vi phạm sau khi thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa nghiêm túc và không triệt để đã làm giảm tác dụng đối với việc duy trì và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần trách nhiệm của các chủ thể tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm nhanh chóng, kịp thời. Việc buông lỏng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết các VAHS kéo dài, nhất là các vụ án phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm.
Thứ hai, giám sát của các cơ quan dân cử. Công tác giám sát của các cơ
quan dân cử còn hạn chế, cụ thể như việc giám sát HĐTP của Quốc hội chưa được thực hiện thường xuyên, kết quả chưa cao. Chưa luật hóa, phân định chức năng giám sát tối cao của Quốc hội với chức năng giám sát HĐTP của Hội đồng nhân dân và chức năng kiểm sát HĐTP của VKSND nên còn xảy ra tình trạng chồng lấn, mâu thuẫn, bất hợp lý trong sự phân công, phân cấp hoặc phối hợp giám sát giữa các
cơ quan này, trong nhiều trường hợp giám sát của Quốc hội thể hiện tính "ôm đồm", can thiệp vào các vụ án cụ thể, trong khi đó đa số các vụ án oan, sai, kéo dài không phải do Quốc hội phát hiện qua công tác giám sát. Các nội dung, hình thức giám sát của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn giám sát, các đại biểu Quốc hội được thực hiện chưa thực sự hiệu quả. Quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội được sử dụng chưa triệt để, nhiều chất vấn chỉ đề cập đến các vấn đề có tính sự vụ, hoặc chỉ là những câu hỏi về mặt thông tin, chưa có tính khái quát. Nhiều hoạt động giám sát của Quốc hội mới chỉ dừng lại ở mức độ phát hiện, phân tích, nhắc nhở các cơ quan có trách nhiệm giải quyết hoặc nghe báo cáo rồi nhận xét, kiến nghị mà chưa chủ động phối hợp, đôn đốc, kiểm tra và giải quyết, xử lý dứt điểm những vụ việc lớn, phức tạp. Một số kiến nghị thông qua giám sát của Quốc hội chưa được
các cơ quan tư pháp có trách nhiệm giải quyết kịp thời.
Công tác tổ chức giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đối với HĐTP nói chung, hoạt động TTHS nói riêng được thực hiện không nhiều, vẫn còn mang tính hình thức. Việc xây dựng các chương trình giám sát, cách tổ chức việc giám sát cũng như việc bảo đảm tính khách quan, chính xác trong giám sát, xử lý kết luận giám sát của Hội đồng nhân dân chưa được chú trọng cả ở trung ương lẫn địa phương nên hoạt động này còn kém hiệu lực, hiệu quả.
Thứ ba, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Phạm vi giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với HĐTP là rất rộng, nhưng do hạn chế về tổ chức bộ máy và các điều kiện khách quan, chủ quan nên Mặt trận mới chọn và giám sát được một số vụ việc khi có các vấn đề bức xúc, nổi cộm, được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin và chủ yếu giám sát trong giai đoạn truy tố và xét xử các VAHS, còn giám sát trong giai đoạn điều tra và thi hành án là rất hạn chế. Hơn nữa, hoạt động giám sát của tổ chức này trong thực tế còn hình thức, chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhiều kiến nghị của Mặt trận hiệu quả pháp lý chưa cao, chưa được các CQTHTT xem xét, giải quyết nên chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ giám sát đối với cơ quan tư pháp.
Thứ tư, giám sát của VKS. Vai trò, trách nhiệm kiểm sát HĐTP của VKS
trong nhiều trường hợp còn hạn chế, mờ nhạt, chưa kiên quyết yêu cầu, đôn đốc triệt để CQĐT đẩy nhanh tiến độ điều tra đối với những vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng để kết thúc điều tra sớm nhất có thể trong thời hạn luật định. VKS chưa kiến nghị kịp thời tòa án khắc phục các vi phạm trong quá trình giải quyết các VAHS nói chung, vi phạm thời hạn TTHS nói riêng nên chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát còn hạn chế, dẫn đến tình trạng kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử không cần thiết, xét
xử vụ án không kịp thời.
Thứ năm, giám sát từ các phương tiện thông tin đại chúng. Hoạt động của
một số phương tiện thông tin đại chúng hiện còn tồn tại một số yếu kém, hạn chế như thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các cơ quan tư pháp, cán bộ tư pháp tiêu biểu, có nhiều thành tích trong công tác, trong việc giải quyết các VAHS chính xác, nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân. Chất lượng và hiệu quả đưa tin của phương tiện thông tin đại chúng về quá trình giải quyết các VAHS của các cơ quan tư pháp không cao, chưa chi phối làm chủ thông tin, định hướng được dư luận xã hội và gây áp lực để đem lại hiệu quả hoạt động của các chủ thể tiến hành tố tụng trong việc giải quyết các VAHS.
Thứ sáu, giám sát của nhân dân. Trong hoạt động TTHS, nhân dân có thể là
đối tượng bị tội phạm xâm hại, có thể chính là đối tượng bị nghi phạm tội và có thể là người tham gia tố tụng, do đó, việc nhân dân giám sát hoạt động tố tụng là đòi hỏi tính tự thân của mỗi người dân để từ đó bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Lôi cuốn quần chúng nhân dân tham gia giám sát hoạt động TTHS không những là một biểu hiện của nền dân chủ mà còn là một điều kiện để TTHS đạt được những mục đích đặt ra. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, do thiếu một khung pháp luật về các hình thức kiểm tra, giám sát của nhân dân cũng như trình độ dân trí còn tương đối thấp vì các đặc điểm văn hóa pháp lý, ý thức pháp luật do lịch sử để lại, trong đó, nhiều người chưa hiểu hết được các quyền và nghĩa vụ của mình khi tham
gia tố tụng nên yêu cầu bảo đảm quyền lợi của mình, phát hiện ra các vi phạm pháp luật của CQTHTT là rất khó khăn. Do vậy, những đòi hỏi và yêu cầu về quyền làm chủ của nhân dân thông qua hoạt động giám sát chưa được ưu tiên thực hiện, áp lực của nhân dân đối với các hoạt động tố tụng cũng chưa mạnh mẽ.
3.5.4. Nguyên nhân về tổ chức bộ máy, cán bộ và cơ sở vật chất - kỹ
thuật, kinh phí cho hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp
Thứ nhất, về tổ chức bộ máy, cán bộ của các cơ quan tư pháp. Tổ chức hệ thống
các CQTHTT ở nước ta còn bất hợp lý như tồn tại nhiều đầu mối CQĐT [9, tr. 16], nhiều CQTHTT, nhất là ở cấp huyện chưa được kiện toàn, làm cho hoạt động tố tụng gặp nhiều trở ngại, kém hiệu quả. Quy định tăng thẩm quyền giải quyết vụ án cho cơ quan tư pháp cấp huyện nhưng số lượng ĐTV, KSV, thẩm phán tăng không đáng kể, chẳng hạn nhiều đơn vị cấp huyện chỉ có từ 03 đến 05 ĐTV trung cấp, trong khi đó tổng số vụ án thụ lý chiếm khoảng 65%, số bị can khoảng 70% [18, tr. 18].
Việc tuyển dụng cán bộ và bổ nhiệm KSV, thẩm phán ở một số VKS, tòa án nhất là ở miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ, miền núi phía Bắc, ở những vùng sâu, vùng xa hiện nay rất khó khăn vì thiếu nguồn cán bộ tại chỗ để tuyển dụng, bổ nhiệm. Một số vướng mắc trong công tác tổ chức cán bộ chưa được tập trung nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết, còn nặng về việc xử lý các tình huống cụ thể mà chưa tập trung đi sâu nghiên cứu những vấn đề có tính định hướng, những giải pháp mang tính đột phá trong công tác tổ chức cán bộ [79, tr. 18].
Thứ hai, về đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp. Về trình độ chuyên môn,
kỹ năng nghiệp vụ điều tra, kiểm sát, xét xử của một số ĐTV, KSV, thẩm phán và