Điều kiện về chính trị xã hội

Một phần của tài liệu ĐẢNG BỘ XÃ VĨNH CHÂU (CHÂU ĐỐC, AN GIANG) LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI (Trang 27 - 28)

7. Cấu trúc của đề tài

2.1.2.Điều kiện về chính trị xã hội

Theo thống kê vào năm 2010, xã Vĩnh Châu có tổng số 1.095 hộ với 4.786 nhân khẩu, tăng 1.429 nhân khẩu so với thời điểm mới thành lập xã vào tháng 9/2003. Cơ cấu dân số trẻ, với 64% số dân trong tuổi lao động, trong đó chủ yếu tham gia lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao, do đó trình độ lao động trung bình còn tương đối thấp, dựa vào kinh nghiệm sản xuất là chủ yếu. Dân cư phân bổ chủ yếu theo các tuyến đường giao thông chính đến trung tâm xã như: tuyến Kênh Đào, tuyến kênh 1, tuyến kênh 4, tuyến kênh 7 và tập trung một phần ở khu dân cư trung tâm hành chính xã.[26]

Nét văn hóa đặc trưng là văn hóa sông nước Nam bộ, đa phần nhân dân là nông dân, sống chủ yếu bằng các ngành nghề trồng lúa, cây ăn trái, đánh bắt thủy sản vào mùa nước nổi. Người dân có tính cần cù, chịu khó, sống có nghĩa, có tình. Nhà cửa trong khu vực đa phần có kiến trúc đơn giản, chủ yếu là nhà gỗ trệt, nhà sàn ở các khu vực bị ngập lũ hàng năm. Việc thờ cúng tổ tiên, ông bà mang nét đặc trưng của tín ngưỡng, tôn giáo.

Về dân tộc, đại bộ phận dân cư là người Kinh (chỉ có 2 hộ với 8 nhân khẩu là người dân tộc Khơme). Về tôn giáo, trên địa bàn xã có các tôn giáo chính là Phật giáo, Phật giáo Hòa hảo, Công giáo. Trong đó, hơn 65% số hộ trên địa bàn là tín đồ Phật giáo Hòa hảo và có Ban Trị sự Phật Giáo Hòa hảo xã. Cảnh quan môi trường mang nét đặc trưng của vùng nông thôn miền Tây Nam bộ với hệ thống kênh, rạch, sông nước chằng chịt. Theo các kênh rạch là hệ thống giao thông, cây xanh và dân cư sống ven hai bên kênh, rạch tạo nên sự hài hòa giữa con người và tự nhiên.

Công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được duy trì thường xuyên. An ninh nông thôn ổn định, nhân dân an tâm lao động sản xuất; công tác quản lý giáo dục tại địa phương theo Nghị định 19/CP được duy trì thường xuyên.

Với những điều kiện nêu trên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Vĩnh Châu có những thuận lợi cơ bản: Địa hình có nhiều kênh rạch, có nhiều kênh cấp 1 giao thương với các địa phương khác do đó có điều kiện thuận lợi để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn (phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại) và phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng công nhiệp hóa, hiện đại hóa. Nguồn lao động dồi dào, năng động. Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh. Đảm bảo tốt an ninh, trật tự xã hội. Đồng thời được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy, Uỷ ban nhân dân, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân-Uỷ ban nhân dân xã Vĩnh Châu tập trung lãnh đạo thực hiện phát triển sản xuất, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đội ngũ cán bộ xã cơ bản là trẻ, có trình độ chuyên

môn, nghiệp vụ và năng lực thực hiện nhiệm vụ công tác, nhiệt tình tránh nhiệm với công việc. Người dân có nhận thức tốt, đoàn kết phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, sẵn sàng hưởng ứng và tham gia cùng nhà nước xây dựng các chương trình của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó xã Vĩnh Châu cũng có những khó khăn nhất định: Xã Vĩnh Châu là xã thuần nông, các hoạt động thương mại dịch vụ không nhiều, kinh tế của xã phát triển chưa toàn diện, chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nền sản xuất nông nghiệp của xã có rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ khắc phục: Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn chậm, quy mô sản xuất còn nhỏ, phân tán, chất lượng nông sản còn thấp, giá thành sản xuất còn cao,… Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội – môi trường trên địa bàn xã còn nhiều hạn chế. Mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm, nhưng thiếu tính ổn định, bền vững, tình trạng tái nghèo còn phổ biến.

Một phần của tài liệu ĐẢNG BỘ XÃ VĨNH CHÂU (CHÂU ĐỐC, AN GIANG) LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI (Trang 27 - 28)