2.3.1. Nhận xét chung
Trong các chặng đường lịch sử đã qua, 1939 - 1945 là thời kỳ có vị trí và ý nghĩa lịch sử đặc biệt.
Nếu như các thời kỳ trước, ánh sáng cách mạng của Đảng bước đầu truyền đến Hòa Bình mới nhen lên những đốm lửa cách mạng đầu tiên thì đến 1939 - 1945 là thời kỳ phong trào đã bén rễ, sâu chắc và tỏa rộng trong nhân dân các dân tộc trong tỉnh, từ đồng bào Kinh, Mường đến đồng bào Dao, Thái,… từ thị xã, thị trấn đến nông thôn, cả vùng cao, vùng sâu. Đặc biệt cao trào kháng Nhật cứu nước là một bước nhảy vọt mạnh mẽ về nhiều mặt.
Từ đây phong trào cách mạng ở Hòa Bình phát triển liên tục, ngày càng sâu rộng và đạt được những thắng lợi vẻ vang.
1939 - 1945 cũng là thời kỳ hình thành Đảng bộ Hòa Bình. Từ Ban Cán sự đến chi bộ Đảng đầu tiên là những bước phát triển quan trọng trên tiến trình xây dựng Đảng bộ. Đây là một thắng lợi, một bước phát triển về chất của phong trào cách mạng địa phương.
Từ đây, Hòa Bình đã có một bộ tham mưu, hạt nhân trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức trên mọi thắng lợi của phong trào cách mạng địa phương.
Thắng lợi có ý nghĩa bao trùm là: Dưới ngọn cờ đoàn kết cứu nước của Đảng, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, bằng sức mạnh đoàn kết của mình đã vùng dậy đánh đổ ách thống trị của kẻ thù xâm lược và phong kiến tay sai, giành chính quyền làm chủ quê hương, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc, xây dựng nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giải phóng nhân dân các dân tộc trong tỉnh thoát khỏi gông xiềng nô lệ, trở thành người chủ thực sự của núi rừng,
của đất nước, tạo điều kiện để xây dựng một chế độ dân chủ, công bằng và hạnh phúc.
Đây thực sự là một cuộc cách mạng mang ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Giành những thắng lợi trên, phong trào cách mạng địa phương đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, trở lực. 1930 - 1945 là thời kỳ đấu tranh rất phức tạp đầy sóng gió và tổn thất vì kẻ thù đã phát xít hóa chính sách cai trị, bằng mọi, mọi thủ đoạn hòng dập tắt phong trào cách mạng để bảo vệ địa vị thống trị của chúng. Có thời gian hai kẻ thù xâm lược là phát xít Nhật, thực dân Pháp câu kết với nhau, đàn áp và bóc lột nhân dân cực kỳ tàn bạo, thâm độc. Phong trào cách mạng ở Hòa Bình không chỉ một lần vừa được nhen nhóm đã bị khủng bố bị tan vỡ hoặc tạm thời phải lắng xuống. Cán bộ, quần chúng cách mạng phải hoạt động trong điều kiện luôn bị kẻ thù rình rập, phải sẵn sàng chấp nhận tù đầy, hy sinh. Phong trào cách mạng ở Hòa Bình phát triển song điều kiện của một tỉnh miền núi nhiều dân tộc, chế độ lang đạo kiểm tỏa rất ngặt nghèo, trình độ dân trí nói chung chậm phát triển, sự kỳ thị giữa các dân tộc do thực dân phong kiến gây nên không phải không có mặt sâu đậm. Do những đặc điểm đó nên việc thâm nhập của cán bộ mà phần đông là từ miền xuôi lên vào địa bàn nông thôn, vào nhân dân các dân tộc là một việc khó khăn không nhỏ.
Nhưng vượt qua mọi khó khăn trở lực, phong trào cách mạng ở Hòa Bình đã bám rễ vững chắc, phát triển ngày càng sâu rộng, vững mạnh trên nhiều địa bàn, trong nhiều dân tộc tạo thành một khối đoàn kết toàn dân dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh do Đảng lãnh đạo, tiến lên giành thắng lợi rực rỡ có ý nghĩa lịch sử trong những ngày tháng 8 - 1945.
Giành được thắng lợi đó, trước hết là nhờ có đường lối cách mạng giải phóng dân tộc sáng suốt của Đảng đứng đầu là Chủ Tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là
đường lối đoàn kết rộng rãi các dân tộc, các giai cấp, các tầng lớp xã hội trong mặt trận cứu nước, là sách lược phân hóa kẻ thù, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù chủ yếu, trước mắt của dân tộc, là đường lối và nghệ thuật phát động quần chúng chớp thời cơ vùng dậy kết hợp giữa lực lượng vũ trang, bán vũ trang cách mạng và sức mạnh của quần chúng trong khởi nghĩa giành chính quyền.
Dưới ánh sáng đường lối cách mạng đúng đắn đó, Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ quan tâm, chỉ đạo rất sát sao đối với phong trào cách mạng ở Hòa Bình. Sự quan tâm đó được biểu hiện trên nhiều mặt, về chỉ đạo đường lối, chủ trương xây dựng phong trào, thường xuyên tăng cường cán bộ, nhất là từ năm 1943 trở đi. Ảnh hưởng cách mạng sớm được truyền tới Hòa Bình, nhưng chỉ phát triển liên tục, vững mạnh từ khi có các cán bộ chủ chốt thường xuyên lên trực tiếp chỉ đạo. Đặc biệt, việc thành lập Ban Cán sự Đảng đầu năm 1945 trước khi có tổ chức đảng cơ sở đã thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, linh hoạt của Đảng sát hợp với tình hình, đặc điểm của phong trào cách mạng ở Hòa Bình.
Trong quá trình phát triển phong trào cách mạng ở Hòa Bình, phải khẳng định ảnh hưởng tích cực của các đoàn tù chính trị đi qua và chi bộ Đảng nhà tù Hòa Bình. Đây là một tác động trực tiếp quan trọng trên nhiều mặt, nhất là tại thị xã Hòa Bình, từ việc tuyên truyền đến việc gây dựng cơ sở tổ chức quần chúng, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ. Ngoài ra phong trào cách mạng ở Hòa Bình còn được tác động tích cực từ phong trào ở các tỉnh tiếp giáp như Ninh Bình, Hà Đông,…
Về nguyên nhân chủ quan, Ban Cán sự đã có những thành công đặc sắc trong việc vận dụng đường lối chiến lược, sách lược của Đảng thời kỳ cách mạng 1939 - 1945 vào điều kiện cụ thể của địa phương.
Một là, muốn lật đổ ách thống trị của kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai, điều quyết định là phải tập hợp được đông đảo quần chúng đứng vào Mặt trận cứu nước, chuẩn bị tập dượt lực lượng đón thời cơ vùng dậy. Muốn vậy trước hết phải nắm vững đường lối, chính sách Mặt trận của Đảng, vận dụng sát hợp vào đặc điểm địa phương, có đối sách sát hợp với từng lực lượng xã hội.
Ở Hòa Bình, tranh thủ nắm hàng ngũ lang đạo là một đối sách quan trọng hàng đầu. Ban Cán sự đã nắm vững đặc điểm, đánh giá đúng tình hình, có đối sách cụ thể sát hợp đối với từng lang lớn có uy thế của từng vùng. Do đó đã mở ra được điều kiện thuận lợi để đi vào xây dựng cơ sở chính trị trong nông dân lao động các dân tộc ở địa bàn nông thôn trong tỉnh.
Cùng với tập hợp nhân dân lao động, coi trọng công tác tuyên truyền, vận động công chức, binh lính tại địa bàn thị xã cũng là một thành công trong công tác tập hợp quần chúng, chuẩn bị lực lượng. Coi trọng công tác vận động công chức, binh lính ở địa bàn thị xã nhằm phân hóa, làm rệu rã lực lượng của bộ máy thống trị địa phương, tạo cơ sở, lực lượng từ bên trong chuẩn bị đón thời cơ vùng dậy, bảo đảm giành thắng lợi ở địa bàn có ý nghĩa quyết định là một kinh nghiệm có giá trị.
Việc tập hợp xây dựng các tổ chức quần chúng rất linh hoạt, tùy theo tình hình, điều kiện của từng địa bàn, trong đó có hai yếu tố chủ yếu chi phối là thái độ của nhà lang và điều kiện cán bộ. Yêu cầu trước hết là nắm được nhà lang, phát động được tinh thần yêu nước, chuẩn bị cho quần chúng nổi dậy khi có thời cơ.
Hai là, xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang cách mạng trên cơ sở lực lượng chính trị, có hình thức, hình thái khởi nghĩa đúng đắn, sát hợp là một thành công quan trọng trong lãnh đạo chỉ đạo.
Hòa Bình là một trong số ít tỉnh xây dựng được khu căn cứ và lực lượng vũ trang tập trung cùng với lực lượng bán vũ trang tương đối rộng.
Thành công đó trước hết là do quán triệt đường lối của Đảng về vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền, do yêu cầu nhiệm vụ xây dựng chiến khu Hòa - Ninh - Thanh (sau là chiến khu Quang Trung) đón quân giải phóng Nam tiến. Đó là do biết lợi dụng điều kiện địa thế, địa hình của tỉnh miền núi Hòa Bình. Song điều kiện quyết định chỉ có thể xây dựng được khu căn cứ cùng lực lượng vũ trang tập trung trên cơ sở phong trào cách mạng của quần chúng phát triển rộng mạnh, dù điều kiện phục vụ bảo vệ khu căn cứ và lực lượng vũ trang.
Có các khu căn cứ cùng lực lượng vũ trang, có phong trào cách mạng ở địa bàn trọng yếu là thị xã, các huyện, thị trấn, cho nên khi thời cơ đến Ban chỉ huy khởi nghĩa quyết định khởi nghĩa từ các khu căn cứ trước, phối hợp giữa lực lượng vũ trang, bán vũ trang với lực lượng tại chỗ ở các huyện lỵ, thị trấn, thị xã; phối hợp giữa lực lượng vũ trang, bán vũ trang với lực lượng quần chúng nổi dậy giành chính quyền huyện, rồi tiến lên giành chính quyền tỉnh, sau đó tiếp tục vùng dậy có lực lượng vũ trang, bán vũ trang làm nòng cốt, làm nhiệm vụ xung kích chiến đấu khi cần thiết để áp đảo, buộc kẻ thù phải đầu hàng.
Cũng cần phải nhấn mạnh thêm trong khởi nghĩa có đối sách đúng đắn “trung lập hóa” lực lượng phát xít Nhật, chỗ dựa của chính quyền bù nhìn, đã có quá trình tiến công làm phân hóa đến mức rệu rã lực lượng vũ trang, hàng ngũ viên chức của chính quyền bù nhìn tạo thuận lợi rất lớn cho cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi giòn giã.
Ba là, Đảng bộ Hòa Bình hình thành theo tiến trình lập Ban Cán sự tỉnh trước, trên cơ sở đó xây dựng, phát triển tổ chức đảng ở các cơ sở. Tiến trình đó thể hiện sự vận dụng linh hoạt nguyên tắc xây dựng tổ chức đảng sát với đặc điểm, tình hình phong trào cách mạng ở tỉnh miền núi Hòa Bình. Mặc dù vận dụng linh hoạt, được Đảng quan tâm như vậy song phải khẳng định Đảng
bộ chỉ có thể ra đời và phát triển trên cơ sở phong trào cách mạng của quần chúng vững mạnh. Đó là điều kiện, là tiền đề có ý nghĩa quyết định.
Ở một nước thuộc địa lại là một tỉnh miền núi kinh tế, văn hóa chậm phát triển, công tác phát triển đảng viên không thể chỉ chú ý thành phần một cách máy móc mà tiêu chuẩn chính là sự nhiệt tình yêu nước, ý chí phẩm chất cách mạng và năng lực công tác. Từ đó nâng dần sự giác ngộ về vai trò giai cấp công nhân và chủ nghĩa cộng sản. Sự ra đời của chi bộ đảng thị xã, chi bộ đầu tiên của tỉnh là thực tiễn chứng minh kết luận trên.