Phương pháp sử dụng kênh hình trong sách giáo khoa

Một phần của tài liệu CẢI CÁCH CỦA LÊ THÁNH TÔNG (Trang 26 - 27)

Phương pháp sử dụng kênh hình trong sách giáo khoa là phương pháp nằm trong nhóm phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan, góp phần quan trọng trong việc tạo biểu tượng lịch sử cho học sinh, cụ thể hóa các sự kiện và khắc phục tình trạng hiện đại hóa lịch sử của học sinh. Ngoài ra, sử dụng phương pháp này còn giúp học sinh phát triển óc quan sát, tưởng tượng, tư duy ngôn ngữ và rèn luyện kĩ năng thực hành bộ môn trong lịch sử.

Kênh hình trong sách giáo khoa rất phong phú đa dạng. Mỗi loại có nội dung, ý nghĩa khác nhau nên cách sử dụng cũng khác nhau. Vì vậy, khi sử dụng kênh hình sách giáo khoa trong dạy học lịch sử cần chú ý các nguyên tắc sau:

- Phải căn cứ vào nội dung, mục tiêu của bài học để lựa chọn kênh hình tương ứng phù hợp với nội dung kênh chữ của bài.

- Định rõ phương pháp thích hợp đối với việc sử dụng mỗi loại kênh hình. Phải đảm bảo học sinh biết và hiểu được kiến thức lịch sử mà kênh hình thể hiện.

- Đảm bảo kết hợp việc trình bày kênh hình với việc rèn luyện khả năng thực hành của học sinh (tường thuật trên bản đồ, miêu tả tranh, ảnh lịch sử...)

- Kết hợp các loại tài liệu và phương pháp khác trong khi sử dụng kênh hình SGK

Cụ thể: Khi dạy mục II/5. Chính sách văn hóa, giáo dục, chúng tôi sử

dụng hình Bia tiến sĩ trong bài 32 - Lịch sử ở thế kỉ XV – nhà Lê sơ (Lịch sử 10 Nâng cao).

Chúng tôi hướng dẫn học sinh quan sát hình ảnh và đặt câu hỏi gợi mở: Em biết gì về quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám và bia Tiến sĩ ở đây? Cha ông ta dựng bia Tiến sĩ nhằm mục đích gì? Tác dụng của việc làm này là gì?

Sau khi học sinh trao đổi, thảo luận, phát biểu ý kiến. Giáo viên dựa vào nội dung trên cùng với kênh hình, miêu tả ngắn gọn bức hình: Bia được khởi dựng năm 1484 dưới triều vua Lê Thánh Tông nhằm biểu dương nhân tài, khuyến khích việc học tập đương thời và hậu thế. Bia được dựng sau khoa thi hoặc từng đợt sau nhiều khoa thi. Bia Tiến sĩ được khắc trên đá màu xanh, với hoa văn tinh xảo. Trên mỗi tấm bia có khắc bài văn bằng chữ Hán với nội dung ca ngợi công đức của nhà vua, nêu lý do mở khoa thi, họ tên chức vụ người được giao chức vụ tổ chức cuộc thi, người dựng bia,… Bia tiến sĩ được đặt trên lưng rùa thể hiện sự tôn trọng, tôn vinh người hiền tài, được coi là yếu tố trường tồn mãi trong lịch sử dân tộc.

Cuối cùng giáo viên chốt lại: Trong công cuộc xây dựng đất nước về mọi mặt, từ thế kỉ X – XV các triều đại phong kiến Việt Nam đã bắt đầu xây dựng và phát triển nền giáo dục của dân tộc. Trong đó, phát triển nhất là vào thời Lê Thánh Tông với những chính sách ưu tiên cho giáo dục – khoa cử.

Một phần của tài liệu CẢI CÁCH CỦA LÊ THÁNH TÔNG (Trang 26 - 27)