V- Một số đề xuất về chính sách 1.Định hướng thu hút nguồn vốn FDI:
b. Ba đối tác chính
*Nhật bản
Nhật Bản là quốc gia có vốn FDI thực hiện lớn nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản cũng là nước cung cấp ODA nhiều nhất cho Việt Nam. Các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) của Nhật Bản đang thực hiện chiến lược chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang một số nước khác trong khu vực theo mô hình “Trung Quốc + 1”, tạo cơ hội mới cho Việt Nam trong tăng cường thu hút đầu tư của Nhật Bản.
Việt Nam và Nhật Bản đang thực hiện Chương trình hành động Sáng kiến chung Việt – Nhật giai đoạn II nhằm giải quyết những vướng mắc, nâng cao khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư.
Trong thời gian tới, cần tập trung xúc tiến đầu tư của Nhật Bản vào các dự án công nghệ cao, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật tiên tiến ; chú trọng thu hút FDI của Nhật vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo thỏa thuận của hai Chính phủ trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
Tiến hành vận động đầu tư tại Nhật Bản theo hình thức mới, chọn các dự án trọng điểm để vận động các tập đoàn cụ thể của Nhật Bản đầu tư. Tổ chức cho đoàn doanh nghiệp hai nước thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư lẫn nhau. Thúc đẩy và hỗ trợ các dự án lớn của Nhật Bản hiện đang trong quá trình đàm phán hoặc hình thành dự án. Giải quyết tốt các vướng mắc cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam nhằm tạo thêm lòng tin của các nhà đầu tư Nhật Bản.
* Hoa Kỳ:
Hoa Kỳ là nước xuất khẩu tư bản lớn nhất thế giới. Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết và đang thực hiện Hiệp định Thương mại (BTA). Mới đây Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam. Hai nước cũng đã thành lập Hội đồng Tư vấn cấp cao Việt Nam – Hoa Kỳ. Năm 2006, Hoa Kỳ đã có một số dự án đầu tư lớn tại Việt Nam, trong đó có dự án trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Intel. Dự báo trong các năm tới, đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ tăng nhanh hơn các năm trước và Hoa Kỳ có thể vươn lên đứng hàng thứ hai sau Nhật Bản về vốn đầu tư vào Việt Nam.
Để thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ cần tổ chức triển khai các hoạt động sau: - Tập trung vận động đầu tư đối với từng lĩnh vực, dự án trọng điểm và đối tác tiềm năng. Mở rộng, nâng cao hiệu qủa hợp tác xúc tiến đầu tư với các công ty tư vấn, xúc tiến đầu tư, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ của Hoa Kỳ. Thành lập tổ công tác liên ngành để thúc đẩy đàm phán, chuẩn bị một số dự án quan trọng.
- Hỗ trợ các dự án đầu tư của Hoa Kỳ đã được cấp giấy phép đầu tư hoặc đang đàm phán, chuẩn bị đầu tư bằng cách giải quyết sớm các vướng mắc trong hoạt động của các dự án đầu tư đã được cấp giấy phép.
- Tăng cường hợp tác nhằm nâng cao hiệu qủa thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ nhằm khai thác tối đa những lợi ích từ việc triển khai Hiệp định này, giảm thiểu những tác động tiêu cực, đồng thời tăng cường thu hút đầu tư của Hoa Kỳ trên cơ sở đảm bảo sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động này.
- Tiếp tục tận dụng hoạt động của Hội đồng tư vấn Việt Nam - Hoa Kỳ để nghiên cứu, đề xuất cơ chế hợp tác mới nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và giữa các doanh nghiệp hai nước. Nghiên cứu, đề xuất về các vấn đề tăng cường cạnh tranh và thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương Việt Nam Hoa Kỳ, nhất là đẩy mạnh thu hút đầu tư của các công ty Hoa Kỳ và Việt Nam..
- Hiện nay, có khoảng 1,5 triệu Việt kiều đang sinh sống, làm ăn tại Hoa Kỳ. Nhiều người Việt đã trở thành những nhà kinh doanh thành đạt có khả năng đầu tư về nước; một số khác có trình độ kỹ thuật cao, đặc biệt trong các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ... Do vậy, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ theo hướng: (i) tiếp tục tăng cường các ưu đãi khuyến khích Việt kiều đầu tư về nước, đặc biệt trong các ngành công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, nghiên cứu phát triển, du lịch, kinh doanh bất động sản....; (ii) tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc nhập cảnh, cư trú, đi lại và sinh hoạt của Việt kiều tại Việt Nam.
* Các nước EU:
Liên minh châu Âu (EU) coi trọng phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam qua việc tăng viện trợ hợp tác phát triển, về thương mại và đầu tư trực tiếp. EU cũng là những nước kết thúc sớm nhất đàm phán với Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên đầu tư của EU vào Việt Nam cho đến nay chưa lớn. Dự báo trong các năm tới, đầu tư từ các nước EU sẽ gia tăng nhưng tốc độ gia tăng chậm hơn đầu tư từ Nhật Bản và Hoa Kỳ. Chủ yếu do dòng vốn đầu tư đang tập trung vào các thành viên mới của EU và do ở xa
Việt Nam, chi phí vận chuyển cao, hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp các nước EU về Việt Nam còn ít.
- Định hướng thu hút đầu tư từ EU tập trung vào việc thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia (TNCs) vì các công ty này có khả năng tài chính mạnh, mạng lưới sản xuất và cung ứng sản phẩm toàn cầu. Trong EU cần tiếp tục thu hút ĐTNN từ các nước công nghiệp hàng đầu như Pháp, Anh, Đức.
- Tăng cường giới thiệu về chính sách và cơ hội đầu tư tại Việt Nam; tiếp tục xúc tiến các dự án mà các tập đoàn EU đi cùng Lãnh đạo các nước vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, năng lượng, hoá chất, xây dựng, dịch vụ. Tăng cường công tác tổ chức hội thảo XTĐT tại Việt Nam cũng như tại một số nước EU, thực hiện việc tăng cường đại diện XTĐT tại một số nước EU.
- Thực hiện việc mở cửa lĩnh vực dịch vụ theo đúng cam kết; đối với một số dự án cụ thể, có thể xem xét cho phép đầu tư sơm hơn, đổi lại phía ta tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ và của các TNC's EU trong việc cung cấp ODA và các lợi ích thương mại.