Xây dựng bộ câu hỏi khung chương trình

Một phần của tài liệu tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên trung học phổ thông môn lý (Trang 25 - 27)

Bộ câu hỏi khung chương trình cung cấp một cấu trúc trong việc đặt câu hỏi xuyên suốt các dự án, phát triển tư duy ở các cấp độ. Bộ câu hỏi giúp dự án phù hợp với việc học của HS, đảm bảo thống nhất giữa việc hiểu sâu sắc nội dung bài học và việc khám phá những ý tưởng hấp dẫn.

Bộ câu hỏi khung chương trình định hướng cho một bài học bao gồm các câu hỏi khái quát (CHKQ), câu hỏi bài học (CHBH) và câu hỏi nội dung (CHND). Vì thế nó còn được gọi là bộ câu hỏi định hướng.

* Câu hỏi khái quát

CHKQ là những câu hỏi có phạm vi rất rộng, là những câu hỏi mở. CHKQ có những đặc điểm:

 Giới thiệu khái quát, đầy đủ những ý tưởng xuyên suốt các môn học. Câu hỏi khái quát chính là cầu nối giữa các bài học, giữa bài học và môn học, giữa các môn học và thậm chí cả khóa học trong một năm;

 Chúng thường là những CHKQ về thực tế. Đối với các câu hỏi loại này thường không chỉ có một câu trả lời đúng. Chúng xuất hiện nhiều lần và theo thời gian, trình độ người học ngày càng tăng thì các câu trả lời cũng ngày càng đa dạng, phức tạp và mang nhiều sắc thái hơn;

 Thu hút được sự quan tâm, khơi dậy hứng thú nhận thức của người học với yêu cầu tư duy bậc cao. Để trả lời được CHKQ, HS cần có thời gian nghiên cứu vấn đề một cách nghiêm túc, khoa học;

 Mở rộng đến những câu hỏi khác. CHKQ mở rộng vấn đề, mở rộng tính phức tạp và phong phú của chủ đề, mở rộng hướng nghiên cứu, không chấp nhận những câu trả lời mơ hồ, những kết luận vội vàng.

Ví dụ: Sự phát triển của khoa học công nghệ làm thay đổi môi trường sống của chúng ta như thế nào?

Các CHKQ giúp GV tập trung vào các khía cạnh quan trọng trong chương trình suốt năm học và có ý nghĩa xuyên suốt các lĩnh vực của môn học. Đối với HS, CHKQ giúp HS so sánh, đối chiếu và phát hiện những tương đồng; phát triển trí tưởng tượng và tạo mối liên hệ giữa môn học với kiến thức và ý tưởng của HS. HS được thử thách trong việc tìm nhiều kết quả khác nhau cho cùng một vấn đề. Từ đó, khuyến khích HS thảo luận và nghiên cứu chuyên sâu, đặt nền tảng cho các câu hỏi sau này.

* Câu hỏi bài học

CHBH cũng là những câu hỏi mở nhưng bó hẹp trong một chủ đề hoặc bài học cụ thể, hỗ trợ và phát triển CHKQ. Các đặc điểm của CHBH là:

 Có đáp án mở, lôi cuốn các em vào việc khám phá những ý tưởng cụ thể đối với từng chủ đề, môn học hoặc bài học. Một CHBH có thể dùng chung cho một vấn đề chung thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau;

 Đưa ra những vấn đề hoặc kích thích thảo luận hướng đến chủ đề hoặc bài học cụ thể nhằm bổ trợ cho CHKQ;

 Khuyến khích khám phá, tạo ra và duy trì hứng thú, cho phép HS trả lời theo cách tiếp cận sáng tạo, độc đáo. Các câu hỏi loại này kích thích HS tự lực tìm lời giải cho các vấn đề.

CHBH có tác dụng hỗ trợ CHKQ. Mỗi CHBH trong một khóa học giúp khám phá ra một khía cạnh của CHKQ. Nó hướng tới các độ tuổi khác nhau của người học, do đó có thể hỗ trợ CHKQ tổng hợp được sự phát triển xuyên suốt nhiều cấp học. Các GV bộ môn khác nhau có thể sử dụng các CHBH khác nhau để giúp HS tiếp cận các vấn đề khác nhau trong cùng một CHKQ. Có thể biểu diễn mối tương tác giữa CHBH và CHKQ như sau:

Hình 3. Mối tương tác giữa CHBH và CHKQ

CHKQ và CHBH đưa ra lí do căn bản của việc học, khuyến khích HS tìm hiểu, thảo luận, và nghiên cứu, phát triển khả năng nhận thức đối với một chủ đề. Nếu được thiết kế tốt, CHKQ và CHBH sẽ giúp HS rèn luyện tư duy phê phán, thúc đẩy trí tò mò, thúc đẩy

cách học thông qua đặt câu hỏi trong chương trình.

* Câu hỏi nội dung

CHND khác với CHKQ và CHBH. Nó là các câu hỏi “đóng”, trực tiếp liên quan đến nội dung bài học cần nghiên cứu. Đặc điểm của CHND là:

• Trực tiếp hỗ trợ những chuẩn kiến thức và mục tiêu học tập;

• Có những câu trả lời “đúng” cụ thể, rõ ràng;

• Sắp xếp theo những tiêu chuẩn về nội dung, mục tiêu dạy học, hỗ trợ cho các câu hỏi khái quát cũng như câu hỏi nội dung.

CHND hỗ trợ cho CHKQ và CHBH bằng cách nhấn mạnh vào việc hiểu các chi tiết trong bài. Các câu hỏi này giúp HS tập trung vào những thông tin xác thực cần phải tìm hiểu để đáp ứng các tiêu chí về nội dung và những mục tiêu học tập.

Tóm lại, bộ câu hỏi khung chương trình có tác dụng hỗ trợ cho quá trình thực hiện dự án học tập của HS. Nó khuyến khích động cơ học tập đúng đắn. HS dường như trở thành những người học tự định hướng bởi vì họ hứng thú với những câu trả lời bản thân họ khám phá ra. Cuối cùng, thông qua bộ câu hỏi, HS nhìn thấy mối liên hệ giữa kiến thức đang học với thế giới của mình - điều này có thể làm thay đổi toàn bộ toàn bộ quan điểm của HS về giáo dục. Vì thế, GV cần phải đầu tư nhiều thời gian và công sức trong việc thiết kế bộ câu hỏi khung chương trình để đạt được hiệu quả giáo dục như mong muốn.

Một phần của tài liệu tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên trung học phổ thông môn lý (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(40 trang)
w