Các giá trị trung bình, giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất và độ lệch chuẩn trong bảng 4.1 (và phụ lục 1), cho biết sự chênh lệch giá trị của số liệu các biến trong mô hình. Hai giá trị thống kê giúp ta hình dung về hình dáng phân phối của số liệu là độ nghiêng (Skewness) và độ nhọn (Kurtosis) (Nguyễn Cao Văn và Trần Thái Ninh, 2008, trang 113). Trong đó:
Hệ số bất đối xứng (độ nghiêng - Skewness).
+ Nếu Skewness α3=0 thì phân phối là đối xứng.
+ Nếu Skewness α3<0 thì phân phối là bất đối xứng và đồ thị sẽ xuôi về bên trái nhiều hơn.
+ Nếu Skewness α3>0 thì phân phối là bất đối xứng và đồ thị sẽ xuôi về bên phải nhiều hơn.
Hệ số nhọn (độ nhọn - Kurtosis)
+ Nếu Kurtosis α4=3 thì phân phối xác suất được tập trung ở mức bình thường.
+ Nếu Kurtosis α4>3 thì phân phối tập trung ở mức độ cao hơn mức bình thường.
+ Nếu Kurtosis α4<3 thì phân phối xác suất được tập trung ở mức độ thấp hơn mức bình thường.
Mô hình luận văn thực hiện có tất cả 52 quan sát trong khoảng thời gian từ quý 1 năm 2000 đến hết quý 4 năm 2012 với các biến kinh tế của luận văn bao gồm LGDPR - biến tăng trưởng kinh tế, biến ED - tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP và OPEN - tỷ lệ xuất khẩu trên GDP . Trong đó:
Biến LGDPR
Biến LGDPR cho thấy ít có sự chênh lệch giữa giá trị cao nhất và giá trị nhỏ nhất, các giá trị trung bình và trung vị gần bằng nhau, giá trị hệ số độ nghiêng và độ nhọn của số liệu thể hiện biến LGDPR có phân phối đều và tập trung. Kiểm định Jaque - Bera chấp nhận trường hợp H0 biến LGDPR có phân phối chuẩn với mọi mức ý nghĩa 1%, 5% và 10%. Điều này cho thấy biến LGDPR có sự tăng trưởng khá đồng đều qua các năm.
Biến ED
Biến ED có dạng phân phối chuẩn với kurtosis<3 và độ lệch chuẩn tương đối lớn (6.9625), cho thấy dữ liệu có nhiều mức phân tán khác nhau. Skewness>0, cho thấy đồ thị có xu hướng tập trung về phía trái và xuôi dần về bên phải. Ngoài ra, có sự chênh lệch khá lớn giữa giá trị nhỏ nhất (15.46%) và giá trị lớn nhất (44%). Điều
đó cho thấy tỷ lệ nợ nước ngoài biến động khác nhau tùy thời kỳ. Cụ thể, mức độ tập trung của tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP chủ yếu ở mức khoảng 16%, 22%, 25%, 31% và 34% (phụ lục 1).
Trong đó, tập trung cao nhất là tại 16% và 22%, điều này cho thấy tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP khá thấp. Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy áp lực nợ nước ngoài chưa lớn. Tuy nhiên, nếu như ta kết hợp thống kê mô tả với sự thay đổi của chuỗi dữ liệu theo quý (phụ lục 9), ta thấy tỷ lệ này có khuynh hướng rơi vào thời kỳ đầu của nghiên cứu từ quý 1 năm 2000 đến quý 4 năm 2006 (phụ lục 9). Còn sau năm 2006 thì mức độ tập trung chủ yếu vào ba mức cao hơn là 25%, 31% và 34%, điều này cho thấy xu hướng vay nợ nước ngoài này có khuynh hướng tăng lên những năm gần đây. Hay nói cách khác, khả năng trả nợ thông qua thu nhập quốc gia có xu hướng giảm.
Giá trị lớn nhất (maximum) của biến ED là 40% và 44% có mức độ tập trung rất ít. Điều này cho thấy tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP của Việt Nam hiện nay chưa quá cao, hay nói cách khác, nền kinh tế của Việt Nam chưa quá phụ thuộc vào dòng vốn vay của nước ngoài. Đây cũng là dấu hiệu lạc quan của nền kinh tế.
Biến OPEN:
Kiểm định Jarque - Bera cho thấy OPEN cũng là biến theo phân phối chuẩn. Tuy nhiên, có sự chênh lệch khá lớn giữa giá trị nhỏ nhất và giá trị lớn nhất của biến. Điều đó cho thấy là có sự chênh lệch trong tỷ lệ xuất khẩu của từng thời kỳ, mà theo đó skweness >0 cho thấy phân phối lệch phải, tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam ở mức khoảng từ 51-53% GDP cho thấy tỷ lệ xuất khẩu đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.