Với tầm quan trọng về kinh tế - chính trị và an ninh quốc phòng, Chính phủ đã có nhiều chủ trương về phát triển kinh tế đối với Hải Phòng như một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Về phát triển du lịch, Hải Phòng cũng được định hướng phát triển thành một trung tâm du lịch của vùng duyên hải Bắc Bộ. Các trọng điểm du lịch của thành phố là Đồ Sơn và Cát Bà được Chính phủ xác định phát triển cùng Hạ Long để trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế lớn của cả nước. Bên cạnh đó, chủ trương và quan điểm của thành phố cũng tạo động lực cho du lịch phát triển. Trong những năm qua đã mở ra được nhiều tuyến du lịch, sản phẩm du lịch và có những định hướng quan trọng đối với phát triển du lịch. Đặc biệt, từ nhiều năm lãnh đạo thành phố cũng luôn chú trọng đến vấn đề
xây dựng thương hiệu cho du lịch Hải Phòng. Đây là những cơ sở quan trọng để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng thương hiệu.
Du lịch Hải Phòng đang có những chuyển biến về nhiều mặt, từ đầu tư hạ tầng du lịch đến phát triển sản phẩm, tua tuyến, quảng bá xúc tiến du lịch. Thực tế, tổng vốn từ nguồn ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng du lịch trong giai đoạn 2006 - 2009 là gần 459 tỷ đồng của 15 hạng mục dự án. Mặt khác, việc quản lý và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch đạt kết quả khả quan với 30 dự án được thành phố phê duyệt trong 5 năm qua với tổng vốn đầu tư hơn 19 nghìn tỷ đồng và hơn 173 triệu USD.
Doanh thu du lịch Hải Phòng tăng khá ổn định qua các năm, do Hải Phòng đã có nhiều biện pháp và hướng đầu tư phù hợp để phát triển du lịch, đặc biệt trong lĩnh vực quảng bá, thu hút khách đến với Hải Phòng.
Năm 2010, Hải Phòng có 188 doanh nghiệp kinh doanh du lịch và 251 cơ sở lưu trú du lịch với 6.551 phòng, trong đó 97 cơ sở được xếp hạng sao (năm 2000, cả thành phố chỉ có 122 cơ sở lưu trú và 15 khách sạn được xếp hạng sao). Những năm qua, các doanh nghiệp của địa phương và trung ương đã đầu tư đáng kể vào việc xây mới, cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất, nhờ đó năng lực đón khách của Hải Phòng được cải thiện. Nhiều khách sạn mini hình thành, các nhà khách, nhà nghỉ đã được chú ý đầu tư đáp ứng tốt hơn yêu cầu du khách.
Số lượng lao động trong ngành du lịch Hải Phòng không ngừng tăng. Năm 2000 toàn ngành chỉ có 16.500 lao động, nhưng đến năm 2010 đã có hơn 32.000 lao động. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, ngành Du lịch Hải Phòng đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ cho đội ngũ nhân viên và cán bộ quản lý.
Mặc dù tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của Hải Phòng rất đa dạng và phong phú nhưng nguồn tài nguyên được khai thác và sử dụng trong
phát triển du lịch mới chỉ chiếm 12,9% trên tổng số nguồn tài nguyên hiện có. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch ở Hải Phòng còn mang tính tự phát và thiếu tính đồng bộ, thiếu quy hoạch dẫn đến phát triển tràn lan làm phá vỡ cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường (như ở Đồ Sơn và Cát Bà, khu vực núi đồi của huyện Thủy Nguyên, An Lão). Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư khai thác sử dụng tài nguyên vào những loại hình không phù hợp đã làm ảnh hưởng lớn đến các tài nguyên khác (ví dụ như bãi biển phía Tây Nam khu II Vạn Hương - Đồ Sơn bị san lấp để xây dựng khu làng biệt thự đã ngăn chặn bãi lắng phù sa cửa sông Văn Úc, đẩy lượng phù sa này ra ngoài bãi làm cho bãi tắm Đồ Sơn vốn đã đục lại càng đục hơn).
Việc khai thác tài nguyên nhân văn còn hạn chế, các di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng, một số di tích được trùng tu tôn tạo nhưng lại không đảm bảo được tính chân thật của lịch sử cũng như phong cảnh kiến trúc cổ. Các lễ hội và làng nghề cũng chưa được quan tâm đúng mức. Việc tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng địa phương về du lịch chưa sâu rộng, nhất là nhân dân ở các điểm du lịch. Các tour, tuyến du lịch tổ chức chưa hợp lý, nội dung khai thác đơn điệu cũng là lý do chính hạn chế lượng du khách đến Hải Phòng.
Định hướng phát triển du lịch Hải Phòng đến năm 2020 là: “Phát triển du lịch Hải Phòng thành trung tâm du lịch của vùng, trong đó xây dựng đảo Cát Bà cùng với Đồ Sơn, Hạ Long trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế của cả nước” (Nghị quyết 32/NQ-TW ngày 5/8/2003 của Bộ Chính trị).
Để thực hiện được mục tiêu chiến lược trên, Du lịch Hải Phòng cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện những giải pháp cơ bản.
Trước hết, cần đẩy mạnh khai thác lợi thế của vùng kinh tế tăng trưởng phía Bắc, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã
hội, dựa trên nguyên tắc phát triển du lịch song song với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo tồn nguồn tài nguyên tự nhiên.
Tăng cường phát triển hệ thống cơ sở lưu trú và công trình dịch vụ phục vụ du lịch, ưu tiên cấp phép cho những dự án đạt tiêu chuẩn quốc tế, các dự án xây dựng các công trình thể thao tổng hợp, khu hội trợ triển lãm, hội nghị, hội thảo…
Xây dựng hệ thống cung ứng và dịch vụ kinh doanh ăn uống đạt tiêu chuẩn quốc tế của Hải Phòng bằng cách thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực này; đầu tư xây mới các công trình vui chơi giải trí hiện đại tại dải trung tâm thành phố; hình thành tuyến phố đi bộ, chợ đêm ở trung tâm thành phố Hải Phòng…
Khai thác các di tích văn hóa lịch sử, các lễ hội, làng nghề truyền thống vào phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cần trùng tu tôn tạo các di sản văn hóa, di tích lịch sử - cách mạng nhưng vẫn đảm bảo được tính chân thật của di sản cũng như không gian kiến trúc cổ.
Nâng cao về số lượng và chất lượng đối với đội ngũ lao động du lịch thành phố thông qua nhiều hình thức đào tạo linh hoạt: đào tạo tại cơ quan, doanh nghiệp, mở các lớp đào tạo tại địa phương, cử cán bộ, nhân viên đi học nâng cao trình độ nghiệp vụ ở trong và ngoài nước… Ngoài ra, cần quan tâm đầu tư cho các cơ sở đào tạo về du lịch của thành phố để cải thiện chất lượng đào tạo ngay trong nhà trường.
Quảng bá về hình ảnh Du lịch Hải Phòng một cách sâu rộng, tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng các kiến thức về phát triển du lịch, bảo vệ môi trường du lịch, văn hóa ứng xử với du khách…
Chú trọng công tác quy hoạch, sáng tạo nhiều tour, tuyến du lịch nhằm thu hút du khách… Còn có rất nhiều việc cần làm, đồi hỏi Du lịch Hải Phòng
phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nhằm biến nguồn tiềm năng thành thế mạnh, để Du lịch Hải Phòng đạt được những bước tiến vượt bậc trong tương lai.
Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù Hải Phòng luôn nằm trong 10 tỉnh, thành phố đón nhiều khách du lịch quốc tế và nội địa nhất trên toàn quốc. Thị trường khách quốc tế chính đến Hải Phòng hiện nay chủ yếu là các thị trường Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và thị trường Bắc Mỹ là Mỹ. Các thị trường khách Châu Âu như Anh, Pháp, Đức có sự sụt giảm đáng kể. Các sản phẩm du lịch được khai thác chính hiện nay phục vụ khách là nghỉ dưỡng, giải trí biển Đồ Sơn, du lịch biển và sinh thái biển Cát Hải, du lịch đô thị - tìm hiểu văn hóa lịch sử, tham quan làng nghề.
Cho đến nay, có thể thấy khả năng tìm kiếm các đặc điểm thương hiệu du lịch Hải Phòng là hoàn toàn có nhưng việc chạm đến sự cảm nhận, sự công nhận của thị trường khách. Việc định hướng phát triển bền vững thị trường khách tạo điều kiện cho sự hình thành, quản lý và duy trì thành công thương hiệu du lịch.