Tai nạn giao thông thường gây ra các thiệt hại lớn về người và của.
Tai nạn giao thông thường xẩy ra ở các đoạn đường hẹp, đường dốc, đường vòng, đường giao nhau và nhất là ở những nơi có các loại hình giao thông (xe cơ giới, xe đạp, đi bộ) trộn lẫn.
Các biện pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đến môi trường
Yêu cầu:Căn cứ vào các tác động môi trường nêu trong chương 4, đề suất một cách cụ thể các biện pháp quản lý và kỹ thuật mang tính khả thi cao nhằm phòng tránh, giảm thiểu tới mức có thể các tác động môi trường do việc thực hiện dự án gây nên.
Các biện pháp giảm thiểu đề suất phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Các biện pháp giảm thiểu phải phù hợp với quy mô công trình, nguồn tài chính cho phép.
- Các biện pháp bảo vệ môi trường phải được thực thi suốt cả quá trình chuẩn bị, xây dựng công trình và trong suốt quá trình hoạt động của công trình.
- Cần phải có phương án phù hợp đối với những tác động môi trường không thể khắc phục hoặc giảm nhẹ.
Dưới đây là những gợi ý về các biện pháp giảm thiểu có thể được xem xét áp dụng:
5.1. Các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực trong giai đoạn bố trí tuyến đường và chuẩn bị mặt bằng
• Lựa chọn tuyến đường không làm thay đổi dòng chảy nước bề mặt, tránh làm biến đổi hệ thống thuỷ nông thoát nước hiện có ở khu vực, khẩu độ cầu không làm thu hẹp dòng chảy của sông, suối. Số lượng cống và kích thước cống phải đủ để thoát nước qua đường, cân bằng mực nước hai bên đường trong mùa mưa bão như trước khi có dự án.
• Lựa chọn tuyến đường tránh khu vực có mật độ xây dựng lớn, khu tập trung dân cư và khu dịch vụ, thương mại, các khu dân cư của dân tộc thiểu số.
• Bố trí tuyến đường sao cho khối lượng đào đắp ít nhất, hạn chế phát quang thảm thực vật, trồng lại các thảm thực vật bị bóc bỏ, phủ thực vật ở các vùng đất mới đắp, có phương án điều chỉnh dòng nước về tốc độ và lưu lượng để tránh dòng chảy xói đất. Giữ ổn định mái dốc, tránh xói lở mái dốc, các mái dốc phải được thiết kế lớp bảo vệ đúng kỹ thuật, gia cố đất, phun bê tông phải phủ lớp vải địa kỹ thuật hoặc làm tường chắn, kè chắn và tạo rãnh nước thoát ở đỉnh và chân mái dốc.
• Có kế hoạch tái định cư, bảo đảm dân di chuyển được cung cấp chỗ ở, điều kiện sinh hoạt và sản xuất bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Thực hiện chính sách đền bù tương xứng với tất cả các thiệt hại về đất đai, nhà cửa, vườn tược, thay đổi cách sống, nghề nghiệp lâu dài của họ.
• Biện pháp giảm thiểu tác động đối với tài nguyên sinh vật có thể là: - Không bố trí tuyến đường đi qua các khu rừng nói chung và ở gần các khu rừng được bảo tồn nói riêng.
- Các tuyến đường cần tránh vùng có độ "nhậy cảm" cao đối với các hệ động và thực vật tự nhiên.
- Không khai thác vật liệu làm đường ở các vùng đất ướt, đầm lầy hay khu rừng có độ nhạy cảm cao đối với môi trường.
- Nếu tuyến đường bắt buộc phải đi qua rừng hay sát gần rừng thì phải có các biện pháp bảo vệ rừng kèm theo, như tạo đệm cách ly giữa đường giao thông và rừng, xây dựng chắn hay làm hàng rào chắn hai bên đường, cấm đỗ xe, dừng xe, bóp còi và giảm tốc độ khi xe đi qua rừng.
- Duy trì các đường mòn đi lại của thú rừng.
5.2. Các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực trong giai đoạn thi công xây dựng