4. Tinh thần nhập thế tích cực
TỪ XÍCH NHƯỢNG
Ngày 10/12/1948, bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức thông qua. Nhân 60 năm ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948 - 10/12/2008), Tạp chí Triết học xin giới thiệu bài viết “Phê phán luận điểm sai lầm “Nhân quyền cao hơn chủ quyền”” của tác giả Từ Xích Nhượng đăng trên tạp chí “Nghiên cứu Triết học” số 10, 2000 (tiếng Trung) để bạn đọc tham khảo.
Năm 1999, Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), dưới sự lãnh đạo của Mỹ, đã điên cuồng đánh phá Nam Tư suốt hơn hai tháng với lý do là “nhân quyền cao hơn chủ quyền”. Điều này mới nghe thì dường như rất có lý, bởi “nhân quyền” là quyền lợi của tất cả mọi người (tức toàn nhân loại), mà số nhân khẩu của quốc gia có “chủ quyền”, dẫu nhiều đến mức nào cũng vẫn chỉ là một bộ phận của “toàn nhân loại”, cho nên “nhân quyền cao hơn chủ quyền”.
Tuy nhiên, tình huống trên thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Bởi lẽ, khái niệm “nhân quyền” chẳng qua chỉ là một khái niệm trừu tượng. Nó chỉ tồn tại trong quyền lợi của tất cả mọi cá nhân; cho nên, nếu không có quyền lợi cá nhân thì cũng sẽ không có nhân quyền. Trong khi đó, quyền lợi của mỗi cá nhân hiện đều nằm dưới sự bảo hộ của chủ quyền quốc gia; vì thế, nếu không có chủ quyền quốc gia thì cũng chẳng có quyền lợi cá nhân, “chủ quyền” trên thực tế là cao hơn “nhân quyền”.
Nếu như loại “nhân quyền” đó là quyền lợi của cá nhân tồn tại thực sự thì chẳng qua nó cũng chỉ là ảo tưởng của chủ nghĩa cá nhân cực đoan mà thôi. Bởi lẽ, một khi quyền lợi cá nhân “cao hơn” chủ quyền quốc gia, thì tại sao nó vẫn cần đến sự bảo
hộ của quốc gia? Chỉ có đặt cuộc sống cá nhân lên trên quốc gia mới có thứ gọi là “nhân quyền” này. Thế nhưng, dẫu ngày nay vẫn còn khả năng có một số ít người sống bên ngoài quốc gia, song chắc chắn cũng không thể tồn tại cái gọi là cá nhân sống bên trên quốc gia được. Hiện có một số cá nhân trong các “tổ chức quốc tế” dường như vượt khỏi chủ quyền quốc gia, nhưng họ vẫn phải lấy chủ quyền quốc gia làm cơ sở. Bởi lẽ, nếu không có chủ quyền quốc gia thì không có “tổ chức quốc tế” đó và cũng chẳng thể nào bàn tới chuyện quyền lợi cá nhân được.
Trên đây vẫn là lấy “nhân quyền” để nói về nhân quyền, chỉ cần vượt ra khỏi khái niệm “nhân quyền”, nhìn từ góc độ lịch sử chân thực sự phát triển của loài người, cái thứ “lý do” kiểu đó càng trở nên hồ đồ. Bởi lẽ, khi loài người còn sống trong các bộ lạc và thị tộc thời xã hội nguyên thuỷ, tất cả sự phục tùng của cá nhân đối với thị tộc và bộ lạc khiến rất khó phân biệt đâu là “quyền lợi” đâu là “nghĩa vụ”, do tất cả mọi vấn đề của cá nhân đều thuộc về bộ lạc và thị tộc, làm sao có thể có quyền lợi cá nhân? Chỉ đến xã hội nô lệ, khi nô lệ bị đánh đồng với các công cụ sản xuất khác và trở thành tài sản tư hữu của chủ nô thì lúc đó, mới cần tới sự bảo vệ của quốc gia để quyền lợi của chủ nô không bị xâm hại. Nếu khi ấy có ai đưa ra đòi hỏi nô lệ phải có quyền lợi bình đẳng ngang với chủ nô, thì đó đúng là một chuyện điên rồ. Bởi lẽ, trong quan hệ xã hội hiện thực đương thời, bất bình đẳng vẫn còn được coi trọng hơn bình đẳng. Tới xã hội phong kiến, nông dân trở thành người làm thuê cho địa chủ, nhà nước đặt ra chế độ đẳng cấp để bảo vệ những địa chủ lớn nhỏ, hoàng đế là người thống trị chí cao vô thượng. Trong xã hội ấy, nếu như có người đề xuất việc thần dân phải có quyền lợi ngang với hoàng đế, thì điều đó sẽ bị coi là phản nghịch, bởi nó hoàn toàn đối lập với quan hệ xã hội hiện thực.
Chỉ sau khi kinh tế hàng hoá trong lòng xã hội phong kiến phát triển, thương nhân đi tới đâu cũng buôn bán, tiến hành “trao đổi ngang giá”, vấn đề bình đẳng quyền lợi cá nhân mới được đặt ra. Đây cũng chính là quá trình phát triển chủ nghĩa nhân đạo đòi hỏi về cá tính, tự do, bình đẳng và dân chủ, nhân quyền từ thời Phục hưng trở về sau ở châu Âu. Tư tưởng đó có hệ thống tương đối hoàn chỉnh nhờ các nhà tư tưởng người Pháp thế kỷ XVIII và đạt tới đỉnh cao với L.Phoiơbắc - nhà triết học cổ điển Đức thế kỷ XIX.
Tuy nhiên, căn cứ vào “Tuyên ngôn nhân quyền”, C.Mác đã giải thích về vấn đề này như sau: “Đặc quyền tín ngưỡng là nhân quyền nói chung”, “ứng dụng thực tế của nhân quyền (về) tự do chính là nhân quyền (về) tư hữu tài sản”, “loại nhân quyền (về) tư hữu tài sản này chính là quyền lợi được sử dụng và xử lý tài sản của mình một cách tuỳ ý, không liên quan đến người khác, không chịu bó buộc của xã hội”, “bình đẳng không có gì khác là bình đẳng tự do đã nói ở trên, tức mỗi một người đều được nhìn nhận như một đơn tử độc lập”, “an toàn là khái niệm xã hội cao nhất của xã hội dân sự, là khái niệm của cảnh sát; căn cứ theo khái niệm này, sự tồn tại của toàn thể xã hội đều là vì bảo vệ nhân thân, quyền lợi và sự bất khả xâm phạm về tài sản của mỗi một thành viên trong đó”, “có thể thấy, bất cứ một loại gọi là nhân quyền nào đều không vượt ra ngoài con người của chủ nghĩa lợi kỷ”, “với những quyền lợi đó, con người tuyệt đối không phải là một thứ tồn tại có tính loài”(1). Ph.Ăngghen cũng nói: “Theo tôi, chế độ dân chủ cũng giống như bất kỳ một loại chính thể nào, cuối cùng cũng tự mâu thuẫn, lừa phỉnh, và đúng là một thứ tốt đẹp giả tạo (hoặc giống như người Đức chúng ta thường gọi – Thần học). Tự do chính trị là giả tự do, là một thứ chế độ nô lệ tồi tệ nhất”, “bình đẳng chính trị cũng như vậy”(2).
Với tư cách là những nhà cộng sản chủ nghĩa, năm 1845, khi lần đầu tiên đề xuất chủ nghĩa duy vật lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen đã thanh toán tín ngưỡng triết học nhân đạo chủ nghĩa mà L.Phoiơbắc là đại biểu và tuyên bố một cách rõ ràng rằng, “khi nhắc tới quyền lợi, chúng tôi cùng với nhiều người khác đều đã từng nhấn mạnh, chủ nghĩa cộng sản lựa chọn lập trường phản đối đối với quyền lợi chính trị, quyền lợi tư nhân và hình thức chung nhất của quyền lợi là nhân quyền”. Các ông còn giải thích: “ở đó, đặc quyền, quyền ưu tiên hoàn toàn phù hợp với chế độ tư hữu, cái gắn liền với đẳng cấp, đồng thời quyền lợi là cái phù hợp với điều kiện của chế độ cạnh tranh và tự do tư hữu…; khẳng định bản thân nhân quyền chính là đặc quyền, và chế độ tư hữu chính là lũng đoạn”(3).
Hiện nay, NATO do Mỹ đứng đầu đem chiêu bài “nhân quyền cao hơn chủ quyền” để cố ý xâm phạm chủ quyền nước khác. Luận đoán khoa học của C.Mác, dù đã trải qua hơn một thế kỷ, vẫn được thực tiễn xã hội chứng thực. Cựu Thủ tướng
Anh Blaire đã thông qua cuộc chiến tranh điên cuồng ở Nam Tư để nói rằng, “hiện giờ, chúng ta đang có cơ hội xây dựng một chủ nghĩa quốc tế mới về mặt giá trị quan và nền tảng pháp quyền”. Thật ra, cái gọi là “chủ nghĩa quốc tế mới” của ông ta chẳng qua chỉ là thứ chủ nghĩa đế quốc dựa trên sự thanh minh theo kiểu “chủ nghĩa nhân đạo”, nó tương phản với “chủ nghĩa quốc tế” của chủ nghĩa Mác dựa trên nền tảng duy vật lịch sử. Bài viết ngày 28 tháng 6 đăng trên Tạp chí “Chính trị gia mới” của John Pierre đã viết rất hay: “Chủ nghĩa nhân đạo can thiệp là tiêu chí mới nhất của chủ nghĩa đế quốc”(4).
Việc Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Anh - Robin Cook cảnh báo “các chính phủ sử dụng thủ đoạn áp bức đối với dân chúng của mình” càng chứng minh rằng, chân lý xã hội của C.Mác vẫn còn có ý nghĩa hiện thực cực kỳ quan trọng. Ngày nay, Mỹ và Anh đều mắc “mối lo nhà tù quá tải”, chẳng lẽ đây không phải là “sử dụng” thủ đoạn áp bức chính trị hay sao? Những quốc gia này đều đảm bảo đặc quyền thuê mướn công nhân cho các nhà tư bản và người công nhân chỉ có một “đặc quyền” là được bán sức lao động của mình, chẳng nhẽ đây không phải là “sử dụng” thủ đoạn áp bức kinh tế? Nhà nước của giai cấp bóc lột chỉ có thể là cỗ máy của thiểu số người áp bức đại đa số người, nên không dám thừa nhận nhà nước là công cụ áp bức giai cấp, mà ngược lại còn giả vờ phản đối hiện thực ấy; vì thế, khi phải đối diện sự thực, chúng không thể không tự bạt tai mình. Chỉ có giai cấp vô sản mới dám công khai giải thích sự thực này, bởi thế họ thừa nhận “chủ quyền cao hơn nhân quyền” chỉ để phản đối thứ chính trị nước lớn lợi dụng “vấn đề nhân quyền” tuỳ ý xâm phạm chủ quyền nước khác, đồng thời chủ trương việc nội bộ của mỗi nước phải do nhân dân nước đó tự giải quyết.
Chỉ cần dựa vào luận điểm hàm hồ “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, bất cứ một nước nào cũng đều có quyền chống lại Mỹ, mà không cần dùng thêm bất kỳ lý lẽ nào khác. “Chế tài kinh tế của phương Tây với Iraq làm trung bình mỗi tháng có 4000 trẻ em Iraq bị chết vì thiếu dinh dưỡng”, còn cuộc công kích điên cuồng Nam Tư lại “khiến cho hơn 1800 người dân thường thiệt mạng, hơn 6000 người bị thương, gần 1 triệu người trở thành dân lưu vong, thiệt hại kinh tế trực tiếp lên đến hơn 200 tỉ đô la Mỹ”(5). Ngay cả Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư cũng bị bắn 5 quả tên lửa định
hướng, làm 3 người chết, hơn 20 người bị thương. Những điều này khiến người ta càng có lý do để tiêu diệt những phần tử hiếu chiến của Mỹ đến đâu cũng phóng lửa giết người.
Tức nước vỡ bờ. Nước Mỹ tuỳ ý xâm phạm chủ quyền của nước khác gây ra ngày càng nhiều sự thương vong đối với dân thường và tổn thất kinh tế. Trước sau, điều đó sẽ dẫn tới sự phản kháng toàn lực của dân chúng ở những quốc gia bị hại, đồng thời họ cũng sẽ nhận được sự ủng hộ của nhân dân yêu hoà bình ở mọi quốc gia (bao gồm cả nhân dân Mỹ). Rồi sẽ có ngày, nhân dân các nước bị hại nổi dậy chặt đứt bàn tay ma quỷ của các phần tử hiếu chiến Mỹ, bọn đòi dựa vào cây gậy “nhân quyền” để trục lợi và giết người ở các nước khác. Lịch sử luôn vận động biện chứng như vậy, chứ không phải là một thứ “vĩnh viễn bất biến” kiểu siêu hình học.
Người dịch: ThS.TRẦN THỊ THUÝ NGỌC
Người hiệu đính: TS.NGUYỄN TÀI ĐÔNG
(1) C.Mác - Ph.Ăngghen. Toàn tập, q.1, tr.427, 439 (tiếng Trung - ND.).
(2) C.Mác - Ph.Ăngghen. Sđd., q.1, tr.576.
(3) C.Mác - Ph.Ăngghen. Sđd., q.3, tr.228-229.
(4) Xem: Tin tức tham khảo, ngày 29/6/1999.
(5) Bắc Kinh vãn báo, ngày 15 tháng 11 năm 1999.