Ngày nay các nhà cung cấp dịch vụ di động GSM sử dụng hai dải tần số, đó là GSM 900 và GSM 1800. Một số quốc gia ở Châu Mỹ thì sử dụng băng 850 Mhz và 1900 Mhz do băng 900 Mhz và 1800 Mhz ở đây đã được sử dụng trước đó.
Dải tần số dùng cho GSM 900 là 890 ÷ 960 MHz, gồm 124 tần số sóng mang với mỗi hướng:
Uplink: 890 ~ 915 MHz Downlink: 935~960 MHz.
Dải tần số dùng cho GSM 1800 là 1710 ÷ 1880 MHz, gồm 374 tần số sóng mang với mỗi hướng:
Uplink: 1710~1785 MHz Downlink: 1805~1880 MHz.
Hiện nay, tại Việt Nam đang có 3 nhà cung cấp dịch vụ di động GSM đó là Vinaphone, Mobiphone, Viettel, cùng đồng thời hoạt động trên dải tần 900 MHz và 1800 Mhz, nên dải tần số hạn hẹp này phải chia sẻ đều cho cả 3 mạng.
Với mạng di động Viettel dải tần được ấn định như sau:
• GSM 900: Dải tần sử dụng trong Viettel là 41 tần số từ kênh 43 đến 83 tương ứng với:
Uplink: 898,6 MHz ÷ 906,6 MHz. Downlink: 943,6 MHz ÷ 951,6 MHz.
• GSM 1800: Dải tần sử dụng trong Viettel là từ kênh 712 đến 809 (dải tần BCCH từ 712 – 744, dải tần TCH từ 768 – 809, còn lại dành cho Inbuilding ) tương ứng với:
Uplink: 1750,2 MHz ÷ 1769,4 MHz. Downlink: 1845,2 MHz ÷ 1864,4 MHz.
Tài nguyên tần số có hạn trong khi số lượng thuê bao thì ngày càng tăng lên, nên việc sử dụng lại tần số là điều tất yếu. Tuy nhiên, khi sử dụng lại tần số thì vấn đề nhiễu đồng kênh xuất hiện. Do đó cần có sự hoạch định tần số tốt để tối thiểu hóa ảnh hưởng của nhiễu tới chất lượng của hệ thống.