Doanh số cho vay – Theo loại hình cho vay

Một phần của tài liệu Luận văn "PHÂN TÍCH RỦI RO TÍN DỤNG TẠI SACOMBANK CHI NHÁNH AN GIANG " docx (Trang 28 - 30)

Hiện tại Sacombank An Giang đang tiến hành cho vay theo nhiều loại hình tùy theo mục đích sử dụng vốn khác nhau, bao gồm:

 Cho vay sản xuất kinh doanh (SXKD)

 Cho vay nông nghiệp

 Cho vay tiêu dùng, bất động sản

 Cho vay cầm cố sổ tiền gởi

 Cho vay cán bộ công nhân viên (CBCNV)

 Cho vay tiểu thương chợ …

Thời gian này Chi nhánh đang tiến hành gửi cán bộ tín dụng tập huấn thêm về loại hình Cho vay lãi cấn trừ Bất động sản, dự kiến sẽ sớm đưa vào hoạt động. Việc đưa ra nhiều loại hình có thể giúp Ngân hàng có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng vay vốn, thu hút được sự quan tâm của người dân. Tuy nhiên, ta chỉ xét một số loại hình mà Chi nhánh đang chú trọng đẩy mạnh và thường xuyên chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng DSCV, đó là: cho vay SXKD, cho vay nông nghiệp, cho vay CBCNV.

Bảng 4: Doanh số cho vay theo loại hình cho vay tại Sacombank An Giang

ĐVT: Triệu đồng So sánh 31/12/2005 – 30/6/2006 So sánh 30/6/2006 – 31/12/2006 Chỉ tiêu 31/12/2005 30/06/2006 31/12/2006 Tăng giảm % tăng giảm Tăng giảm % tăng giảm SXKD 9.456 103.234 120.341 93.778 991,73% 17.107 16,57% Nông nghiệp 6.376 18.249 10.589 11.873 186,21% -7.660 -41,97% CBCNV 31.678 19.960 35.321 -11.718 -36,99% 15.361 76,95% Khác 12.490 28.557 53.879 16.067 128,63% 25.322 88,67% Tổng 60.000 170.000 220.130 110.000 183,33% 50.130 29,48%

(Nguồn: P. Quản lý TD – Sacombank An Giang)

Bảng 5: Tỷ trọng doanh số cho vay theo loại hình cho vay

Chỉ tiêu 31/12/2005 30/6/2006 31/12/2006

SXKD 15,76% 60,72% 54,67%

Nông nghiệp 10,62% 10,73% 4,81%

CBCNV 52,80% 11,74% 16,04%

Khác 20,82% 16,81% 24,48%

Như đã trình bày trong phần 4.1.1, tổng DSCV đã có sự gia tăng mạnh theo thời gian. Trong đó, gia tăng mạnh mẽ và chiếm tỷ trọng cao là các khoản vay phục vụ SXKD. DSCV ở loại hình này vào 31/12/2005 chỉ đạt 9,4 tỷ đồng, nhưng đến 31/12/2006 đã tăng đến 120,3 tỷ đồng, chủ yếu tăng ở nửa đầu năm 2006, tăng 93,7 tỷ đồng tương đương 991,7%. Giải thích cho sự gia tăng này là do số lượng lớn các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn ngày càng tin tưởng vào hoạt động của Chi nhánh. Với số lượng doanh nghiệp liên tục được thành lập cộng với số doanh nghiệp sẵn có trên địa bàn thì nhu cầu bổ sung vốn kinh doanh luôn là rất lớn.

Về cho vay nông nghiệp, đây là mảng hoạt động đựơc Chi nhánh chú trọng đẩy mạnh từ khi đi vào hoạt động. Ở thời điểm 31/12/2005, DSCV nông nghiệp đạt hơn 6,3 tỷ đồng, chiếm 10,62% tổng DSCV. Do mùa vụ Đông – Xuân 2005 nông dân được giá nông sản, thêm vào là nhu cầu vốn khắc phục hậu quả dịch cúm gia cầm nên đến 30/6/2006, cho vay nông nghiệp tăng thêm hơn 11 tỷ đồng, đạt 18,2 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/12/2006, tình hình sản xuất, chăn nuôi của người dân có phần ổn định lại, làm cho cho vay nông nghiệp giảm đi hơn 40%, còn đạt 10,5 tỷ đồng. Khách hàng có nhu cầu vay vốn tại Chi nhánh chủ yếu phục vụ trồng lúa và nuôi cá, một số nuôi thêm các loại gia súc: bò, heo,… hoặc kết hợp mua bán vật tư nông nghiệp: các loại phân bón, thuốc trừ sâu… Đặc biệt với việc giá cá và giá lúa đang có sự biến động lớn như gần đây, thị trường tiêu thụ không ổn định thì Chi nhánh đã ngày càng thận trọng hơn, chuyển hướng hạn chế đáp ứng nhu cầu vay này, đặc biệt là vay nuôi cá.

Đối với cho vay CBCNV, đây là loại hình vay tín chấp đã được đẩy mạnh từ trước khi Chi nhánh được thành lập. Hiện nay Chi nhánh đã phát triển được loại hình này ở một số huyện thị lân cận như Long Xuyên, Chợ Mới, Thoại Sơn, Châu Thành và nơi đặt hai Phòng Giao dịch Tân Châu, Châu Phú. Nhóm khách hàng mà Chi nhánh hướng đến là các cán bộ - nhân viên hoạt động trong các đơn vị: trường học, Phòng Giáo dục, các cơ sở y tế các cấp, Kho Bạc Nhà Nước, bưu điện, và một số sở ban ngành theo phê duyệt riêng của Phó tổng giám đốc khu vực.

Qua số liệu ở bảng 4 và 5, DSCV CBCNV đã có sự biến động, đạt 31,6 tỷ đồng vào 31/12/2005, sau đó giảm đi chỉ còn 19,9 tỷ đồng vào 30/6/2006, nhưng đến thời điểm 31/12/2006 DSCV đã tăng trở lại và đạt được 35,3 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2006, DSCV CBCNV đã giảm hơn 11 tỷ đồng tương đương 36,9%, điều này một phần là do địa bàn cho vay chưa được chú trọng đẩy mạnh, mặt khác cán bộ tín dụng không thể kiêm nhiệm hết khi mà DSCV loại hình SXKD gia tăng quá nhanh. Đến thời điểm 31/12/2006, cho vay CBCNV đã có gia tăng 76,9% tương đương 35,3 tỷ đồng, lúc này là khi Phòng Giao dịch Tân Châu và Châu Phú đã đi vào hoạt động, số lượng cán bộ tín dụng được gia tăng, công tác tiếp thị, giới thiệu tới các cơ quan xí nghiệp được đẩy mạnh, giúp cho lượng lớn cán bộ nhân viên quan tâm nhiều hơn đến loại hình vay tín chấp này, DSCV cũng được gia tăng.

Một số loại hình cho vay còn lại tuy cũng có biến động doanh số nhưng nhìn chung đều có xu hướng gia tăng. Sự gia tăng liên tục của tổng doanh số cho vay đã phần nào thể hiện sự tín nhiệm ngày càng cao của khách hàng đối với Chi nhánh, đối với Ngân hàng. Nguyên nhân của thành quả này một phần do chính quy chế cho vay của Ngân hàng ngày càng thông thoáng hơn, một phần nhờ vào tác dụng của công tác tiếp thị và sự nhiệt tình của đội ngũ nhân viên khi tiếp xúc, giải quyết hồ sơ khách hàng.

Một phần của tài liệu Luận văn "PHÂN TÍCH RỦI RO TÍN DỤNG TẠI SACOMBANK CHI NHÁNH AN GIANG " docx (Trang 28 - 30)