Lẽ dĩ nhiên, hướng tới bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta cũng cần có cách nhìn nhận công bằng. Sẽ sai lầm khi cho rằng, những gì của dân tộc trong quá khứ đều là những cái tốt, cái hay, cái đẹp mà không có những hạn chế, yếu kém. Trong quá trình CNH, HĐH, tìm về bản sắc văn hóa dân tộc, cũng cần đánh giá cho đúng những cái xấu, yếu kém trước tác động của nó để nhận thức cho đúng, để phê phán, khắc phục.
Sự thật là, trước những biến động chính trị phức tạp trên thế giới, không ít người còn dao động về chính trị, niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, phủ nhận thành quả của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Một số người mơ hồ, bàng quan hoặc mất cảnh giác trước những luận điệu thù địch, xuyên tạc, bôi nhọ chế độ ta. Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân, vị kỷ... đang gây hại cho thuần phong mỹ tục của dân tộc, không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Nghiêm trọng hơn là sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức, có quyền.
74
Ở Thái Nguyên hiện nay, làm thế nào để thực hiện CNH, HĐH mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc đang là vấn đề bức xúc đặt ra cho lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh. Điều đầu tiên phải thấy rằng, một trong những biện pháp để CNH, HĐH không chỉ đơn giản là nhập nội khoa học - kỹ thuật - công nghệ tiên tiến từ bên ngoài, mà là biết kết hợp các yếu tố nội sinh và ngoại sinh, trong đó, yếu tố nội sinh là gốc, là nền tảng. Bởi mục đích của HĐH không chỉ vì một cuộc sống tiện nghi, mà là phát triển con người và làm cho nền văn hoá của đồng bào các dân tộc ngày càng tiên tiến, hiện đại và ngày càng đậm đà bản sắc.
Mục tiêu của CNH, HĐH là đạt đến một nền văn hoá nhân văn - nền văn hoá người nhất: Nền văn hoá tất cả vì con người, con người ở đây được phát triển toàn diện, hài hòa mang tâm hồn, lý tưởng, sắc thái riêng. Theo phương châm đó, CNH, HĐH ở Thái Nguyên phải lấy văn hóa truyền thống làm nền tảng và động lực, lấy việc làm đậm dà bản sắc văn hóa làm mục tiêu.
Suốt 4000 năm lịch sử, những đặc trưng dân tộc Việt Nam trong đó có đồng bào các dân tộc trong tỉnh Thái Nguyên đã kết tụ nên những nét văn hóa riêng và rất đậm. Nó riêng với những đặc trưng như chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, tinh thần nhân ái, nhân văn, tinh thần cố kết cộng đồng, tình yêu lao động, cần cù chịu khó, tinh thần lạc quan yêu đời, óc thông minh sáng tạo, đức khoan dung, lòng cởi mở, hoà hợp, tế nhị, linh hoạt và tình cảm… Nó đậm bởi suốt hàng nghìn năm bị ngoại bang đô hộ, suốt hàng trăm năm bị xâm lăng bởi nhiều thế lực mạnh, nhiều khi nước mất nhưng những nét đặc trưng tinh thần cao đẹp đó không bao giờ mất.
Tiến hành CNH, HĐH, một mặt, để hoà vào được trình độ phát triển của cả nước, mặt khác, để giữ gìn được bản sắc văn hoá của mình, chúng ta cần phát huy các giá trị truyền thống để tiếp thu những thành quả khoa học - công nghệ - tin học hiện đại, lấy yếu tố nội sinh làm chủ thể, nghĩa là yếu tố nội sinh phải đóng vai trò quyết định trong việc định hướng các mối quan hệ
75
của chúng với các yếu tố ngoại sinh, còn các yếu tố ngoại sinh phải trở thành tố chất kích thích sự tiến hoá của các yếu tố nội sinh.
CNH, HĐH trên cơ sở định hướng với sự lựa chọn tối ưu là làm sao tích hợp được nhiều tinh hoa đặc sắc của nhiều nền khoa học - kỹ thuật - công nghệ và cách điều tiết nền kinh tế - xã hội một cách hợp lý, phù hợp với đặc điểm và điều kiện của tỉnh. Tiếp thu trên tư thế chủ động là điều kiện của việc xử lý mối quan hệ biện chứng nội sinh, ngoại sinh. Điều đó có nghĩa, chủ thể tiếp nhận phải có đủ kiến thức và trình độ đối thoại với đối tác một cách tự tin. Tiếp thu là lấy bản sắc văn hoá của mình làm gốc, lấy tiêu chí văn hoá dân tộc làm bộ lọc, tiếp thu các giá trị khoa học công nghệ - văn hoá hiện đại, lấy cái tiến bộ bổ sung cho những thiếu hụt trong văn hoá truyền thống, tạo thuận lợi cho văn hoá dân tộc phát triển.
Ở Thái Nguyên tiến hành CNH, HĐH để tiếp thu kinh nghiệm, phát triển kinh tế nhưng không bê nguyên xi các mô hình đã có sẵn mà phải cải biến, sáng tạo chúng thành các giá trị văn hoá mới của Thái Nguyên, sắp xếp lại các thang giá trị cho thích hợp, cải biến, sáng tạo ra các hình thức mới để biểu đạt sâu sắc nội dung giá trị văn hoá của tỉnh, tạo ra thế và lực phát triển văn hoá dân tộc của quê hương.
Qua đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy thì đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhất là đối với đồng bào dân tộc HMông. Chính vì còn nhiều khó khăn về kinh tế nên vấn đề lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh ít được chính quyền cơ sở và người dân bản địa quan tâm. Ở các xóm, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên, việc mặc đúng trang phục của mình trong các hoạt động văn hóa, sản xuất còn ít, cả bản hàng trăm nóc nhà chỉ còn vài bộ quần ào, đồ trang sức của các cụ già. Nhiều thanh niên trẻ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn biết dệt thổ cẩm, đan lát hoặc sử dụng các loại nhạc cụ của
76
dân tộc mình. Nhiều thanh niên đã xa lạ với thứ nhạc cụ đặc trưng của người HMông như thổi Khèn. Một ví dụ điển hình như tại xóm Tân Yên, xã Mỹ Yên (Đại Từ), những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Dao Lô Gang ở đây đã mai một. Đám cưới (chảu sìn cha) của người Dao Lô Gang có nhiều tập tục như: Lễ chạm ngõ (mìng nài); lễ ăn hỏi (quyể lầy), tổ chức đám cưới (chảu sìn cha)…nhưng giờ đã cắt giảm đi nhiều nên ngay cả những người ở bản Tân Yên khi xem đám cưới truyền thống phục dựng lại cũng thấy có nhiều cái quá lạ!
Tại huyện Định Hóa - Thái Nguyên, thực tế cho thấy, nhiều giá trị văn hóa dân gian quý hiếm của người Tày như múa rối Tày đang dần mai một và có nguy cơ thất truyền. Còn ở các địa phương khác trong tỉnh vẫn diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nhưng chỉ được tổ chức ở phạm vi nhỏ, tự phát ở một xóm, bản nào đó nên việc tuyên truyền, giáo dục, khả năng nhân rộng còn hạn chế. Tổ chức không có quy mô, tự phát nên ngay trong hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc còn tồn tại ít nhiều hủ tục cần loại bỏ để nâng cao giá trị văn hóa.
Hiện nay, một số địa phương trong tỉnh đã có chủ trương phục dựng đám cưới hay các lễ hội truyền thống là nhằm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể và qua đó sẽ làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân trong tỉnh. Ý nghĩa hơn là những hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh sống đoàn kết, yêu thương nhau và có tinh thần vươn lên thoát đói nghèo, lạc hậu nhất là trong quá trình thực hiện CNH, HĐH. Do vậy, hoạt động giữ gìn các giá trị văn hóa nói chung và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc nói riêng nên được quan tâm hơn nữa từ phía các cơ quan chuyên môn của tỉnh và sự vào cuộc có tránh nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã.
77
Sự phát triển văn hóa là khác với sự phát triển về kinh tế tuy nó có liên hệ với nhau. “Văn hóa nếu được hiểu là tri thức, là nhận thức, là giá trị, là thị hiếu, là truyền thống, là trình độ người của các quan hệ xã hội bao gồm các khả năng sáng tạo, các phong tục, tập quán, lối sống, nhân cách thì sự phát triển kinh tế không đồng nhất với sự phát triển văn hóa. Người ta biết quá trình CNH, HĐH sẽ cắt đứt mối dây liên hệ với truyền thống, làm ô nhiễm môi trường tự nhiên, làm cạn kiệt nhiên liệu, tác động hai mặt lên nhân cách…Và như vậy, khi các phương tiện thông tin liên lạc, sự trao đổi tư tưởng, ý thức hệ, chất lượng của đời sống vật chất có tăng nhưng đồng thời cũng làm suy giảm nhiều mặt trong quan hệ văn hóa, các giá trị tinh thần” [31, tr. 348].
Quá trình CNH, HĐH có khuynh hướng đồng nhất hóa các hệ thống tiêu chuẩn, xóa bỏ ranh giới dân tộc, duy nhất hóa các giá trị công nghệ. “Để ngăn chặn có hiệu quả quá trình đó, văn hóa phải thiết lập được các mặt bằng giá trị, nâng cao trình độ sáng tạo, khẳng định một cách mạnh mẽ các giá trị dân tộc, nhân bản độc đáo” [41, tr. 349].
Việc đặt ra vấn đề phát triển văn hóa là do quá trình CNH, HĐH của các nước phát triển đã tạo ra những phản văn hóa trên phạm vi toàn cầu. Nhiều nước đang phát triển, CNH, HĐH không thành công cũng vì coi nhẹ văn hóa. “Việc tìm lại các giá trị, các bản sắc văn hóa dân tộc của nhiều nước đang phát triển sau khi giành được độc lập cũng là một nguyên nhân mạnh mẽ buộc phải chú ý đến sự phát triển văn hóa” [41, tr. 350].
Với tư cách là trình độ người của các quan hệ xã hội, việc phát triển văn hóa là phát triển tiềm năng, giải phóng tiềm năng của con người. Nâng cao nhận thức, cổ vũ các hoạt động sáng tạo, bảo lưu các giá trị là cơ sở để phát triển cả kinh tế, văn hóa, xã hội. “Văn hóa gắn liền với các truyền thống, tạo ra những bản sắc. Việc phát triển văn hóa là phát triển các bản sắc, tức là các con đường, các khả năng sáng tạo của mỗi dân tộc. Phát triển văn hóa tức là phát triển quyền con người, quyền dân tộc, bởi vì con người và bản sắc dân tộc kết tinh trong văn hóa” [41, tr. 351].
78
Như vậy, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong quá trình CNH, HĐH thì việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc ở Thái Nguyên vẫn còn gặp phải những mặt hạn chế của quá trình này. Đó là hệ thống các giá trị (nhất là giá trị văn hoá phi vật thể) đã và đang trong tình trạng rạn nứt, thậm chí còn bị phá vỡ. Bởi chúng ta đều biết rằng, văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc thường được tồn tại và được nuôi dưỡng từ gia đình, dòng họ trong làng bản. Tuy nhiên, trải qua chiến tranh tàn phá và trong quá trình giao lưu văn hóa, những nét văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Thái Nguyên đã bị mai một, pha tạp, tình trạng phai nhạt bản sắc văn hóa đang diễn ra rất nhanh chóng và phổ biến, đó là việc mất dần nhà sàn, thờ ơ với trang phục truyền thống, quên đi tiếng nói, quên những điệu hò, dân ca. Nhất là lớp trẻ ngày nay đang dần quên đi những giá trị văn hóa truyền thống mà lớp lớp cha ông đi trước đã để lại. Mặt khác, việc đầu tư cho công tác bảo tồn những nét văn hóa truyền thống bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể vẫn chưa nhiều, chưa mạnh. Hoạt động văn hoá nghệ thuật tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Công tác giao lưu văn hoá tuy có phát triển nhưng chưa mạnh, nội dung còn nghèo nàn. Bên cạnh đó, các dân tộc trên địa bàn chưa thể hiện được những nét văn hoá riêng có của dân tộc mình. Phương tiện cơ sở vật chất và cán bộ làm công tác văn hoá ở các cấp với trình độ, năng lực còn chưa đồng đều… Các dịch vụ văn hoá phát triển nhanh, mạnh, đa dạng nhưng khâu quản lý thiếu chặt chẽ nên đã gây ảnh hưởng đến an ninh - trật tự xã hội, các loại hình văn hoá đồi trụy vẫn còn tồn tại và đang dần xâm nhập vào gia đình, xã hội…
Những mặt hạn chế của quá trình CNH, HĐH tác động đến giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở Thái Nguyên là do những nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số còn thấp ở nhiều phương diện, nhất là gắn liền với quá trình CNH, HĐH, kiến thức về khoa học, công nghệ để áp dụng vào lao động sản xuất phục vụ cho phát triển
79
kinh tế - vốn là nền tảng vật chất của xã hội. Hệ quả là làm cho kinh tế chậm phát triển, đời sống đồng bào khó khăn, nghèo đói, dẫn đến sự hiểu biết về giữ gìn bản sắc văn hoá còn hạn chế…
Thứ hai: Đồng bào các dân tộc ở đây chưa hiểu hết được tính hai mặt của quá trình CNH, HĐH, nhận thức chưa đầy đủ vai trò của văn hoá trong phát triển kinh tế - xã hội, xem nhẹ văn hoá so với kinh tế. Sự không đồng nhất về sắc thái văn hoá địa phương và tộc người cũng là một yếu tố gây cản trở cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, bởi mỗi dân tộc đều mang một nét văn hoá đặc thù riêng có.
Thứ ba: Công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vẫn chưa được chú trọng. Cán bộ làm công tác văn hoá chưa thật sự khai thác hết bản sắc của mỗi dân tộc, lớp trẻ ngày nay chỉ quan tâm đến văn hoá thời hiện đại mà quên dần những bản sắc văn hoá truyền thống của cha ông đã để lại…
Với những nguyên nhân nêu trên đã đặt ra một số vấn đề trong quá trình CNH, HĐH của tỉnh nhà.
2.3.3 Những vấn đề đặt ra đối với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở Thái Nguyên hiện nay