Hiện nay, Công ty Trung Nguyên cùng các đối tác đang triển một dự án đầy tham vọng - G7 Mart. Theo đó, nhóm thực hiện dự án này sẽ tranh thủ khoảng thời gian quá độ để triển khai một hệ thống gồm 100 trung tâm phân phối, 500 cửa hàng tiện lợi và 5.000 cửa hàng thành viên trên cả nước. Đây có thể là một cách đi phù hợp, vì G7 chọn cho mình một mô hình riêng, phù hợp với những thị trường nhỏ và thói quen mua bán của người
dân Việt Nam khi thiết lập nên một hệ thống các cửa hàng G7 nhiều quy mô, phù hợp với với từng địa bàn cụ thể.
Trong khi đó với tham vọng củng cố vị trí nhà phân phối số một của Việt Nam, Saigon Coopmart đã đề ra mục tiêu cụ thể là đến 2010 sẽ có 40 siêu thị trên địa bàn cả nước. Mở rộng và đầu tư trang thiết bị hiện đại cho trung tâm phân phối để đủ sức dự trữ hàng hoá lớn cho các kênh phân phối trong hệ thống, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 vào công tác quản lý.
Tổng công ty Thương mại Sài Gòn đã đề ra chương trình phát triển hệ thống phân phối của mình bằng cách nâng cấp các cơ sở hiện có như: xây dựng mới các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ đấu mối lớn với số vốn mỗi dự án lến đến hàng chục - hàng trăm tỷ đồng. Trung tâm bán hàng chuyên ngành có quy mô quốc gia; liên kết với với các doanh nghiệp trong nước xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị ở các địa phương lớn như: Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt với số vốn đầu tư mỗi dự án từ 40-100 tỷ đồng...
Công ty Xuất nhập khẩu Intimex cũng đề ra chiến lược xây dựng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại 3 cấp bao gồm: hệ thống cửa hàng tự chọn phục vụ cho từng khu vực dân cư trong bán kính hẹp với nhu cầu mua sắm nhanh các mặt hàng thiết yếu; hệ thống siêu thị bán lẻ phục vụ đông đảo đối tượng người tiêu dùng với các mặt hàng trung bình thiết yếu trong cuộc sống thường nhật; hệ thống trung tâm thương mại phục vụ cho các đối tượng có khả năng mua sắm hàng cao cấp, khách du lịch, gắn liền với các dịch vụ giải trí, làm đẹp...