Với điều kiện địa lý thuận lợi của một địa phương có bờ biển dài, lượng gió nhiều và phân bổ khá đều quanh năm, tính đến cuối tháng 1 năm 2012 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xây dựng 16 dự án điện gió với tổng công suất dự tính khoảng 1.300 MW. Trong đó có 5 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 9 dự án đã hoàn thành báo cáo đầu tư trình xin cấp giấy chứng nhận, 2 dự án đang trong giai đoạn khảo sát lập hồ sơ dự án đầu tư.
Trong số 16 dự án nói trên, Dự án Nhà máy điện gió Tuy Phong, đặt tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đầu tư được triển khai đầu tiên.
Toàn bộ dự án, khi hoàn thành, sẽ có 80 tuabin với tổng công suất 120 MW, sử dụng công nghệ hiện đại của Cộng hòa liên bang Đức.
Giai đoạn 1 của dự án gồm 20 trụ điện gió (tuabin) chiều cao cột 85 m, đường kính cánh quạt 77 m, công suất 1,5 MW/tuabin; tức tổng công suất của giai đoạn này là 30 MW. Và mỗi năm dự tính sản xuất khoảng gần 100 triệu kWh điện. Đến cuối quý 1 năm nay, giai đoạn 1 đã hoàn thành cơ bản; bao gồm các khâu lắp đặt, đưa vào vận hành và đấu nối với lưới điện quốc gia. Và Nhà máy điện gió Tuy Phong 1 đã chính thức được khánh thành, đi vào hoạt động từ ngày 18/4/2012. Đây cũng là nhà máy điện gió đầu tiên của cả nước chính thức đi vào hoạt động. Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của dự án chuẩn bị khởi công xây dựng và lắp đặt 60 trụ điện gió (hay tuabin), nâng tổng công suất của toàn bộ Nhà máy Phong điện Tuy Phong lên 120 MW.
Ở tỉnh Bình Thuận, sau Dự án Tuy Phong đã hòa mạng lưới điện quốc gia giai đoạn 1 và chuẩn bị thi công giai đoạn 2, dự án điện gió ở đảo Phú Quý với 3 tuabin, tổng công suất 6 MW đã lắp đặt xong và thử vận hành an toàn, bình thường. Nguồn điện gió Phú Quý, khi chính thức hòa vào dòng điện của nhà máy điện Diesel hiện có tại đảo, thì đảo Phú Quý sẽ có điện 24/24 giờ.
CHƯƠNG 4. ỨNG DỤNG PHẦN MỀM LFE ĐỂ MÔ PHỎNG PHÂN BỐ DÒNG CÔNG SUẤT LƯỚI ĐIỆN 110KV BÌNH THUẬN KHI CÓ SỰ
THAM GIA CỦA NGUỒN ĐIỆN GIÓ