Con không sống cuộc sống dị tính, cha mẹ thất vọng, day dứt và lo lắng

Một phần của tài liệu Sống trong một xã hội dị tính câu chuyện 40 người nữ yêu nữ (Trang 34 - 36)

3. CHA MẸ PHẢN ĐỐ

3.2.Con không sống cuộc sống dị tính, cha mẹ thất vọng, day dứt và lo lắng

Sự phản đối của cha mẹ không chỉ xuất phát từ những quan niệm tiêu cực về đồng tính luyến ái nêu trên. Còn một lý do quan trọng nữa, đó là vì con họ không sống một cuộc sống dị tính theo kỳ vọng của cha mẹ, một cuộc sống được xã hội thừa nhận.

Thất vọng và níu kéo

Trừ trường hợp con thể hiện rất rõ xu hướng từ khi còn bé, đa số cha mẹ đều nghĩ con gái mình lớn lên sẽ yêu con trai, lấy chồng, sinh con cái. Đa số hy vọng con gái mình sẽ gặp một người chồng tốt, có những đứa con khỏe mạnh, xinh xắn và ngoan ngoãn. Nhiều gia đình còn dạy con gái nội trợ, dạy tính cách dịu dàng đảm đang, để mai này làm vợ.

Biết con gái yêu nữ, đối với cha mẹ, có nghĩa là những kỳ vọng, những ước mơ đó có nguy cơ đổ vỡ. Đa số cha mẹ có xu hướng cố gắng thay đổi con. Nhìn chung cha mẹ muốn con từ bỏ tình yêu nữ, không phải chỉ để không yêu nữ, mà quan trọng là để có quan hệ với nam giới, lấy chồng, sinh con, tức là sống một cuộc sống dị tính. (Cách tác động của cha mẹ chúng tôi sẽ trình bày ở đoạn sau trong câu chuyện này.)

Có những gia đình qua thời gian thì quen dần với việc con mình yêu nữ, nhưng có những nhà mãi vẫn không quen được. Gia đình Nguyên không muốn tin chuyện con gái yêu nữ là nghiêm chỉnh, chỉ coi đó là chuyện trẻ con, mặc dù con gái họ đã yêu nữ từ hồi cấp ba cho đến giờ cô đã 26 tuổi. Nguyên nói cha mẹ không tin vì vẫn hy vọng cô sẽ lấy chồng. Không ít gia đình khăng khăng con mình “ngộ nhận” chứ không phải là có xu hướng yêu cùng giới. Một bạn gái xác định mình là bisexual (lưỡng tính luyến ái) cho chúng tôi biết vì cô đã từng yêu nam giới và đã từng suýt lấy chồng, nên mẹ không thể nào chấp nhận được việc giờ cô yêu một người con gái. Mặc dù mẹ cô là người có hiểu biết, có tiếp cận thông tin, hiểu rằng tình yêu cùng giới tồn tại thực sự, và biết trong tình yêu với người yêu hiện giờ cô rất hạnh phúc, nhưng mẹ không thể chấp nhận mà muốn cô phải cứng rắn mà từ bỏ (Trâm 27 tuổi). Day dứt vì con đi trái lẽ thường

Nỗi khổ tâm của nhiều bậc cha mẹ không đơn giản là không đạt được một ước nguyện cá nhân “con có chồng, mẹ có cháu bế”, mà còn chịu tác động của quan niệm về những gì được coi là bình thường trong xã hội. Nghe chuyện của những người nữ yêu nữ với cha mẹ của họ, chúng tôi hiểu rằng đối với nhiều bậc cha mẹ, việc phụ nữ lấy chồng và sinh con là một cái lẽ thường phải thế, một quy tắc cần phải tuân theo. Con gái yêu nữ có nghĩa là không chịu làm theo cái lẽ thường, cái quy tắc đó.

33

Rất nhiều cha mẹ không muốn con như vậy. Mẹ của Nina khuyên cô: “Mày đừng có lập dị như thế, đừng có sống khác người như thế.” Một số cha mẹ thấy cái lẽ thường này là đương nhiên, đến mức gọi nó là “quy luật tự nhiên”. Đáng chú ý là quy luật này gọi là “tự nhiên” nhưng gắn liền với định kiến của xã hội, như mẹ của Lân nói với cô: “Phải theo tự nhiên, chứ bây giờ mày đi trái tự nhiên thì tự tách mày ra khỏi thế giới.”

Những lời của cha mẹ nói về vấn đề này nhấn mạnh một từ “phải”—phải làm, dù nó đi ngược với ý muốn của bản thân mình, dù nó cầm chắc không mang lại hạnh phúc. Bố mẹ Dung nói: “Kể cả buồn chán, kể cả không thích thì vẫn phải theo, vì đấy là quy luật.” Mẹ của Nina còn khẳng định: “Mày tưởng tao thích đàn ông à? Tao cũng chẳng thích đàn ông tí nào, nhưng đã là phụ nữ thì phải lấy chồng, đẻ con.”

Một cô gái khác kể với chúng tôi rằng cô đã từng nghĩ mẹ cô rất thoáng, vì bà có thể chấp nhận nếu con gái mình không chồng mà có con, nhưng khi con gái yêu nữ thì bà không thể chấp nhận. Một nhóm bạn gái công nhận với chúng tôi là có những gia đình suy nghĩ như vậy. Họ giải thích đó là dù không chồng mà có con được coi là điều không hay, nhưng dù sao thì cũng có con, và có con được quan niệm là đồng nghĩa với người bình thường, còn nếu không có con và là les, thì không được coi là người bình thường.

Không chỉ việc chồng con, mà kể cả ngoại hình của một số SB cũng bị gia đình coi là chướng mắt, khó chấp nhận. Sau khi Dung cắt tóc ngắn, ăn mặc kiểu nam tính, mẹ cô thường bảo: “Trông mày như con điên ý. Ăn mặc chẳng giống ai, dở ông dở thằng.” Mẹ Minh không thể thay đổi việc con mình yêu nữ, nhưng muốn con ăn mặc nữ tính, mặc dù đó hoàn toàn trái với tính cách của cô. Huệ thì sau khi chuyển từ tóc dài thành tóc ngắn (nhưng là tóc kiểu nữ) và mặc quần bò, áo phông (khỏe khoắn, chứ không giống con trai), đã phải nghe rất nhiều lời chê từ cả đại gia đình. Mẹ cô thấy con mình trông “dị hợm”. Mẹ dẫn cô đi mua quần áo và rất buồn khi cô chọn mua áo phông chứ không mua áo hoa mà mẹ cho là đẹp.

Lo con sẽ phải khổ

Một số người giải thích với chúng tôi rằng cha mẹ không thể chấp nhận cũng vì lo con sẽ khổ. Cha mẹ lo con yêu nữ sẽ không đi đến đâu: không được sự ủng hộ của hai bên gia đình, không thể kết hôn, không có con cái, tức là không có ràng buộc, thì sẽ tan vỡ. Cha mẹ lo khi mình đã mất đi, con lớn tuổi sẽ cô đơn một mình. Cha mẹ lo con sẽ bị xã hội kỳ thị, phân biệt, xã hội Việt Nam sẽ không chấp nhận. Vì vậy mà cha mẹ mong muốn con từ bỏ yêu nữ, quay sang yêu nam, lấy chồng, đẻ con.

Nỗi lo lắng của cha mẹ là có cơ sở thực tế, vì quan niệm phổ biến trong xã hội ta vẫn coi tình yêu, gia đình dị tính là bình thường, là chuẩn mực, còn tình yêu, quan hệ cùng giới vẫn là “hiện tượng” đáng chú ý, thậm chí là “có vấn đề”. Luật pháp cũng không cho phép hai người cùng giới kết hôn. Tuy nhiên, đáng chú ý ở đây là một cái vòng luẩn quẩn: một mặt cha mẹ lo con không được sự chấp nhận, ủng hộ thì con khổ, nhưng mặt khác chính cha mẹ góp phần không nhỏ vào sự không chấp nhận đó.

Cha mẹ lo con khổ có lẽ chính vì cha mẹ muốn con hạnh phúc. Như vậy một điều đáng chú ý nữa là các câu chuyện (và các cuộc tranh cãi) giữa cha mẹ và con thường chỉ xoay quanh việc con không lấy chồng, chứ dường như rất ít cha mẹ nghĩ đến hạnh phúc của con với người yêu cùng giới. Một bà mẹ chúng tôi gặp có chuẩn bị tư tưởng là con mình không lấy chồng thì sẽ ở vậy và sống với mẹ cả đời, chứ không nghĩ đến việc con có thể tìm và xây dựng hạnh phúc

34

riêng của mình với một người con gái mà cô yêu. Có lẽ điều này cũng dễ hiểu, vì cha mẹ nhìn chung biết rất nhiều các gia đình dị tính, chứ rất ít người biết đến gia đình hai nữ, nên khó có thể nghĩ con mình sẽ gây dựng được một cuộc sống hạnh phúc với người cùng giới.

Một phần của tài liệu Sống trong một xã hội dị tính câu chuyện 40 người nữ yêu nữ (Trang 34 - 36)