2. COME OUT VÀ BỊ LỘ
2.2. Số người chủ động nói với cha mẹ là có, nhưng ít.
Trong những người chúng tôi gặp, có 19 người cha mẹ đã biết, thì trong đó chỉ có ba người chủ động nói cho cha mẹ biết. Điều đó cho thấy việc chủ động come out với cha mẹ có quá nhiều khó khăn, rào cản. Ba người là ba tính cách, ba hoàn cảnh khác nhau, và là một số rất ít để có thể đưa ra kết luận gì. Tuy nhiên, chúng tôi có cảm nhận rằng việc chủ động nói ra cho cha mẹ biết là một bước đi táo bạo, mà khi thường rất khó thực hiện, nhưng khi có hoàn cảnh nào đó thúc đẩy, yếu tố nào đó dồn nén, thì người ta dễ bước qua hơn.
Hoàn cảnh đó có thể là biến cố tình cảm. Với Jenny chẳng hạn, ban đầu cô không định nói với cha mẹ. Cá nhân cô mong không phải giấu giếm, đã từng nghĩ đến việc nói ra với cha mẹ, nhưng không làm được vì cô có nhiều thứ để mất—niềm vui của cha mẹ, sự bình yên của gia đình, tương lai của bản thân. Rồi cô trải qua chuyện trục trặc trong tình cảm với người yêu, hai người chia tay. Trong những lúc xáo trộn tâm lý khi đó, cô lại có những lúc nghĩ đến việc nói với cha mẹ. Vừa đau đớn vì mất người yêu, lại còn phải trả vờ với cha mẹ như không có chuyện gì xảy ra, đó chẳng phải chuyện dễ dàng. Trong hoàn cảnh đó, cuối cùng cô đã làm cái việc mà trước đó cô không dám: nói với cha mẹ rằng cô yêu nữ.
Trường hợp của Kim thì khác, nhưng cũng tương tự ở chỗ có hoàn cảnh thúc đẩy chị nói ra. Kim 32 tuổi, yêu nữ mà không dám nói với mẹ, thậm chí đã có những lần cố lấy chồng nhưng không làm được. Cuộc đời Kim đã qua nhiều sóng gió, va chạm với nhiều chuyện không hay
26
trong xã hội. Khi mẹ Kim gặp người yêu của chị, bà nghĩ đó là bạn bè xấu, chỉ có ý lợi dụng con mình nên bà ngăn cản. Trong hoàn cảnh này, để bảo vệ tình cảm với người mình rất yêu, Kim mới nói với mẹ để mẹ hiểu hai người yêu thương nhau chứ đó không phải là bạn xấu. Qua một chút giao lưu với cộng đồng les ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi có cảm giác dường như ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều người đã chủ động nói với cha mẹ hơn ở Hà Nội. Chúng tôi không làm nghiên cứu ở thành phố Hồ Chí Minh nên không thể so sánh. Khi trao đổi với những người nữ yêu nữ ở Hà Nội, nhiều người cũng nhận xét rằng miền Nam thoáng hơn miền Bắc, cả trong gia đình và ngoài xã hội, miền Bắc thì phong kiến và khắt khe hơn. Liệu có phải người nữ yêu nữ ở miền Nam come out được nhiều hơn, có điều kiện để
sống thật nhiều hơn hay không? Nếu có thì vì sao như vậy? Đây là câu hỏi đáng để tìm hiểu.