Hình 4.6: Ảnh vệ tinh vịnh Đà Nẵng
Hình 4.6 cho thấy khu vực tính toán thực tế bằng mô hình nước nông phi thủy tĩnh đã đề xuất trong chương trước.
Vịnh Đà Nẵng được bao bọc bởi hai dãy núi Hải Vân và Sơn Trà, hình thành từ một nhánh của dãy Trường Sơn. Từ Đông Bắc Trường Sơn đâm thẳng ra biển, điểm chấm cuối cùng là hòn Chảo. Nhánh của dãy Trường Sơn này làm thành một vòng cung từ Đông Bắc chạy xuống Tây Nam, liên kết với dãy đất liền và bán đảo Sơn Trà, thành một hình vòng cung tạo thành vùng vịnh. Là một vùng kín gió, ít sóng, tạo nên 77 điểm neo đậu tàu thuyền an toàn. Vịnh còn có hai con sông đổ ra biển là sông Hàn và sông Cu Đê, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình hiếm có.
Bán đảo Sơn Trà còn có tên là núi Tiên Sa, gắn với truyền thuyết là nơi có cảnh vật tuyệt đẹp đã quyến rũ các nàng tiên trên trời xuống vui chơi, thưởng ngoạn. Các bãi biển quanh bán đảo với cát trắng phau, nước xanh ngắt là những điểm du lịch lý tưởng, là nơi cung cấp nước
ngọt cũng như là điểm nghỉ chân cho ngư dân trước khi ra khơi.
Phía Tây Bắc bán đảo có các bãi biển đẹp như bãi Tiên Sa; bãi Đá Đen có nhiều gành đá kéo dài ra biển; bãi Bang, bãi Miếu nằm dưới chân núi Cổ Ngựa; bãi đá Sũng Am, bãi Bắc. Phía Đông Nam có bãi Nam là bãi tắm lý tưởng và an toàn cả 4 mùa; bãi Rạng có nhiều con suối lớn từ núi đổ xuống, bãi tắm sạch, như ở chốn bồng lai tiên cảnh; bãi Bụt nằm ở phía Tây Nam, trong cùng của hệ thống bãi biển thuộc phía đông nam của bán đảo Sơn Trà, không những có vẻ đẹp thiên nhiên kỳ ảo, địa thế thác ghềnh, núi non kỳ vĩ và có những câu chuyện dân gian thắm đượm màu sắc tâm linh nên người xưa gọi nơi đây là bãi Bụt.
Đối diện với Sơn Trà, hòn Chảo (hòn Sơn Trà con) là điểm cuối nếu tính từ cửa sông Cu Đê, dọc theo đèo Hải Vân, ngang qua hòn Hành, làng Vân đâm thẳng ra biển. Hòn Chảo có hình dạng giống như con nghêu, hay cái chảo úp ngược, xung quanh có nhiều rạng đá và là môi trường tốt cho các loài cá, tôm đến cư trú và cũng là nơi cho tàu thuyền neo đậu an toàn.
Về địa hình, vịnh Đà Nẵng là nơi có địa hình biến đổi khá phức tạp, đường bờ có nhiều chỗ khúc khuỷu phức tạp, nếu áp dụng tính toán thành công cho khu vực này với bài toán thủy triều thì khả năng áp dụng tính toán cho các khu vực khác là có thể thực hiện dễ dàng. Luận văn lựa chọn áp dụng cho bài toán thủy triều ven bờ trong khu vực vịnh Đằ Nẵng làm điều kiện áp dụng của mô hình đã xây dựng.