3.1. Một số giải pháp
- Tăng cường rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho sinh viên nhất là sinh viên năm thứ nhất
Nhà trường phải quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu hoạt động tập thể của sinh viên để có thể tổ chức nhiều và thường xuyên hơn các hoạt động ngoại khoá giúp sinh viên phát triển kỹ năng của mình.
Phổ cập rộng rãi về những hoạt động ngoại khoá để thu hút nhiều hơn nữa sinh viên tham gia.
Đổi mới và áp dụng các phương pháp học tập nhằm nâng cao kĩ năng của sinh viên, như tăng cường hình thức làm bài tập lớn theo nhóm, thuyết trình, các buổi thảo luận…
Trong cuộc sống, trong giao tiếp hàng ngày con người luôn phải ứng phó với biết bao tình huống, có lúc dễ dàng xử lý, có lúc thật phức tạp, khó xử. Xã hội càng văn minh thì nhu cầu trong giao tiếp của người càng cao. Ứng xử một cách thông minh, khôn khéo, tế nhị, kịp thời, có hiệu quả, đạt tới mức độ nghệ thuật, ngày nay còn được coi như bí quyết thành công trong cuộc đời, công việc. Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng cực kỳ quan trọng của sinh viên, khả năng giao tiếp của sinh viên vẫn còn nhiều hạn chế, vậy để có được những kết quả khả quan thì đòi hỏi có sự nỗ lực từ hai phía nhà trường cũng như là sinh viên. Giao tiếp là một hoạt động mà không riêng sinh viên mà mọi người nói chung đều cũng phải đối mặt thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi, từ đơn giản đến phức tạp, từ với một người đến đám đông. Để hoàn thiện, cần cả một quá trình và đôi lúc cần được học bài bản. Bởi có được sự thiện cảm trong giao tiếp, chúng ta sẽ dễ dàng hơn khi thực hiện được nhiều điều mong muốn…
- Cần có sự định hướng của Nhà trường thầy cô trong các hoạt động giao tiếp của sinh viên: Chính sinh viên cũng phải chủ động trong việc tìm gặp giảng viên khi cần đến sự hướng dẫn để nâng cao năng lực bản thân, không ngừng trao đổi xin góp ý của giảng viên để hoàn thiện khả năng của mình.
Bên cạnh đó, giảng viên khi giảng dạy cũng khuyến khích, động viên sinh viên rèn luyện kỹ năng diễn đạt ý kiến trước mọi người bằng cách lắng nghe không phê phán, không đánh giá khi sinh viên phát biểu ý kiến, thay vì để sinh viên tự nguyện thuyết trình bài của nhóm thì chỉ định sinh viên lên thuyết trình và sau đó trong phần tổng hợp giảng viên khéo léo để sinh viên nhận ra cái gì đúng, cái gì sai. Trước khi giao bài thuyết trình cho sinh viên làm nhóm, giảng viên cũng nên hướng dẫn sinh viên cách làm một bài thuyết trình, cách trình bày như thế nào. Từ đó, sinh viên sẽ biết cách giải quyết, phối hợp các thành viên trong nhóm để làm tốt bài tập thầy cô giao.
Nhà trường cũng nên chú trọng giảng dạy kỹ năng giao tiếp cho sinh viên tất cả các khoa (chứ không chỉ ở một số khoa như hiện nay) và giảng dạy về giao tiếp không chỉ bằng những kiến thức lý thuyết khô cứng mà phải để sinh viên thực hành bằng chính các tình huống trong thực tế hay các tình huống trên lớp, diễn kịch, sắm vai,… để sinh viên học tập một cách chủ động, từ đó có ý thức rèn luyện kỹ năng giao tiếp ngày một hoàn thiện và tốt hơn.
Ngoài ra, nhà trường cũng như các khoa có thể tổ chức những hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên phát triển kỹ năng của mình như: các câu lạc sinh hoạt về nghề nghiệp, các sinh hoạt chuyên đề,… qua đó sinh viên sẽ có điều kiện để giao tiếp, phát triển kỹ năng giao tiếp và tạo lập các mối quan hệ cũng như biết bản thân đang thiếu gì để rèn luyện, chuẩn bị cho tương lai.
Tóm lại, giao tiếp là hoạt động cơ bản trong đời sống hằng ngày của mỗi con người và trong mọi ngành nghề, để thành công, con người cần có sự hợp tác, bổ trợ, giúp đỡ, hay tối thiểu là góp ý từ nhiều phía. Đặc biệt, đối với sinh viên đang trong quá trình học tập tích lũy tri thức để ngày mai lập nghiệp
thì giao tiếp có vai trò không nhỏ đối với việc học tập, công việc và nghề nghiệp của bản thân mỗi người. Vì vậy, để phát triển kỹ năng giao tiếp đòi hỏi sinh viên phải có một quá trình rèn luyện, tích lũy và tiến bộ.