Lịch sử, đúng như C. Mác từng khẳng định, chẳng qua chỉ là sự hoạt động của con người theo đuổi những mục đích nhất định. Điều này cũng có nghĩa chính con người đã sáng tạo ra lịch sử. Nhưng như chúng ta biết, con người chẳng qua cũng chỉ là sản phẩm của sự phát triển lịch sử. Theo quan điểm duy vật về lịch sử, con người tạo ra hoàn cảnh ở mức độ nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người ở mức độ ấy. Rõ ràng, con người vừa tạo ra lịch sử lại vừa chính là sản phẩm của lịch sử, chính các quá trình lịch sử đã tạo nên bản thân con người nói chung và ý thức, tư duy của con người nói riêng.
Tư duy của con người không những là sản phẩm của lịch sử mà cụ thể hơn, tư duy của con người chính là sản phẩm trực tiếp của những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể. Sự gắn liền với đời sống sinh động đã nói lên tính chất thực tiễn của tư duy mặc dù khi khu biệt nó ta nhận thấy tư duy phản ánh hiện thực một cách gián tiếp.
Tư duy là một bộ phận của hoạt động tinh thần của con người, cũng như các dạng hoạt động tinh thần khác phản ánh tồn tại xã hội, tư duy cũng có tính độc lập tương đối nhất định. Nhưng cũng như các dạng hoạt động tinh thần khác của con người, tư duy bao giờ cũng bị qui định, bị phụ thuộc bởi hiện thực xã hội. Mà như chúng ta biết, trong tồn tại xã hội thì nhân tố quan trọng nhất là phương thức sản xuất. Phương thức sản xuất xã hội như thế nào sẽ tạo nên một dạng tư duy tương thích và sự biến đổi của phương thức sản