33
Trong đời sống xã hội, con người bao giờ cũng có xu hướng kết hợp lại với nhau thành các nhóm hay các tổ chức. Đặc tính này của con người không phải mới xuất hiện ở xã hội hiện đại mà nó có từ khi xuất hiện xã hội loài người. Đặc tính này được hình thành trước hết do một nhu cầu mang tính bản năng của sự tồn tại và phát triển của bản thân loài người, sau đó trong quá trình phát triển lịch sử tính chất bản năng vốn có ấy bị lu mờ đi bởi các quan hệ xã hội khác. Thế nhưng xu hướng kết hợp lại, tập hợp lại của xã hội loài người thành các nhóm, các cộng đồng vẫn là xu hướng chính của đời sống con người.
Nghiên cứu sự hoạt động của con người trong xã hội hiện đại, ta nhận thấy, một con người tham gia vào một tổ chức hay một nhóm xã hội nào đó chỉ vì do khi hành động độc lập họ không thể đạt được mục đích của mình. Mặt khác, một tổ chức khi hình thành bao giờ cũng nhằm đạt tới một mục đích nhất định. Chính vì thế, vấn đề đặt ra là, làm thế nào để mục đích của từng cá nhân riêng lẻ được quy tụ lại trong một tổ chức không những không triệt tiêu nhau mà lại phù hợp hay thống nhất với nhau và hơn thế lại thống nhất với mục đích chung của tổ chức. Từ thực tế đó mà nảy sinh nhu cầu nội tại của mọi tổ chức, mọi nhóm xã hội là cần phải có người đảm nhiệm công việc quản lý và lãnh đạo. Không có một tổ chức nào hoạt động có hiệu quả và tồn tại được nếu không có người đứng đầu, người lãnh đạo. Như thế, người lãnh đạo và công tác lãnh đạo xuất hiện là mang tính tất yếu. Nó xuất hiện là nhằm thỏa mãn những đòi hỏi thiết yếu của đời sống xã hội. Vậy thì, lãnh đạo và công tác lãnh đạo là gì?
Lãnh đạo thực chất là quá trình tác động đến con người làm sao cho họ nhiệt tình và hăng hái trong công việc nhằm đạt được những mục đích nhất định của một tổ chức hay một nhóm xã hội. Người ta có thể xem xét công tác lãnh đạo như một quá trình tác động qua lại - tức tương tác giữa chủ thể (người lãnh đạo) và khách thể (người bị hay được lãnh đạo). Lãnh đạo là quá trình chủ thể lãnh đạo tác động đến khách thể lãnh đạo nhằm điều khiển
34
khách thể theo một mục tiêu nhất định. Trong quá trình đó, chủ thể lãnh đạo cũng thu nhận được những tác động từ phía khách thể lãnh đạo.
Rõ ràng, trong các hoạt động xã hội thì lãnh đạo là một dạng hoạt động đặc biệt. Người lãnh đạo trong đa số trường hợp không trực tiếp tạo ra sản phẩm mang giá trị sử dụng cụ thể của đời sống, nhưng họ lại là người vạch ra phương hướng, kế hoạch, tổ chức, quản lý và chỉ đạo các hoạt động sáng tạo ra sản phẩm nhằm thỏa mãn một cách trực tiếp hay gián tiếp các nhu cầu vật chất và tinh thần của đời sống xã hội.
Trên thế giới người ta khẳng định lãnh đạo là một nghề và được nhìn nhận như mọi nghề nghiệp khác, có qui trình riêng của nó. Nhưng ở Việt Nam rất ít khi nghe nói đến nghề lãnh đạo. Điều này có lẽ do nhận thức của xã hội ta hiện nay - nhận thức này xuất phát có thể do mấy chục năm qua trong hệ thống giáo dục của ta không có xu hướng đào tạo một cách có hệ thống những con người sau khi ra trường chỉ để làm công tác lãnh đạo một cách chuyên nghiệp.
Thực tế này khác xa với nhiều nước và cũng rất khác với truyền thống đào tạo của dân tộc. Ngày trước các nho sinh dùi mài kinh sử để thi đỗ làm quan. Không nói tới nội dung tri thức mà chỉ riêng về mục đích học tập cũng đã là sự định hướng cho họ ra đời để làm người cai trị dân, người lãnh đạo. Vì vậy, trong quá trình học tập, tu dưỡng họ buộc phải khuôn theo các chuẩn mực và khuôn mẫu của các nhà lãnh đạo - những người dẫn dắt dân.
Nhà tư tưởng đồng thời là nhà giáo dục nổi tiếng Khổng Tử đã nêu ra nguyên lý và được coi là khuôn mẫu chuẩn mực của giáo dục truyền thống. Đó là: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Hay chỉ cần một câu nói của Mặc Tử - một nhà tư tưởng lớn ở Trung Quốc cổ đại, ta thấy các nho sinh ngày trước đã được "học" về công việc của một người lãnh đạo, người cai trị dân là như thế nào: Công việc của đại nhân (người lãnh đạo, người cai trị) là ở chỗ tập hợp được nhiều người hiền. Ta gặp lại tư tưởng vĩ đại này trong tác phẩm: "Terre des hommes" của Saint Exupery - một tác giả nổi tiếng ở
35
phương Tây "Muốn trở thành người lãnh đạo, trước hết phải có khả năng tập trung nhân lực" [8, tr. 11].
Trong các tài liệu khoa học, hai thuật ngữ "lãnh đạo" và "quản lý" thường được dùng đôi khi thay thế nhau trong các văn cảnh tương thích không phân biệt [8], [10], [11]. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy ở một số tác giả đã cố gắng phân biệt hai thuật ngữ này. Có thể nêu hai loại ý kiến khác nhau về sự phân biệt giữa hai thuật ngữ.
Ý kiến thứ nhất cho rằng "lãnh đạo là một khía cạnh quan trọng của quản lý... khả năng lãnh đạo có hiệu quả là một trong những chìa khóa để trở thành nhà quản lý giỏi" [10, tr. 418]. Cũng theo các tác giả này:
Quản lý và lãnh đạo thường được coi là những hoạt động giống nhau. Mặc dù sự thật là một nhà quản lý giỏi hầu như chắc chắn là một nhà lãnh đạo giỏi. Như vậy, lãnh đạo là một chức năng cơ bản của các nhà quản lý, nhưng quản lý bao gồm nhiều vấn đề hơn lãnh đạo... Công tác quản lý bao gồm việc xây dựng kế hoạch một cách cẩn thận, dựng lên một cơ cấu tổ chức để giúp cho mọi người hoàn thành các kế hoạch, và biên chế cho cơ cấu tổ chức với những con người có những năng lực cần thiết... Một chức năng quan trọng nữa trong công tác quản lý là việc đánh giá và điều chỉnh các hoạt động thông qua kiểm tra. Tuy nhiên, tất cả các chức năng quản lý sẽ không hoàn thành tốt nếu các nhà quản lý không hiểu được yếu tố con người trong các hoạt động của họ và không biết cách lãnh đạo con người để đạt được kết quả như mong muốn [46, tr. 453-454]
Như thế, với quan điểm này, lãnh đạo chỉ là một bộ phận, một chức năng của công tác quản lý. Nghĩa là, quản lý bao hàm trong nó cả công tác lãnh đạo. Đối với nhà quản lý, lãnh đạo chỉ là một trong những phẩm chất mà thôi. Dường như quan điểm này được khái quát từ thực tiễn quản lý doanh nghiệp trong các xã hội công nghiệp.
Ngược lại với quan điểm nêu trên là quan điểm cho rằng lãnh đạo và quản lý là khác nhau và trong đó nhiều tác giả cho rằng "lãnh đạo" bao gồm
36
trong nó cả "quản lý", "quản lý" chỉ là một bộ phận hay một khía cạnh của "lãnh đạo".
"Lãnh đạo và quản lý trong hoạt động của người cán bộ, kể cả cơ sở, về bản chất đều là quá trình tác động, hướng dẫn, điều khiển những người dưới quyền và quần chúng để hoàn thành những nhiệm vụ chính trị nhất định. Lãnh đạo hay quản lý, xét về mặt bản chất, đều là những quá trình điều khiển" [32, tr. 11-12]. Và, "do đó quy trình lãnh đạo và quy trình quản lý cũng giống nhau. Nhưng lãnh đạo nặng về định hướng, còn quản lý nặng về tổ chức, sắp xếp, chỉ huy. Lãnh đạo của cấy ủy Đảng trước hết định ra những nghị quyết, tức là vạch ra phương hướng nhiệm vụ có tính chất chung. Sự quản lý của chính quyền là thể chế hóa, cụ thể hóa những nghị quyết đó một cách sáng tạo. Lãnh đạo và quản lý còn khác nhau ở phương thức, phương pháp tác động, lãnh đạo nặng về thuyết phục, quản lý nặng về "bắt buộc"" [117, tr. 27].
Quan điểm này xem ra là đúng đắn, được nhiều người tán đồng và mang tính chất phổ biến trong ngôn ngữ tiếng Việt. Theo Từ điển Tiếng Việt (1992): "Lãnh đạo là đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức, động viên thực hiện" [131, tr. 540] ; còn "Quản lý: 1) trông coi và giữ gìn theo những yêu cầu nhất định. 2) Tổ chức và điều khiển các hoạt động theo những yêu cầu nhất định" [131, tr. 789].
Với cách định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt thì rõ ràng, lãnh đạo bao trùm lên quản lý và quản lý chẳng qua là thực thi một nhiệm vụ nào đó được cấp trên chỉ đạo, lãnh đạo. Nghĩa là, quản lý không chỉ là một bộ phận cấu thành công tác lãnh đạo mà quản lý thực chất chỉ là sự triển khai cụ thể của lãnh đạo. Sự phân biệt tường minh giữa hai khái niệm "lãnh đạo" và "quản lý" trong hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt đã cho ta hiểu sâu sắc hơn quan điểm
"Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng ta.
Như vậy, nói đến công tác lãnh đạo nói chung và lãnh đạo kinh tế nói riêng (trong trường hợp đề cập ở đây) là nói đến việc vạch ra phương hướng,
37
đường lối, việc chỉ đạo thực tiễn và kiểm tra công tác thực hiện ở tầm vĩ mô. Những chủ trương, đường lối chung này sẽ được thực hiện bởi các cấp khác nhau trong hệ thống quản lý thực tiễn cụ thể của Nhà nước. Và, thuật ngữ "Lãnh đạo kinh tế" và "tư duy kinh tế" được đề cập tới ở đây được hiểu theo nghĩa ở tầm vĩ mô phù hợp với tư tưởng "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ".
Tuy nhiên, trong hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay mặc dù có sự phân định giữa Đảng và Nhà nước nhưng trên thực tế là sự thống nhất, đồng thuận giữa Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý. Đó là vì, Đảng ta là Đảng cầm quyền mà: Đảng cầm quyền có nghĩa là Đảng lãnh đạo chính quyền, chi phối chính quyền, làm cho mọi hoạt động của chính quyền thể hiện và thực hiện tư tưởng, đường lối của Đảng đó, phù hợp với lập trường và lợi ích của Đảng đó. Đồng thời sử dụng bộ máy chính quyền để lãnh đạo toàn xã hội... ở Việt Nam, dù diễn đạt cách nào thì Đảng Cộng sản Việt Nam thực tế đang là Đảng cầm quyền... Đảng cầm quyền có nghĩa là Đảng phải nắm chắc vai trò lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo toàn xã hội, chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước dân tộc [127, tr. 54-55].
Đặc biệt, trong công tác cán bộ, một vấn đề căn bản của cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay không thành công là do cán bộ tốt hay không tốt, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ "Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước và toàn bộ hệ thống chính trị. Vì vậy, Đảng lo cán bộ không chỉ cho bản thân mình mà còn cho cả hệ thống chính trị, cho toàn xã hội, trên tất cả các lĩnh vực" [21, tr. 23].
Điều này có nghĩa là, sự lãnh đạo đất nước của Đảng ta trước hết thông qua công tác cán bộ và hệ thống chính trị của Đảng được thể hiện một cách hiện thực bằng bộ máy chính quyền Nhà nước. Vì thế, các cán bộ lãnh đạo trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, nhất là cán bộ lãnh đạo kinh tế phải là các cán bộ ưu tú của Đảng. Họ là những cán bộ được Đảng và
38
nhân dân tin cậy giao cho các trọng trách để thực hiện các nhiệm vụ lớn lao của cách mạng.