- Hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng liên quan tới giải quyết tranh chấp Hợp đồng tín dụng. Cần tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm tra của Viện kiểm sát đối với hoạt động tố tụng của Toà án. Làm tốt công tác này có ý nghĩa rất quan trọng góp phần đảm bảo quá trình tố tụng được tiến hành đúng quy định của pháp luât và giảm đáng kể số án xử oan, sai.
- Bổ sung các quy định về thủ tục rút gọn đối với giải quyết tranh chấp Hợp đồng tín dụng. Hiện nay trong thủ tục tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng còn chưa linh hoạt trong xử lý vấn đề, còn mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng cũng cần sửa đổi đơn giản hơn nếu xét thấy đã đầy đủ tài liệu, chứng cứ của vụ án thì Tòa án cần giải quyết ngay cho đương sự để tạo điều kiện cho các bên kinh doanh, sản xuất. Trình tự thủ tục giải quyết án ở Tòa án thường kéo dài (từ 4 – 6 tháng, có thể lâu hơn) do phải trải qua các khâu: Thụ lý, nghiên cứu hồ sơ để tiến hành hòa giải, nếu hòa giải không thành thì tiến hành xét xử. Đến khi bản án hoặc quyết định có hiệu lực thì phải chờ cơ quan thi hành án tiến hành giải quyết cho người có đơn yêu cầu thi hành án. Chính vì nhiều thủ tục như vậy, dẫn đến tình trạng là hoạt động kinh doanh, sản xuất của các bên bị ảnh hưởng nhiều theo chiều hướng bất lợi. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự thì cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng một hệ thống pháp luật mà ở đó thủ tục giải quyết đơn giản, nhanh chóng…mà vẫn đảm
bảo được lẽ phải, chân lý của cuộc sống và của pháp luật. Đối với những tranh chấp Hợp đồng tín dụng mà chứng cứ rõ ràng, bị đơn có địa chỉ, lai lịch cụ thể, họ thừa nhận nghĩa vụ của mình trước nguyên đơn, nếu nguyên đơn xuất trình được chứng cứ bằng văn bản để chứng minh cho yêu cầu của mình và nếu như bị đơn cùng tất cả những người liên quan khác trong vụ tranh chấp không có sự phản đối về sự giả mạo của bằng chứng đó thì Toà án có thể khẳng định được tính chính xác thực và độ tin cậy của các thông tin trong các văn bản đó. Do vậy, Toà án không phải mất nhiều thời gian để điều tra , xác minh mà vẫn có thể giải quyết đúng pháp luật vụ tranh chấp đó, đảm bảo giải quyết nhanh gọn, hiệu quả.
- Ban hành những văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành một số quy định chưa cụ thể trong Bộ luật tố tụng dân sự. Ví dụ như quy định hướng dẫn thực hiện các quy định về giao nộp chứng cứ, trách nhiệm trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ. Bổ sung Điều 84 Bộ luật tố tụng dân sự, quy định cụ thể về thời hạn đương sự giao nộp chứng cứ cho Toà án và có văn bản quy định chi tiết về việc xử lý trách nhiệm trong trường hợp không nộp hoặc nộp không đầy đủ. Vì trong quá trình giải quyết tranh chấp Hợp đồng tín dụng chứng cứ là yếu tố quan trọng. Vì thế, cần quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của đương sự để nâng cao trách nhiệm và giúp giải quyết nhanh vụ tranh chấp.
- Hoàn thiện các quy định của pháp luật ngân hàng. Cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề lãi suất của hoạt động cho vay. Để phù hợp với sự phát triển của hoạt động này, nên sửa đổi quy định tại Điều 476 Bộ luật dân sự. Điều 476 quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Quy định như vậy là không phù hợp vì xét về bản chất Hợp đồng
tín dụng là sự tự do thoả thuận của các đương sự. Việc xác định lãi suất cho vay trong Hợp đồng tín dụng phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
+ Lãi suất chung trên thị trường
+ Số tiền vay: Đối với các khoản vay trung và dài hạn có quy mô lớn, lãi suất cho vay thường thấp hơn các khoản vay cùng kỳ hạn nhưng có quy mô nhỏ hơn.
+ Thời hạn vay: Về nguyên tắc, có thể lãi suất cho vay trung và dài hạn cao hơn lãi suất ngắn hạn vì tính thành khoản thấp, chi phí nguồn vốn cho vay cao và chứa đựng nhiều rủi ro.
+ Loại khách hàng: khách hàng có mức tín nhiệm thấp phải chịu mức lãi suất cao hơn khách hàng có mức độ tín nhiệm cao hơn.
Hơn nữa, chỉ nên quy định lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước chỉ là một cơ sở để các bên thoả thuận lãi suất, thực hiện chính sách lãi suất thoả thuận theo nguyên tắc thị trường.
- Việc xử lý tài sản bảo đảm cần hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi các bên. Hiện nay pháp luật quy định nếu các bên không thỏa thuận được giá tài sản bảo đảm thì ngân hàng có quyền định giá. Như vậy, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của ngân hàng và khách hàng, pháp luật cần quy định cụ thể hơn để đảm bảo quyền lợi cho các bên. Ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ nên nhiều khi ngân hàng đã bán tài sản bảo đảm với giá thấp hơn giá trị tài sản theo giá thị trường. Vấn đề đặt ra là pháp luật cần sửa đổi, bổ sung theo hướng là khi ngân hàng chủ động xử lý tài sản bảo đảm thì việc định giá phải do tổ chức định giá chuyên nghiệp thực hiện, có thể là một cơ quan chuyên môn hay một tổ chức định giá hoạt động độc lập. Các cơ quan hữu quan có thẩm quyền trong việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng cần có thiện chí, có trách nhiệm hỗ
trợ tạo điều kiện khi có yêu cầu của ngân hàng trong việc xử lý tài sản bảo đảm nhanh chóng và đơn giản hóa thủ tục vốn rờm rà như hiện nay. Để hạn chế được các tranh chấp thì trước hết phải có cách hiểu thống nhất và những quy định cần được hướng dẫn thi hành một cách cụ thể. Đây cũng là một trong những công tác cần làm tốt trong quá trình ban hành và sửa đổi những quy định của pháp luật.
- Cơ chế giải quyết tranh chấp cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. Để bảo vệ quyền và lợi ích cho ngân hàng cũng như người đi vay đối với tài sản thế chấp thì pháp luật cần quy định thống nhất, rõ ràng về nghĩa vụ đăng ký ở cơ quan đăng ký bảo đảm. Đồng thời, trong việc thực hiện các hợp đồng tín dụng ngân hàng cần có sự phối hợp giữa cơ quan cấp lại giấy và cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm để hạn chế được tình trạng một tài sản được thế chấp ở hai ngân hàng. Đối với tài sản thế chấp là phương tiện giao thông như xe máy khi thế chấp cũng phải đăng ký ở cơ quan đăng ký bảo đảm để phối hợp với ngân hàng dễ kiểm soát. Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm cần tập trung về một cơ quan để thực hiện đăng ký được thống nhất. Nên có những trang thông tin điện tử pháp lý về tài sản là quyền sử dụng đất, bất động sản, nhà ở…để các ngân hàng có thể truy cập, nắm bắt các thông tin cần thiết để đảm bảo quyền lợi của các bên trong các giao dịch. Có như vậy thì tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng mới có thể được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả trong tình hình hiện nay.