Các giải pháp nâng cao hiệu lực xử phạt vi phạm hành chính trong

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu lực xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 2020 (Trang 29 - 34)

2. Nội dung thực hiện đề án

2.4Các giải pháp nâng cao hiệu lực xử phạt vi phạm hành chính trong

lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy

- Thứ nhất, căn cứ vào thực tế áp dụng luật xử lý vi phạm hành chính cần đề xuất những khó khăn, vướng mắc đến cơ quan có thẩm quyền nhằm được giải đáp hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn công tác. Tăng cường công tác đánh giá, sơ kết, tổng kết công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy. Để từ đó nhận xét, đánh giá những ưu điểm, những tồn tại, yếu kém nhằm đưa ra các biện pháp, cách thức, phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại. Bên cạnh đó một mặt cần biểu dương, khuyến khích các địa phương, tập thể, cá nhân có thành tích cao trong công tác xử lý vi phạm hành chính và mặt khác phải phê bình, nhắc nhở các địa phương, tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ, còn có những tồn tại, yếu kém về công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy.

- Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng cháy và chữa cháy của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hải Phòng. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Về nội dung tuyên truyền: luật, các văn bản quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư về an toàn phòng cháy chữa cháy mà người dân, tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp phải chấp hành và các hình thức xử phạt khi vi phạm; tuyên truyền về các vụ cháy, hậu quả tác hại do cháy gây ra.

Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố phối hợp Sở Tư pháp thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị trấn, xã, phường tổ chức mở các lớp phổ biến giáo dục pháp luật về phòng cháy chữa cháy; phối hợp với báo An ninh Hải Phòng đăng các tin, bài trên chuyên trang, chuyên mục về phòng cháy và chữa cháy, với đài phát thanh truyền hình Hải Phòng đưa tin trên truyền hình về công tác chấp hành pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy cũng như hậu quả do các vi phạm để xảy ra cháy, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã, phường, thị trấn; phát hành cẩm nang, tờ rơi đến từng hộ gia đình, người lao động.

Tuyên truyền phổ biến tới các nhóm đối tượng cụ thể là: Nhóm 1, gồm:

Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể của thành phố.

Chánh văn phòng, đại diện Lãnh đạo các phòng, Ban, Đội trưởng đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, cán bộ, chuyên viên phụ trách, theo dõi công tác phòng cháy chữa cháy của các Sở, Ban, Ngành của thành phố;

Nhóm 2, gồm:

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, lãnh đạo các phòng của Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.

Đội trưởng, Đội phó đội phòng cháy chữa cháy cơ sở của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Nhóm 3, gồm: Hiệu trưởng, lãnh đạo và cán bộ phụ trách phòng cháy chữa cháy, Đội trưởng đội phòng cháy chữa cháy cơ sở của các trường học phổ thông;

Nhóm 4, gồm:

Tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, Trưởng thôn, Đội trưởng Đội dân phòng. Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn quận, huyện của thành phố;

Người dân trong tổ dân phố, trong các thôn, xóm. Công an xã, phường, thị trấn;

Nhóm 6, gồm: Học sinh trong các trường học phổ thông.

- Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy của lực lượng Cảnh sát kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy thành phố Hải Phòng. Chú trọng các cơ sở, doanh nghiệp thường mắc phải các lỗi: không tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định; không kiểm tra định kỳ hệ thống chống sét theo quy định; không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy định kỳ; không tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy theo quy định; không trình hồ sơ để thẩm duyệt lại khi cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng nhà, công trình trong quá trình thi công, sử dụng theo quy định; không duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống chiếu sáng sự cố; lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, cáp dẫn điện, thiết bị đóng ngắt, bảo vệ hoặc thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; đồ vật cản trên lối và đường thoát nạn; cửa thoát nạn đóng, khóa, thắp hương, thờ, cúng.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả luật phòng cháy và chữa cháy và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác phòng cháy và chữa cháy; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ở các địa bàn cơ sở, địa bàn trọng điểm các chung cư cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, cơ sở doanh nghiệp sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị công nghệ sinh lửa, sinh nhiệt; các cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ cao (xăng dầu, khí hóa lỏng), kiểm tra việc khắc phục các tồn tại vi phạm và kiến nghị của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ gây cháy, nổ lớn cần kiên quyết đình chỉ hoạt động; khởi tố những trường hợp vi phạm quy định để xảy ra cháy, nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố xử lý, đưa ra ngoài khu dân cư các trường hợp cơ sở nguy hiểm, có nguy cơ cao về cháy, nổ không đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy nằm trong khu dân cư được đưa vào hoạt động trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực.

- Thứ tư, hoàn thiện về tổ chức lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hải Phòng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy. Thành lập các phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận, huyện do hiện nay một phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận, huyện phụ trách hai quận hoặc phụ trách một quận, một huyện và một phần của quận, huyện khác. Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy và các phòng quận, huyện có đội chuyên trách làm nhiệm vụ kiểm tra xử lý vi phạm hành chính đảm bảo về số lượng đáp ứng được nhiệm vụ; Phòng Pháp chế, điều tra - xử lý về cháy, nổ, Phòng Tham mưu có đủ cán bộ chuyên trách làm công tác theo dõi, hướng dẫn, xử lý vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hải Phòng còn mỏng, còn thiếu và nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Do đó, cần tăng cường hơn nữa cả về số lượng và chất lượng cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy. Do thiếu về lực lượng có trình độ chuyên môn cần phải đào tạo tại chỗ, hướng dẫn trực tiếp những cán bộ chiến sỹ chưa được đào tạo chính quy về công tác chuyên môn, cán bộ kiêm nhiệm.

- Thứ năm, nâng cao trình độ chuyên môn, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ phụ trách công tác kiểm tra, hướng dẫn, xử lý vi phạm hành chính trong phòng cháy và chữa cháy của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hải Phòng. Mở các lớp tập huấn chuyên sâu về các văn bản quy phạm pháp luật, công tác xử phạt vi phạm hành chính đồng thời tăng cường hướng dẫn, kiểm tra công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và

chữa cháy ở các đơn vị, địa phương trực thuộc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hải Phòng; tạo điều kiện cho cán bộ chiến sỹ bồi dưỡng nghiệp vụ 6 tháng, học Trung cấp, liên thông Đại học. Việc lập hồ sơ vi phạm hành chính về lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đúng quy định của luật xử lý vi phạm hành chính từ thu thập tài liệu khách quan, chính xác các lỗi vi phạm của tổ chức, cá nhân đến việc giải trình (nếu có), việc đề xuất xử phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm đảm bảo nguyên tắc, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đúng quy định của pháp luật và việc cưỡng chế đảm bảo tính khách quan, nghiêm minh của pháp luật. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức khoa học kỹ thuật công nghệ có liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.

- Thứ sáu, tổ chức cóhiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hải Phòng với các cơ quan quản lý nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy. Cần có sự phối hợp hiệu quả giữa lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy với các cơ quan, ban ngành chức năng khác, giữa các đơn vị trong lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đảm bảo cho công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đảm bảo tính nghiêm minh, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy biểu hiện trên nhiều mặt công tác như:

Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cùng đi kiểm tra công tác phòng cháy và chữa cháy tại mỗi cơ sở.

Phối hợp thực hiện thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về cưỡng chế, đình chỉ trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy của Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền.

Phối hợp giữa các phòng Pháp chế, điều tra – xử lý về cháy, nổ, phòng Tham mưu, Đội Thanh tra, phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy với các phòng quận, huyện thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành

phố thanh tra ở các địa bàn, cơ sở, doanh nghiệp trọng điểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra việc thực hiện công tác xử phạt vi phạm hành chính đối với các phòng quận, huyện.

Hoàn thiện hơn nữa quy chế phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố và các ngành chức năng, Công an thành phố, Bộ chỉ huy quân sự thành phố, Biên phòng.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố với Sở xây dựng, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Điện lực Hải Phòng, quản lý thị trường thành phố, các công ty xăng dầu, khí hóa lỏng trên địa bàn thành phố, bệnh viện hữu nghị Việt – Tiệp, kho bạc nhà nước thành phố Hải Phòng… và lực lượng khác trong công tác phòng cháy và chữa cháy, nhằm đánh giá đúng giá trị tầm quan trọng của công tác phòng cháy và chữa cháy. Ví dụ, khi tiến hành xử phạt một hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có sự phối hợp với các lực lượng khác, đảm bảo việc chấp hành các hình thức xử phạt của cơ sở, doanh nghiệp được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Hay khi Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đề nghị bên điện lực cắt điện đảm bảo thi hành quyết định đình chỉ hoạt động đối với cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ thì công ty điện lực có trách nhiệm tổ chức thực hiện ngay hoặc các cơ quan thực hiện nhiệm vụ chức năng của mình phát hiện có vi phạm của cơ sở, doanh nghiệp liên quan đến chấp hành luật phòng cháy, chữa cháy thì phối hợp với lực lượng chức năng của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy để xử phạt vi phạm hành chính. Đẩy mạnh công tác phối hợp trong công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy giữa các đơn vị trong lực lượng.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra các vụ cháy, nổ; làm rõ trách nhiệm cá nhân vi phạm các quy định về phòng cháy và chữa cháy, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu lực xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 2020 (Trang 29 - 34)