* Đặc điểm của trò chơi lắp ghép - xây dựng:
- Khi tham gia vào trò chơi lắp ghép - xây dựng, bao giờ trẻ cũng tạo ra sản phẩm cụ thể, mang tính sáng tạo rõ nét. Cơ sở của loại trò chơi này là hoạt động lắp ghép - xây dựng, cho nên nó gần gũi với hoạt động tạo hình của trẻ. - Trò chơi lắp ghép - xây dựng cũng giống như trò chơi đóng vai theo chủ đề: trẻ phản ánh những hiện tượng, sự vật của cuộc sống xung quanh (xây nhà, cầu cống, đường phố, trường mầm non, công viên...), có thể là một bộ
phận của trò chơi đóng vai hoặc sản phẩm chơi làm nảy sinh trò chơi đóng vai. Ngoài ra, trò chơi xây dựng còn xuất hiện như một trò chơi độc lập, trẻ có thể chơi với một bộ xếp hình có sẵn hoặc chơi tự do theo chủ đề mà trẻ thích.
- Trò chơi lắp ghép - xây dựng chỉ được tiến hành thông qua đồ chơi - vật liệu xây dựng, nếu không có vật liệu xây dựng thì không tiến hành trò chơi được.
* Tổ chức, hướng dẫn trò chơi lắp ghép - xây dựng:
- Trước hết, cần cung cấp và mở rộng vốn biểu tượng về thế giới xung quanh cho trẻ, khơi dậy ở trẻ hứng thú với hoạt động xây dựng thông qua tranh ảnh, mô hình, băng hình...về các công trình xây dựng trong nước và trên thế giới; tổ chức giới thiệu cho trẻ về những công trình xây dựng trong những buổi tham quan thực tế...
- Hình thành ở trẻ kĩ năng lắp ghép - xây dựng cơ bản, kĩ năng tri giác trong khi học và khi chơi tự do nhằm góp phần nâng cao khả năng làm việc độc lập, sáng tạo của trẻ, giúp trẻ có hứng thú và tích cực trong trò chơi xây dựng.
- Tổ chức môi trường chơi phù hợp, thuận tiện cho trẻ: Đảm bảo đồ chơi đủ về số lượng, phong phú về chủng loại, màu sắc, hình dạng, kích thước, chất liệu...Giáo viên cần tận dụng những vật liệu có sẵn trong thiên nhiên, ở địa phương...và hướng dẫn trẻ sử dụng trong trò chơi.
- Trong quá trình hướng dẫn trẻ chơi, đối với lớp mẫu giáo bé giáo viên cần làm mẫu cho trẻ, hướng dẫn tỉ mỉ cách thao tác với đồ chơi, vật liệu chơi, rèn luyện một số kĩ năng xây dựng cơ bản, như: xếp chồng lên nhau, xếp cạnh nhau, xếp cách nhau...Vừa hướng dẫn động tác, giáo viên vừa giải thích cho trẻ hiểu, khuyến khích trẻ chơi tích cực, độc lập, biết giữ gìn đồ chơi và sản phẩm chơi của mình, của bạn. Đối với trẻ mẫu giáo nhỡ và mẫu giáo lớn, giáo viên không nhất thiết phải làm mẫu mà chỉ nên gợi ý và giúp đỡ trẻ khi cần thiết, tạo điều kiện để trẻ phát huy trí tưởng tượng sáng tạo trong việc xây dựng các công trình khác nhau, giúp trẻ không ngừng mở rộng chủ đề chơi, nội dung chơi và hoàn thiện kĩ năng chơi...