* Đặc điểm của TCĐVTCĐ:
TCĐVTCĐ là sự phản ánh sáng tạo, độc đáo về đời sống xã hội của người lớn thông qua các chủ đề chơi, nội dung chơi.
So với các loại trò chơi khác thì TCĐVTCĐ là loại trò chơi mang đầy đủ và rõ nét nhất những đặc điểm của trò chơi nói chung, trong đó nổi bật nhất là những đặc điểm sau đây:
- TCĐVTCĐ bao giờ cũng có chủ đề- đó là một mảng hiện thực cuộc sống được phản ánh vào trò chơi dựa trên những ấn tượng, biểu tượng sinh động của chính đứa trẻ về cuộc sống diễn ra hàng ngày xung quanh trẻ, như: sinh hoạt gia đình, trường lớp mẫu giáo, mua bán...Phạm vị hiện thực mà trẻ tiếp xúc càng rộng bao nhiêu thì chủ đề chơi càng phong phú bấy nhiêu.
- Vai chơi là yếu tố quyết định tạo nên trò chơi (hay các vai chơi là cốt lõi của TCĐVTCĐ). Hành động chơi chủ yếu là đóng vai. Cơ sở của trò chơi là việc bắt chước mọi người xung quanh, nhờ đó trẻ có thể trải nghiệm những xúc cảm và thực hiện những qui tắc hành vi, chuẩn mực đạo đức của đời sống xã hội của người lớn xung quanh (tuy chỉ mới ở bề ngoài), qua đó trẻ học làm người.
- Hoàn cảnh chơi tưởng tượng kết hợp với động tác chơi có tính mô phỏng và việc sử dụng đồ vật thay thế trong khi chơi làm cho trò chơi này là một hoạt động có tính sáng tạo độc đáo.
- TCĐVTCĐ là một hoạt động mang tính hợp tác- trẻ cùng hoạt động với nhau trong khi chơi. Nội dung chính của trò chơi này là sự phản ánh các mối quan hệ khác nhau của con người, vì thế trong TCĐVTCĐ trẻ tự nguyện chơi cùng với nhau để thể hiện mối quan hệ qua lại giữa các vai chơi. Chính nội dung các TCĐVTCĐ tạo ra ở trẻ nhu cầu chơi tập thể.
- TCĐVTCĐ mang tính tượng trưng cao. Trong trò chơi này, từ vai chơi, hành động chơi, đồ chơi đều là tượng trưng nên khi tham gia chơi trẻ buộc phải tưởng tượng ra hoàn cảnh chơi, từ đó giúp cho trí tưởng tượng của trẻ phát triển mạnh mẽ. Chức năng kí hiệu - tượng trưng của ý thức có ở hầu hết các loại trò chơi trẻ em, nhưng nổi bật hơn hết vẫn là ở TCĐVTCĐ.
- TCĐVTCĐ không phải ở dạng có sẵn, nó phát triển và phức tạp dần cùng với sự mở rộng mối quan hệ của trẻ với thế giới xung quanh và sự mở rộng phạm vi biểu tượng dưới ảnh hưởng của giáo dục và dạy học. TCĐVTCĐ được phát triển cùng với sự phát triển các chức năng tâm lí- xã
hội của trẻ và sự hình thành, phát triển tập thể trẻ em nơi mà đứa trẻ sống. Do vậy, hướng dẫn trẻ chơi ở các độ tuổi khác nhau có đặc thù riêng.
* Tổ chức, hướng dẫn trò chơi ĐVTCĐ:
- Trước hết phải tạo môi trường chơi đa dạng, phong phú, hấp dẫn và an toàn đối với trẻ.
- Cho trẻ được tự chọn trò chơi, nhóm chơi, bạn chơi theo nhu cầu và ý thích của chúng, tạo cơ hội cho trẻ được bộc lộ và phát triển tính tự lập trong khi chơi. Giáo viên cần chú ý phát huy tính tích cực, tự lập cũng như óc sáng tạo của trẻ, không nên bắt trẻ chơi theo yêu cầu của cô. Nếu xảy ra tình trạng phân bố quá chênh lệch số lượng trẻ giữa các nhóm chơi thì giáo viên không nên “điều động” một cách bắt buộc, độc đoán mà chỉ nên làm nhiệm vụ “quảng cáo” cho các trò chơi cần bổ sung người, trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu sự giới thiệu đó và tự mình chủ động sang chơi.
- Để trẻ chơi vui vẻ với chủ đề chơi, nội dung chơi phong phú, giáo viên cần cung cấp, làm giàu vốn biểu tượng của trẻ về cuộc sống xung quanh để từ đó trẻ có thể tái tạo lại vào trò chơi của mình. Đặc biệt cần chú ý gây hứng thú chơi cho trẻ và giúp trẻ duy trì nó trong suốt quá trình chơi bằng cách thường xuyên tạo ra hoàn cảnh chơi, tạo ra tình huống chơi để trẻ giải quyết; sưu tầm và cải tiến vật liệu chơi, đưa ra đồ chơi đúng lúc...
- Trong khi trẻ chơi, giáo viên cần quan tâm đến nội dung chơi của trẻ, hướng trẻ vào việc mô phỏng những hiện tượng, những mối quan hệ lành mạnh của mọi người xung quanh cũng như kịp thời uốn nắn những lệch lạc của trẻ khi chơi. Đồng thời, phải giúp trẻ mở rộng chủ đề chơi, làm phong phú nội dung chơi, thiết lập mối quan hệ giữa các vai trong nhóm chơi bằng cách đưa ra những gợi ý, đề nghị phù hợp với hiểu biết, kinh nghiệm của trẻ, tạo ra hoàn cảnh chơi mới...
- Quan tâm đến việc rèn luyện và phát triển kĩ năng đóng vai cho trẻ dưới nhiều hình thức khác nhau như: cho trẻ thường xuyên tập đóng vai; hướng dẫn trẻ cách nhập vai, thiết lập mối quan hệ với các vai chơi khác trong
trò chơi; tăng cường các cuộc dạo chơi, tham quan “thực tế” cho trẻ làm quen với những nhân vật và sự kiện trong đời sống xã hội của người lớn...
- Sự hướng dẫn của giáo viên phải chân tình, khéo léo sao cho trẻ luôn cảm thấy mình được làm chủ cuộc chơi và không bị ai áp đặt. Đối với trẻ mẫu giáo bé và mẫu giáo nhỡ, giáo viên có thể nhập một vai chơi cụ thể và tham gia chơi trực tiếp với trẻ, thông qua vai mình đóng để chỉ cho trẻ biết cách thao tác với đồ chơi, cách thể hiện vai chơi...Còn với trẻ mẫu giáo lớn, cần phát huy tính tích cực, độc lập, chủ động của trẻ khi chơi, giáo viên chỉ là người quan sát, theo dõi trẻ chơi, chỉ hướng dẫn, giúp đỡ khi trẻ gặp khó khăn mà không thể tự giải quyết được.
- Đối với những lớp ghép nhiều độ tuổi, giáo viên phải chú ý đến khả năng chơi của từng trẻ để có cách hướng dẫn trẻ chơi phù hợp. Cần tạo điều kiện để trẻ học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình chơi.