CHO CÔNG TÁC QUẢN TRỊ Ở CÁC DN VIỆT NAM
Qua những thành công của Microsoft, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quản trị cho các doanh nghiệp cũng như công tác quản lý nhà nước của Việt Nam:
Về quản lý vĩ mô của nhà nước, ta thấy để có được một Microsoft thành công vĩ đại như ngày hôm nay thì sau lưng nó một môi trường kinh doanh tốt, thể hiện qua môi trường pháp lý thông thoáng đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là việc bảo hộ các quyền sở hữu tài sản nói chung cũng như quyền sở hữu trí tuệ nói riêng. Bên cạnh môi trường pháp lý thì môi trường tài chính cũng đóng vai trị rất quan trọng, môi trường tài chính cần chấp nhận các khoản đầu tư mạo hiểm cần thiết cho các ý tưởng sáng tạo, từ đó khuyến khích cho các ý tưởng luôn luôn được phát triển dồi dào. Như tình hình hiện nay ở Việt Nam khi mà quyền sở hữu tài sản và nhất là quyền sở hữu trí tuệ còn chưa được quan tâm đúng mức thì chuyện có thể bảo vệ các quyền lợi chính đáng cho các công ty về phần mềm là một điều nan giải. Vì vậy, để hội nhập với xu hướng quốc tế hóa, Việt Nam cần thiết lập một khung pháp lý chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các tác giả cũng như các công ty sản xuất kinh doanh đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin này
Về quản trị vi mô, có một số vấn đề cần chú ý ở các doanh nghiệp Việt Nam:
Tránh chủ nghĩa hình thức, quản lý con người bằng thời gian. Đây là một chính những điều thường thấy ở các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các doanh nghiệp Nhà nước. Như chúng ta đã thấy trong phong cách quản trị nhân sự của Microsoft thì thời gian làm việc không phải là mục tiêu chính của họ, cái mà họ cần là hiệu quả công việc. Không phải khi nào quản lý thời gian cũng là hiệu quả, nếu như không tạo ra được động lực làm việc cho các nhân viên.
Phát huy khả năng làm việc theo nhóm, nâng cao ý thức đoàn kết giữa những người lao động. Một điều thường thấy ở các nhân viên là họ đôi khi tỏ ra rất xuất sắc trong làm việc độc lập nhưng lại gặp nhiều khó khăn khi làm việc theo nhóm. Khi cần phải tổ chức làm việc theo tổ đội thì đây cũng là một vấn đề cần phải được quan tâm đến.
Tạo môi trường làm việc đoàn kết, năng động, chống chủ nghĩa cá nhân. Căn bệnh thành tích ngày nay đang là một đề tài thường được nhắc đến, nó cũng một phần nào phát sinh từ chủ nghĩa chạy theo thành tích và lợi ích cá nhân, bất chấp lợi ích tập thể. Để có được một tập thể lành mạnh và phát triển thì công việc đầu tiên của các nhà quản trị là phải tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên, từ đó đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, tư lợi.
Người quản trị phải nhanh nhạy, có khả năng phán đoán chính xác, hướng sản phẩm của mình phục vụ lợi ích tối đa cho người tiêu dùng để tạo khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp. Đối với nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập vào bối cảnh toàn cầu hóa thì đây thực sự là một yêu cầu hết sức cấp thiết cho các nhà quản lý nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và sự tồn vong cũng như phát triển của doanh nghiệp.
Bố trí công việc phù hợp với khả năng người lao động. Một thực tế thường xảy ra là việc bố trí công việc không phù hợp với năng lực và trình độ của người lao động, dẫn đến tình trạng làm việc không hiệu quả, không phát huy được khả năng của họ, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực.
Coi trọng và biết sử dụng nhân tài, tránh chảy máu chất xám, loại bỏ suy nghĩ nghi ngại và trù dập cấp dưới giỏi hơn mình. Việc sử dụng chất xám ở các doanh nghiệp nước ta gần đây đã có những tiến triển tốt, cụ thể cách nhìn nhận về nguồn nhân lực trình độ cao đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp Nhà nước tình trạng bảo thủ, phe cánh vẫn còn là một thực trạng đáng báo động, chính sách đãi ngộ chưa xứng đáng đã làm cho tình trạng chảy máu chất xám vốn đã nghiêm trọng nay còn nghiêm trọng hơn.
LỜI KẾT
Có thể nói, mẫu hình doanh nghiệp Microsoft thực sự là mẫu hình kinh tế thành công chói lọi của thế kỷ XX. Sự sáng suốt, tầm nhìn trí tuệ và những bài học quản lý của Microsoft, Bill Gates có thể ví như một "ngọn hải đăng" soi rọi cho hoạt động kinh doanh trong bất kỳ ngành nào.
Trong điều kiện nền kinh tế thế giới ngày nay, các diễn biến kinh doanh luôn vận động và biến đổi liên tục không ngừng. Các yếu tố tác động đến doanh nghiệp thường thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó kiểm soát. Không chuyên gia hàng đầu nào có thể dự đoán chính xác và kiểm soát được các biến động của thị trường, vì vậy việc các doanh nghiệp ngày nay cần có những phương cách quản trị cho thích hợp để có thể ứng phó kịp thời với tình hình trên.
Mặc dù ở mỗi doanh nghiệp tình hình cụ thể có những nét đặc trưng khác nhau nhưng qua những thành công của Microsoft, chúng ta có thể hy vọng rằng các nhà quản trị của chúng ta có thể học hỏi được một số kinh nghiệm để vận dụng vào thực tiễn quản lý góp phần đưa doanh nghiệp của mình đi đến thành công.