Sử dụng đồ dùng trực quan tạo hình trong dạy học Lịch sử nhằm gây hứng thú học tập bộ môn cho học sinh là một việc làm rất cần thiết và đang được quan tâm, nhằm củng cố, khắc sâu kiến thức lịch sử cho học sinh trong thời kỳ hội nhập. Để sử dụng đồ dùng trực quan tạo hình vào dạy học Lịch sử có hiệu quả cần những điều kiện:
- Về phía nhà trường:
+ Thường xuyên tổ chức các chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm giữa đồng nghiệp về việc sử dụng đồ dùng trực quan điện tử trong dạy học.
+ Nhà trường trang bị máy tính, đầu chiếu đa năng tới các phòng học để sử dụng đồ dùng trực quan điện tử trong dạy học một cách thường xuyên.
- Về phía giáo viên:
+ Giáo viên xác định việc khai thác triệt để đồ dùng trực quan, đây là một nguyên tắc bắt buộc (không chỉ riêng môn Lịch sử mà là của tất cả các bộ môn khoa học khác).
+ Nguồn kiến thức khai thác đồ dùng trực quan, ngoài kiến thức của Sách giáo khoa, Sách giáo viên, giáo viên phải tìm tòi, tham khảo các loại tài liệu có liên quan, tích luỹ vốn hiểu biết (Văn học, Địa lí… các nguồn tài liệu khác) để mở rộng, bổ sung kiến thức có chọn lọc khi khai thác đồ dùng trực quan.
+ Khi khai thác kênh hình chiến sự: Chú ý xây dựng được bài tường thuật - sử dụng kiến thức liên môn (văn, sử, địa...) ngôn ngữ giàu hình ảnh, miêu tả sinh động, âm lượng, phong thái, nét mặt thể hiện được không khí hừng hực của chiến sự.
+ Luôn làm việc với tinh thần nghiêm túc, ý thức trách nhiệm cao. Đặc biệt là lòng tự trọng nghề nghiệp - dạy ra dạy - để học sinh không được xem thường bộ môn Lịch sử. Để đồng nghiệp các môn khoa học khác không được xem thường bộ môn Lịch sử.
+ Luôn trăn trở trên từng bài dạy, tập trung suy nghĩ, tìm tòi, tìm ra phương án mới, không ngừng thể nghiệm và rút kinh nghiệm.
+ Luôn đầu tư thời gian thích đáng cho việc soạn kế hoạch dạy học, đặc biệt đầu tư thời gian cho việc chuẩn bị đồ dùng dạy học (chọn lựa cẩn thận: đủ mà tinh, đừng quá nhiều).
+ Tranh thủ mọi cơ hội có thể được, sẵn sàng dạy thể nghiệm (có nhiều đồng nghiệp cùng chuyên ngành, có nhiều kinh nghiệm) để được lắng nghe sự góp ý, nhận xét của nhiều đồng nghiệp có chuyên môn cứng cỏi.
+ Ở trường: sẵn sàng, tự giác, tạo cơ hội để dạy thể nghiệm, để tranh thủ ý kiến của đồng nghiệp ở trong trường (điều này có thể làm thường xuyên trong năm học).
- Về phía học sinh:
+ Tích cực, chủ động học tập, chuẩn bị trước bài học ở nhà. + Hứng thú và yêu thích bộ môn Lịch sử.
-Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:
Sáng kiến được áp dụng vào dạy học môn Lịch sử 9 tại trường THCS Tân Lập từ năm 2018 và đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Trước hết về phía giáo viên: Đã trang bị cho mình kiến thức để hiểu đúng, đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và cách sử dụng đồ dùng trực quan để vận dụng linh hoạt vào bài học Lịch sử. Từ đó làm bài giảng Lịch sử trở nên hấp dẫn với những câu chuyện và hình ảnh sống động. Chất lượng bộ môn Lịch sử trong nhà trường được nâng cao. Đồng thời, giáo viên đáp ứng được đòi hỏi của đổi mới giáo dục theo hướng “Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá tích cực theo hướng phát triển năng lực học sinh; đa dạng hóa các hình thức giáo dục... đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học”. Uy tín, ảnh hưởng của giáo viên, nhà trường đối với học sinh, phụ huynh mở rộng.
Về phía học sinh: Đồ dùng trực quan giúp các em nhớ kĩ, hiểu sâu những hình ảnh, những kiến thức lịch sử. Hình ảnh được giữ lại đặc biệt vững chắc trong trí nhớ là hình ảnh chúng ta thu nhận được bằng trực quan. Vì vậy, cùng với việc góp phần tạo biểu tượng và hình thành khái niệm lịch sử, đồ dùng trực quan còn phát triển khả năng quan sát, trí tưởng tượng, tư duy và ngôn ngữ của học sinh. Các em thông qua môn học Lịch sử được phát triển một cách toàn
diện. Đặc biệt là các em thực sự yêu thích môn Lịch sử, có hứng thú trong việc tìm tòi, nghiên cứu các sự kiện, nhân vật lịch sử. Từ đó, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc của các em, giúp cho môn Lịch sử trở lại đúng vị trí và vai trò của nó.