Vai trò của nhân tài

Một phần của tài liệu Chính sách nhân tài ở thành phố đà nẵng từ 1997 đến nay (Trang 28 - 30)

6. Những đóng góp của luận văn

1.2.2. Vai trò của nhân tài

Ngày nay, trong tất cả các tài nguyên con người đã biết đến, đang sử dụng thì không tài nguyên nào có tầm quan trọng và quyết định như tài nguyên do chính con người sản sinh ra, chính là nguồn nhân lực mà tiên phong là đội ngũ nhân tài.

“Tài nguyên nhân lực hay tài nguyên con người là một dạng tài nguyên hàm chứa trong con người. Tài nguyên này chính là năng lực của con người, với tư cách là những cá nhân và con người nói chung, trong việc thực hiện những công việc hữu ích cho xã hội và cho chính bản thân con người. Nó hàm ý rằng đây là loại tài nguyên tiềm tàng, có thể dùng để tạo lập lợi thế cạnh tranh cho các chủ thể sử dụng nó” [43, tr. 17].

Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới coi giáo dục đào tạo, phát triển nhân tài là quốc sách hàng đầu, bí quyết tạo nên sự thành công, chìa khóa của sự phát triển là có nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng.

Trong tiến trình lịch sử Việt Nam cùng với việc xây dựng chính quyền nhà nước, bảo vệ độc lập dân tộc, ông cha ta đã chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cũng như thực thi hệ thống các biện pháp để thu phục, sử dụng người tài. Ngày nay, chúng ta vẫn thường nhắc tới câu nói nổi tiếng của Thân Nhân Trung được khắc trên bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) về vai trò của nhân tài và giáo dục nhân tài:

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế Vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết” [48, tr.31].

Sinh thời trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao vai trò của nhân tài trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Trong bài viết “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc Người viết:

“Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài” [22, tr. 504]. Với tư tưởng trọng người hiền tài người căn dặn Đảng ta cần: “Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta” [22, tr.100].

Ngày nay, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian qua đã thu được nhiều thành tựu to lớn, từng bước đưa nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, bộ mặt xã hội có nhiều thay đổi tích cực, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được củng cố. Một trong những nhân tố tạo nên những thành công nói trên là Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá đúng vị trí, vai trò của việc phát triển, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước trong tình hình mới. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu về kinh tế - xã hội mà Đảng đã xác định, đòi hỏi đất nước ta cần khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực con người, đặc biệt là đội ngũ nhân tài được coi là yếu tố hàng đầu. Các nhà kinh tế học chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng cao thì phải dựa vào ít nhất ba trụ cột cơ bản là: phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, áp dụng khoa học và công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chất lượng nguồn nhân lực là bộ phận cơ bản nhất, quyết định sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Đất nước đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi cần có nguồn nhân lực đội ngũ nhân tài ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Con người được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là trung tâm của sự nghiệp xây dựng xã hội mới, là mục tiêu của xã hội chủ nghĩa nói chung và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng. Xét đến cùng, mọi sự phát triển của đất nước đều hướng đến mục tiêu phát triển con người, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con người. Trong đó, nguồn lực nhân tài vừa giữ vai trò là chủ thể sáng tạo, là động lực to lớn của sự nghiệp xây dựng nước nhà.

Một phần của tài liệu Chính sách nhân tài ở thành phố đà nẵng từ 1997 đến nay (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(43 trang)