Để triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.
Một là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách. Trong đó, triển khai hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp tư nhân, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo đột phá về thể chế, nhất là về: Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế các lĩnh vực kinh tế, quy hoạch phát triển, xây dựng các đơn vị hành chính kinh tế, đặc biệt tạo các động lực phát triển; Hệ thống pháp luật về đầu tư công, NSNN, DNNN, nợ công, tài sản và nguồn lực công như đất đai, tài nguyên; Hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, nhà ở, kiểm tra chuyên ngành hàng hóa, các chính sách cụ thể cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.
Bộ trưởng cũng đề xuất chỉ đạo rà soát, hoàn thiện, trình ban hành các quy định pháp luật liên quan đến môi trường đầu tư, thủ tục, điều kiện đầu tư, kinh doanh; trong đó sửa đổi một số Nghị định về đầu tư, kinh doanh nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tạo cơ chế liên thông, thuận lợi nhất giữa các thủ tục đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường…
Thứ hai, tăng cường thực thi thể chế, pháp luật. Các Bộ, ngành, địa phương chủ động phát hiện, tham mưu đề xuất cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể, phù hợp để đưa pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đi vào thực tiễn cuộc sống.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đề nghị chú trọng đổi mới quản trị doanh nghiệp; nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, cạnh tranh lành mạnh và phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục “chung tay cải cách thủ tục hành chính”. Người đứng đầu các ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương; kiên quyết loại bỏ “lợi ích nhóm” vì lợi ích quốc gia để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạo, trọng tâm là thủ tục hành chính trên các lĩnh vực theo quy định tại Nghị quyết 19; tăng tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng số lượng thủ tục hành chính được giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; giảm tỷ lệ trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xủ lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân theo phân cấp quản lý và chức năng, nhiệm vụ được giao. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra tình hình, kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Có biện pháp chấn chỉnh kịp thời đối với những trường hợp thực hiện không nghiêm túc quy định về tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị.
Thứ năm, đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử. Các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể được giao, đặc biệt là
đối với các nhiệm vụ có thời hạn cụ thể; khẩn trương hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 theo Danh mục được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tập trung triển khai các giải pháp nâng cao nhóm chỉ số về hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực theo phương pháp đánh giá của Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế như: UNDP, ITU, UNESCO để nâng cao thứ hạn chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam trong Bảng xếp hạng của Liên Hợp quốc trong giai đoạn tiếp theo.
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 41/NQ-CP của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam, khẩn trương rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành, các vấn đề còn vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác theo dõi kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng chính phủ giao. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tổ công tác kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra và đề xuất kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là về cơ chế chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp và trong triển khai thực hiện; Tăng cường công khai, minh bạch trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội. Kịp thời đề xuất khen thưởng đối với những Bộ, ngành, địa phương làm tốt; xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ bảy, công tác thông tin truyền thông. Đẩy mạnh công tác thông tin,
tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, pháp luật về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Kịp thời đưa tin về những mô hình tốt, cách làm hay cũng như những sai phạm, tồn tại, hạn chế trong thực thi chính sách, pháp luật.
KẾT LUẬN
Kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với nhiều cơ hội mới mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để vượt qua những khó khăn, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt, nắm bắt được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế.
Việt tham gia vào các hiệp định FTA mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các Doanh nghiệp Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế với các đối tác thương mại lớn. Đồng thời, thông qua việc thực thi các cam kết trong đó môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng được cải thiện mạnh mẽ, tạo điều kiện để Doanh nghiệp tự do sáng tạo, kinh doanh, làm giàu cho mình và cho đất nước.
Để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi DN phải hoạt động sản xuất kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, đúng pháp luật, bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế, doanh nhân phải năng động sáng tạo, có kiến thức, có bản lĩnh kinh doanh dám đương đầu với hội nhập để vươn ra biển lớn.