(ĐTCK) Nguồn nước do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW) cung cấp cho người dân Thủ đô đã an toàn trở lại, nhưng sự cố ô nhiễm trước đó ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người. Nếu sự chú ý của mọi người chỉ tập trung vào người trực tiếp gây ra vụ việc, hay VCW tắc trách trong quản lý, thì là chưa đủ.
Nhưng từ cuối tháng 12/2012 đến nay, VCW chịu nhiều tai tiếng với các sự cố vỡ đường ống 22 lần, cựu giám đốc quản lý dự án từng bị truy tố hình sự 10 năm tù vì tội vi phạm quy định gây hậu quả nghiêm trọng.
Thế nhưng, kết quả kinh doanh của VCW không suy giảm, cho thấy sức mạnh độc quyền của nhà cung cấp rất lớn. Nhu cầu và giá nước tăng mỗi năm thì giả sử đường ống của doanh nghiệp này có vỡ thêm cả chục lần có lẽ cũng “không thành vấn đề”, vì vỡ đâu lại thay đó. Chỉ có người lao động, người dân là thực sự chịu khổ.
Sự cố ô nhiễm nguồn nước tại VCW vừa qua còn cho thấy, việc quản lý vận hành của doanh nghiệp có vấn đề; việc bảo vệ, giám sát nguồn nước sinh hoạt còn lỏng lẻo; chính quyền và nhà máy sản xuất lúng túng, chưa có phương án khắc phục kịp thời…
Với những ngành hàng thiết yếu có tác động tới sức khỏe của người tiêu dùng thì câu chuyện niềm tin rất quan trọng.
Nếu doanh nghiệp không đảm bảo được niềm tin của người tiêu dùng, không dung hòa lợi ích giữa các bên thì rất có thể sẽ sớm bị thay thế khi có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia ngành. Được biết, dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống của Tập đoàn AquaOne có quy mô gần 65 ha tại huyện Gia Lâm (Hà Nội), tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 ở mức 5.000 tỷ đồng mới đây đã đi vào hoạt động, công suất 300.000 m3/ngày đêm.
Những nhân tố mới này hy vọng sẽ làm thay đổi dần vị thế độc quyền ngành của loại doanh nghiệp ngành nước, giảm đi tình trạng doanh nghiệp ung dung kiếm lãi lớn trên sự bất an của hàng vạn người dân.