KẾT LUẬN
Chè là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2015, nước ta đã xuất khẩu xấp xỉ 16 nghìn tấn, chiếm khoảng 7-8% tỷ trọng chè toàn thế giới và trong nhiều năm ngành hàng chè nước ta vẫn giữ vững vị trí thứ 5 về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên việc nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành chè chưa được quan tâm một cách thỏa đáng
1. BĐKH là vấn đề toàn cầu ngày càng diễn ra nhanh và khó dự đoán, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất do tác động tiêu cực của BĐKH, các thành phần khí hậu tại Việt Nam đã có sự thay đổi theo diễn biến chung của thế giới.
2. Nông nghiệp sẽ là ngành chịu tác động nặng nề của BĐKH như suy giảm năng suất, giảm đa dạng sinh học, mất đất sản xuất, thiên tai hạn hán,.. các nghiên cứu về đánh giá và lượng hóa tác động của BĐKH mặc dù đã được áp dụng trên thế giới nhưng vẫn còn triển khai hạn chế ở nước ta.
3. Do tác động của BĐKH, trung bình ngành nông nghiệp chịu thiệt hại gần 800 tỷ đồng do thiên tai, bão lụt, tuy nhiên, thiệt hại của ngành do thiên tai có xu hướng giảm cả về giá trị và cơ cấu trong tổng thiệt hại trong giai đoạn 1995-2007.
4. Mỗi vùng sinh thái chịu tác động của BĐKH khác nhau cùng với các đặc thù riêng do vậy cần có nhiều biện pháp thích ứng khác nhau với BĐKH đã được áp dụng cho từng vùng. Cải tiến các giống cây trồng, dịch vụ khuyến nông, các biện pháp kỹ thuật mới cho từng loại đất, từng loại địa hình khác nhau là rất cần thiết nhằm thích ứng tối đa với BĐKH để duy trì và phát triển nông nghiệp bền vững.
Đề tài đã giải quyết được một số vấn đề về lý luận và thực tiễn sau:
1. Tổng quan về ngành chè cũng như những biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Việt Nam, ảnh hướng không chỉ ngành chè mà còn các ngành nông nghiệp khác trong nước.
2. Phân tích chi tiết tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành chè Việt Nam, từ đó có góc tổng quát về khó khăn, thách thức đối với ngành chè nói riêng, và ngành nông nghiệp nói chung trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu
3. Cuối cùng, luận án đã đề xuất một số giải pháp và kiến nghị ứng phó với biến đổi khí hậu, gia tăng năng lực cạnh tranh của ngành chè Việt Nam, giúp lựa chọn những khâu có lợi thế nhất để tham gia.
ĐỀ NGHỊ
1. Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có chính sách quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về BĐKH trong nông nghiệp, coi BĐKH là điều kiện, cơ sở để lựa chọn các kế hoạch, định hướng phát triển nông nghiệp;
2. Dựa vào chức năng, nhiệm vụ, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần xây dựng và lựa chọn chương trình ưu tiên nhằm ứng phó với BĐKH trong chiến lược ngắn hạn, trung hạn, dài hạn có tính chất vùng, liên vùng, và quốc gia;
3. Bộ NN và PTNT cần đa dạng hóa nguồn tài chính từ Chính phủ, từ các địa phương, từ tổ chức, cá nhân và hợp tác quốc tế;
4. Cần hoàn thiện hệ thống mạng lưới về nghiên cứu, quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương để tổ chức thực hiện các chương trình, ứng phó các sự cố thời tiết đột xuất, nâng cao vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thuộc Bộ quản lý về BĐKH.
5. Cần triển khai các nội dung đánh giá tác động toàn diện của BĐKH đối với ngành chè, hình thành cơ sở dữ liệu dài hạn, xây dựng mô hình hóa để cảnh báo tác động của BĐKH nhằm xác định các chính sách ưu tiên đối với các vùng có mức độ tồn thương cao.
6. Triển khai đầu tư nghiên cứu các giống chè mới năng suất cao, thích ứng với tình hình BĐKH hiện nay.