III. VỊ TRÍ NGHỈ
Bài 8 MÁNG NHAI Mục tiêu
Mục tiêu
1. Trình bày được định nghĩa và mục tiêu của máng nhai sử dụng trong thực hành cắn khớp.
2. Trình bày được tác dụng và ứng dụng của máng nhai trên lâm sàng.
3. Trình bày được các yếu tố sinh cơ học chính của máng nhai.
4. Trình bày được vì sao máng hàm trên được lựa chọn nhiều hơn máng hàm dưới? Khi nào chỉ định máng hàm dưới?
5. Trình bày và thực hiện được máng nhai.
I. ĐỊNH NGHĨA VÀ MỤC TIÊU
1. Đại cương
Quan niệm về máng nhai thay đổi tuỳ theo trường phái, theo tác giá, theo chỉ định hay lý do được chỉ định.Vật liệu làm máng nhai có thể là nhựa mềm, nhựa, kim loại.
Máng nhai có thể có nhiều chỉ định sử dụng khác nhau:
• Để phòng ngừa chấn thương trong các môn thể thao: quyền anh và các môn khác có thể gây chấn thương vùng miệng, hàm.
• Để thực hiện chức năng của một khí cụ chỉnh hình thụ động hoặc duy trì kết quả chỉnh hình trước đó.
• Để giúp tìm đạt tương quan trung tâm trong phục hình răng và cắn khớp.
• Để liên kết các răng, làm lực nhai được phân phối lên nhiều răng, làm giảm tạm thời hoặc vĩnh viễn sự lung lay răng trong điều trị nha chu.
• Để cắt đứt những quan hệ răng - răng giữa hai hàm với hệ thống nhai nói chung (chủ yếu là cơ nhai và khớp thái dương hàm) nhằm chuẩn đoán và điều trị rối loạn cắn khớp.
2. Định nghĩa
Máng nhai là một khí cụ bằng nhựa đặt giữa hai cung răng được thực hiện với mục đích chuẩn đoán và điều trị rối loạn cắn khớp.
3. Mục tiêu
Mục tiêu trực tiếp của máng nhai là làm cho những tương quan tiếp xúc giữa các răng độc lập với hệ thống nhai và việc đeo máng nhai không gây ra những rối loạn thứ cấp.
II. TÁC DỤNG VÀ ỨNG DỤNG
Máng nhai có tác dụng duy trì sự ổn định của răng, phân bố hợp lý lực nhai trên toàn bộ cung răng và trung hòa những hậu quả của cản trở cắn khớp. Máng nhai cho phép đạt được sự dãn toàn bộ các cơ nhai trong khi đảm bảo các động tác há ngậm, ra trước và sang bên hài hòa.
Ứng dụng:
• Giúp tìm đạt tương quan trung tâm.
• Xác định nguyên nhân cắn khớp của loạn năng cơ khớp.
• Điều trị triệu chứng đau.
• Cải thiện tình trạng vận động của hàm dưới.
III. CÁC YẾU TỐ SINH CƠ HỌC
Kích thước dọc: Máng nhai có một kích thước dọc nhỏ nhất, với bề mặt phẳng, nhẵn và không gây cản trở cắn khớp.
Hướng dẫn răng nanh:
• Không gây khó chịu cho vận động hàm dưới.
• Trong vận động ra trước không gây cản trở ra trước, tránh tiếp xúc giữa răng cửa dưới với máng.
• Trong vận động sang bên, nhất là những người có bệnh nghiến răng thì hướng dẫn răng nanh cần phải tránh trở thành một vị trí hấp dẫn để nghiến.
Đường viền của máng:
• Không phủ quá 1 mm ra phía ngoài cung răng.
• Đường viền phía trong theo đúng giới hạn của máng, không chèn ép lên bờ nướu rời.
• Không tạo thành những góc nhọn, bờ sắc, không gồ ghề, gây khó chịu cho bệnh nhân.