Xét về tổng thể, thường phục phổ biến của xã hội Việt Nam trong thế kỉ XIX không có gì khác biệt lắm so với các thế kỉ trước. Áo mặc thường ngày của cả nam lẫn nữ chủ yếu là áo cánh, được dệt bằng sợi bông, khổ vải thường là 40cm, trước khi may vải được nhuộm màu nâu hoặc màu thâm. Đàn ông mặc thường, dài hoặc ngắn tùy lúc. Đàn bà mặc thêm yếm và váy (khu vực Đàng Ngoài cũ) hoặc quần thường (khu vực Đàng Trong cũ). Ngoài áo, yếm và váy, phụ nữ có thêm khăn vấn tóc, khăn trùm đầu và khăn cột ngang lưng. Tất cả những loại khăn này chỉ có ý nghĩa giữ gìn sự gọn gàng, tạo thuận lợi cho lao động và có chút tạo duyên chứ không hề sử dụng như một quy định nào đó của tín ngưỡng.
Vào ngày lễ, đàn ông (nhất là đàn ông có chút nhan sắc hoặc là những người được cử vào ban hành lễ của làng) thường mặc áo thụng dài, đầu đội khăn, chân đi guốc. Đàn bà (đặc biệt là đàn bà ở vùng đồng bằng Bắc Bộ) thường mặc áo tứ thân hoặc áo năm thân chân đi guốc, tay cầm nón quai thao, lưng buộc khăn nhiễu.
Vào cuối thế kỉ XIX, văn hóa trang phục Việt Nam có những yếu tố rất đáng chú ý, nhất là trang phục của người phụ nữ ở vùng phố thị. Một là tuy chưa nhiều nhưng hiện thượng trút bỏ khăn vẫn tóc cũng không phải là cá biệt. Hai là tấm áo tứ thân truyền thống đã dần dần được chỉnh sửa và khiến cho bóng dáng sơ khai của những chiếc áo dài may gần tương tự như ngày nay đã bước đầu được định hình. Ba là ở khu vực phía Nam, tuy cũng dùng nón quai thao nhưng vành nón rộng hơn và quai thao cũng dài hơn. Quai thao to bản, màu sặc sỡ, dài đến tận gấu áo dài và kết được nhiều tua được coi là một trong những biểu tượng của sự giàu sang và quý phái. Những người ở địa vị thấp hơn thì không ai dám dùng nón quai thao loại này.
Việc trang điểm và trang sức bao giờ cũng được phụ nữa đặc biệt quan tâm. Bấy giờ, phấn trắng và son đỏ được chế tạo theo cách thủ công, dẫu vậy loại sản phẩm này vẫn được phụ nữ (nhất là phụ nữ vùng phố thị) rất ưa chuộng. Trang sức bằng vàng và bạc như trằm hoặc khuyên đeo tai, kiềng đeo cổ, vòng đeo cổ tay, nhẫn đeo ngón tay... đã được sản xuất và bày bán ở rất nhiều nơi. Với phụ nữ, một số vật dụng thiết thân hằng ngày như khăn quấn tóc, khăn buộc bụng, túi đựng trầu cau... thường được chế tạo rất công phu và đó cũng chính là một phần quan trọng của trang sức.