Từ kết quả nghiên cứu đã trình bày ở Chương 4, có thể thấy rõ thương mại quốc tế có tác động không tốt đến phân phối thu nhập của một quốc gia và qua đó ảnh hưởng đến vấn đề phát triển bền vững. Tuy nhiên, kết quả thực nghiệm cũng chỉ ra rằng việc gia tăng thu nhập bình quân đầu người cũng giúp giảm thiểu các tác động xấu của thương mại quốc tế lên đến khoảng cách thu nhập ở một quốc gia. Câu chuyện lại quay trở về bài toán “Làm thế nào để tăng trưởng kinh tế đi đôi với đảm bảo bất bình đẳng thu nhập không vượt quá ngưỡng?”. Trên thực tế, đây vẫn luôn là bài toán khó đối với Chính phủ của tất cảcác quốcgia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Chính vì thế, dưới góc độ sinh viên, nhóm tác giả sẽ trích dẫn một số giải pháp kiến nghị từ các nghiên cứu trước đó mà nhóm tác giả cho là phù hợp và phân tích các giải pháp khi áp dụng trong trường hợp các quốc gia đang phát triển.
Florence Jaumotte, Subir Lall, và Chris Papageorgiou (2005) cho rằng tiếp cận giáo dục rộng hơn sẽ cho phép một bộ phận dân số lớn hơn tận dụng các cơ hội từ toàn cầu hóa và chuyển giao công nghệ. Thật vậy, lợi ích đầu tiên của việc đầu tư vào giáo dục chính là nâng cao trình độ và tay nghề cho lao động tại các nước đang phát triển, giúp tăng thu nhập và giảm đói nghèo. Toàn diện hơn, một sự cải thiện trong giáo dục sẽ rút ngắn khoảng cách về trình độ, tương đương với đó là rút ngắn khoảng cách về thu nhập trong dân số, làm giảm bất bình đẳng và thậm chí làm giảm đói nghèo nhanh hơn do việc phân phối kỹ năng cho người lao động được đồng đều hơn. Chính vì vậy, trong kỷ nguyên toàn cầu hoá hiện nay, dễ thấy những giá trị thu được từ giáo dục của tất cả quốc gia đang ngày càng tăng lên, cho thấy việc đầu tư mạnh mẽ hơn cho công tác giáo dục, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển là tối quan trọng. Mamoon Dawood (2017) cũng cho rằng chính phủ ở các nước đang phát triển có xu hướng đầu tư nhiều vào giáo dục đại học hơn so với chi phí giáo dục tiểu học để giành lấy lợi ích ngắn hạn từ toàn cầu hóa. Giáo dục đóng vai trò then chốt trong phát triển bền vững của quốc gia, nhưng nên đầu tư vào giáo dục như thế nào mới cho hiệu quả tốt cũng là một thách thức đối với Chính phủ tại các quốc gia đang phát triển. Ví dụ điển hình của trường hợp này là các quốc gia Mỹ Latinh, khi việc quá tập trung vào giáo dục đại học đã lấy đi nguồn lực của giáo dục tiểu học, dẫn đến khoảng cách trong
trình độ của người lao động càng trở nên lớn hơn; nghèo đói và bất bình đẳng càng gia tăng mà tăng trưởng kinh tế không mấy cải thiện. Do đó, để đạt được một sự giảm thiểu trong khoảng cách về thu nhập với mức tăng trưởng kinh tế cao từ thương mại quốc tế, cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, một cách hiệu quả và “công bằng” bởi khi giáo dục đã “bất bình đẳng” thì bất bình đẳng thu nhập thậm chí còn diễn ra theo xu hướng tồi tệ hơn.
Bên cạnh đó, tại các quốc gia đang phát triển với mức độ bất bình đẳng giới cao, việc bình đẳng trong giáo dục càng trở nên cần thiết. Xét trường hợp Việt Nam, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn đang xảy ra dù hai thập kỉ gần đây đã được cải thiện rất nhiều. Thực trạng này xảy ra chủ yếu do tác động tiêu cực của các yếu tố về văn hoá, xã hội, nhưng một nguyên nhân khác trong đó là do trình độ dân trí tại nước ta, đặc biệt tại các vùng sâu vùng xa còn chưa cao. Chính vì thế, việc tăng cường đầu tư giáo dục phải được thực hiện triệt để, trước hết là chiều rộng để qua đó giúp nâng cao không chỉ là tay nghề, trình độ của người dân mà còn nâng cao dân trí, cải thiện vấn đề bình đẳng giới mà qua nghiên cứu này là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở các quốc gia đang phát triển.
Khi nói về giải pháp cho bài toán tăng trưởng bao trùm và bất bình đẳng, TS. Phùng Đức Tùng – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong cho rằng một trong những giải pháp chính yếu là đưa ra được chính sách tài khóa bao trùm bao gồm các chính sách tài khóa phân phối lại thu nhập hiệu quả, các chính sách thuế và chi tiêu của chính phủ cần cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và lợi ích đem lại cho các nhóm dân cư, tăng chi chi tiêu công nhiều hơn cho các chính sách an sinh xã hội và các dịch vụ công cơ bản. Với giải pháp này, nhóm tác giả đánh giá là hoàn toàn hợp lý đối với đối tượng là các quốc gia đang phát triển. Để tận dụng nguồn lợi lớn nhất từ toàn cầu hoá và thương mại quốc tế, các quốc gia này đã dành phần lớn ngân sách và tập trung nguồn lực đầu tư vào những tỉnh/ thành phố và những ngành mang lại hiệu quả cao nhất để có được lợi ích mang lại cao nhất từ một đồng vốn đầu tư. Kết quả từ sự đầu tư này là mức tăng trưởng kinh tế cao nhưng không đồng đều giữa các vùng, ngành và nhóm dân cư. Mô hình tăng trưởng này chủ yếu mang lại lợi ích cho nhóm người giàu, khiến phân hoá ngày càng bị dãn rộng. Vì vậy, những thay đổi trong nhóm chính sách tài khoá bao trùm này là cần thiết để có thể làm giảm những
chênh lệch trong thu nhập và tiếp cận các dịch vụ công bao gồm cả giáo dục, y tế, dịch vụ tài chính giữa nhóm người giàu và người nghèo, cải thiện tình trạng bất bình đẳng, hạn chế rủi ro bất ổn và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Việc tăng tỷ lệ đô thị hóa lên cũng làm ảnh hưởng không tốt đên phân phối thu nhập, do vậy các chính sách ổn định cho từng vùng miền cần được lưu tâm. Các khu vực cần hình thành các hoạt động kinh tế cốt lõi, mũi nhọn nhằm thu hút các nhân tố đầu tư đến tham gia nhằm tạo công ăn việc làm tại chỗ cho mọi cá nhân, nhằm giảm tỷ lệ di dân cục bộ đến các vùng trung tâm. Ngoài ra các chính sách ổn định giá cả cũng cần được lưu tâm nhằm duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức có thể chấp nhận được để vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng, vừa đạt được hiệu quả phân phối thu nhập.
KẾT LUẬN
Xuyên suốt quá trình nghiên cứu từ tổng quan vấn đề nghiên cứu, xây dựng khung lý thuyết nghiên cứu, thiết kế và tổ chức nghiên cứu, triển khai thực nghiệm, phân tích và xử lý số liệu đưa đến trả lời cho câu hỏi nghiên cứu, chứng minh các giả thuyết nghiên cứu; chúng tôi đã đạt được các mục tiêu nghiên cứu đã đặt ra. Tuy nhiên, các kết quả tìm thấy phù hợp với bằng chứng thực nghiệm nhưng trái với khung lý thuyết. Có thể thấy rằng có một mối quan hệ tích cực và có ý nghĩa giữa mở cửa thương mại và bất bình đẳng thu nhập. Sự gia tăng của thương mại quốc tế làm tăng đáng kể bất bình đẳng thu nhập ở các nước đang phát triển trong giai đoạn 2007 đến 2017.
Không thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng to lớn của bình đẳng thu nhập đến với sự tăng trưởng của quốc gia về nhiều mặt, linh vực của cuộc sống. Các quốc gia đang phát triển mặc dù còn cần chú trọng vào việc giảm nghèo, phát triển kinh tế nhưng cũng không thể bỏ qua sự cần thiết phải tìm biện pháp phân bổ cho hợp lý nguồn lực kinh tế cả các lĩnh vực để đàm bảo tính công bằng trong nguồn thu của toàn thể công dân.
Việc nghiên cứu đã giúp nhóm rút ra được phần nào ảnh hưởng của của thương mại đến với bất bình đẳng thu nhập ở các nước đang phát triển. Nghiên cứu đã kiểm chứng được tác động này có ý nghĩa giúp nhận định được tình trạng và phần nào nêu ra được giải pháp phù hợp để điều chỉnh xu hướng phát triển của hoạt động trao đổi, thương mại quốc tế.
Tác động của thương mại quốc tế đến với bất bình đẳng thu nhập có thể có xu hướng khác nhau giữa từng vùng, lãnh thổ thế giới nhưng nhìn chung tác động giữa chúng vẫn là tương đối rõ ràng. Điều cần thiết cho tương lai là các quốc gia phải có nhận thức và cái nhìn toàn diện về mối quan hệ này, cần đưa ra được những giải pháp đúng đắn, phù hợp và sáng suốt cho sự phát triển tương lai của các nước đang phát triển, chia sẻ chung một mục tiêu là tăng trưởng một cách ổn định.