nợ khoảng 23 triệu đồng
Theo đồng hồ nợ công toàn cầu The Global Debt Clock trên trang Economist.com, tính đến thời điểm hiện tại, nợ công Việt Nam đang là 94,85 tỷ USD, tương đương 45,6% GDP, chia bình quân đầu người là 1.039 USD, mức gia tăng nợ là 9,3% /năm. Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính cho biết đến cuối năm 2016 dư nợ công khoảng 64,73% GDP, dư nợ Chính Phủ khoảng 53,62%. Hai con số này đều đã tiến đến sát ngưỡng nợ không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP trong Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 – 2020.
Mặc dù Bộ Tài chính khẳng định nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo trong giới hạn cho phép nhưng Thủ tướng trong phiên họp mới đây với cơ quan này đã nhắc lại việc tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh, mức tăng trung bình 5 năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc “nếu tính đủ thì nợ đã vượt quá trần cho phép”.
Do đó, người đứng đầu Chính phủ đã cảnh báo về “việc không tránh khỏi sự sụp đổ nền tài khoá quốc gia” nếu không chấm dứt được tình trạng trên.
Vì vậy, trong năm 2017, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải có cải cách đột phá trong tư duy ngân sách, kiểm soát nợ công và đảm bảo khả năng trả nợ. Về phía Bộ Tài chính, một trong những giải pháp mà Bộ này sẽ triển khai trong năm mới là không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân
sách Nhà nước. Mặt khác, Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ thực hiện đầy đủ các yếu tố tác động lên nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn trước khi thực hiện các khoản vay mới.
Trước đó, ngay ngày đầu năm 2017, HSBC đã phát đi cảnh báo “nợ công vẫn tăng và có thể ảnh hưởng đến những lựa chọn chính sách trong trường hợp tăng trưởng sẽ thoái trào trong thời gian tới”.
HSBC cũng nhận định đối với trường hợp Việt Nam, nợ công đang tăng lên không hẳn là một điều xấu: trong bối cảnh tăng trưởng mạnh, chắc chắn cần thiết phải tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh. Nhưng, trong thời gian dài, có thể phải đảm bảo việc điều điều tiết tăng trưởng nợ.
“Việc hiện đại hóa và tăng trưởng ngoạn mục của Việt Nam có được là nhờ sự gia tăng nhanh hơn về nợ công của quốc gia”, phía HSBC cho biết.