Thứ nhất, mô hình phát triển kinh tế: Việt Nam là 1 nước đang phát triển, nên
có 1 tỷ lệ cao về đầu tư là 40% GDP trong khi chỉ có 27~30% GDP là nguồn vốn tiết kiệm của các hộ gia đình, nhiều hơn 10% những nguồn vốn từ bên ngoài (FDI, ODA, những khoản vay khác). Đây là một tỷ lệ rất cao so với trung bình các nước trong khu vực và trên thế giới. Mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào nguồn vốn đầu tư bên ngoài sẽ dễ bị tổn thương nếu kinh tế thế giới ngưng trệ. Do đó, giảm lượng vốn đầu tư từ bên ngoài trong cấu trúc vốn nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài và thúc đẩy phát triển dựa trên đầu tư có hiệu quả là cần thiết trong mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Thứ hai, giảm chi tiêu công và thâm hụt ngân sách: Một bài học từ nguyên nhân
chủ yếu gây ra cuộc khủng hoảng tại các quốc gia Mỹ Latinh cũng như các quốc gia châu Âu (điển hình là Hy Lạp) là thâm hụt ngân sách. Do vậy, việc cần làm là Việt Nam nên thắt chặt công khố, thực hành tiết kiệm và chi tiêu công hợp lý, thận trọng trong những dự án đầu tư quy mô lớn tiêu tốn 1 lượng lớn vốn từ những khoản nợ nước ngoài. Điều này cần được quan tâm thực hiện, bởi hiện nay, Việt Nam đang có quá nhiều dự án quy mô lớn, như: mở rộng đô thị, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc - Nam…
Thứ ba, công khai minh bạch thông tin về ngân sách nhà nước và nợ công, công bố những thông tin và chính sách chính xác: Nhằm quản lý tốt thâm hụt
ngân sách cũng như nợ công, điều quan trọng đầu tiên cho mỗi quốc gia chính là thực hiện công khai minh bạch về những vấn đề này. Những nguyên tắc chủ đạo nhằm giúp các quốc gia thực hiện những chính sách cải thiện tính minh bạch trong quản lý tài khóa của mình được tóm tắt đầy đủ trong Cẩm nang Minh bạch Tài khóa (IMF, 2007).