III GIẢI PHÁP VÀ ĐỂ XUẤT
4 Một số giải pháp khác
4.1 Ứng phó với thực trạng già hóa dân số
Ở nước ta, thời kì dân số vàng và già hóa dân số xảy ra cùng một lúc. Tác động của già hóa dân số tới kinh tế trở nên rõ rệt hơn ở Việt Nam trong tương lai, vì thế cần có các chính sách phù hợp để tận dụng lao động lớn tuổi vẫn có khả năng lao động, góp phần tạo thêm thu nhập cho nhóm dân số này cũng như làm giảm thiểu thâm hụt có thể có. Đồng thời, cũng cần có các chính sách y tế và an sinh xã hội phù hợp để đáp ứng với mô hình chăm sóc sức khỏe và an sinh cho nhóm dân số cao tuổi ngày càng tăng ở Việt Nam.
Cần khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh thêm con và thêm vào đó phải có chính sách hỗ trợ cho họ. Gia tăng số lao động nữ và người có tuổi, mở rộng độ tuổi nghỉ hưu lên đối với những ngành nghề không đòi hỏi nhiều thể lực. Cần có định hướng công việc phù hợp cho những người cao tuổi khỏe mạnh để tăng khả năng đóng góp của họ vào nèn kinh tế. Một giải pháp tiềm năng khác là một chính sách nhập cư
mở cửa. Có rất nhiều người trên toàn thế giới ở độ tuổi lao động nhưng hiện không có việc làm. Nguồn lao động di cư đến thì lực lượng lao động ở quốc gia sẽ tăng lên đáng kể. Đồng thời cần có những chế tài để kiểm soát để khắc phục những vấn đề xã hội khác có thể nảy sinh trong cộng đồng dân cư. Thực hiện chính sách công bằng xã hội và tiền lương có hiệu quả để giảm thiểu gánh nặng tài chính cho các thế hệ tương lai. Thúc đẩy xu hướng gia tăng đầu tư tư nhân và chính sách lãi suất thấp để mở rộng cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán. Khi dân số già đi tính an toàn của các khoản đầu tư phải được coi là ưu tiên hàng đầu bởi vậy việc giao phó cho những người chuyên nghiệp quản lý tài sản của họ là điều cần thiết. Áp dụng nhiều giải pháp trong đó chú trọng tới đa dạng hoá danh mục đầu tư, gia tăng tỷ lệ lợi tức trên tài sản và cân đối giữa các khoản thu chi trong ngân sách. Tăng cường phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe để ngày càng nâng cao tuổi thọ dân cư.
4.2 Dịch chuyển lao động theo ngành
Dịch chuyển lao động đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi năng suất lao động của các ngành nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Đào tạo nâng cao kỹ năng, chuyên môn cùng với các chính sách phân bố lao động hợp lý cho các ngành, đặc biệt là các ngành có lợi thế so sánh, sẽ thúc đẩy tạo việc làm, tăng năng suất lao độngvà tăng trưởng của ngành và từ đó tạo động lực tăng trưởng nền kinh tế. Xét dưới góc độ ngành thì năng suất lao động của ngành nông, lâm, ngư nghiệp luôn ở mức thấp nhất so với ngành côngnghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ. Cần có các chiến lược, chính sách để cải thiện năng suất lao động ở nông thôn đối với ngành nông – lâm – ngư nghiệp.
4.3 Chính sách di cư
Chính sách di cư phải trở thành một bộ phận quan trọng trong chiến lược dân số trong giai đoạn tới. Việc quản lý phù hợp luồng di cư sẽ duy trì và phát triển lao động có trình độ, kỹ năng cho các vùng đang thiếu trầm trọng nhân lực có chất lượng, đồng thời giảm tải cho các vùng có tích tụ dân số quá lớn. Sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản, của lao động di cư cần được chú trọng, quan tâm nhiều hơn..
KẾT LUẬN
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, vấn đề dân số và cơ cấu dân số cần nhận được sự quan tâm thích đáng. Duy trì tỷ lệ dân số ở mức hợp lý và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng và khó khăn trong quá trình hoạch định chính sách của Nhà nước. Thông qua việc này, Việt Nam có thể nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế, đem lại nhiều thuận lợi và cơ hội cho thị trường trong nước. Dựa trên sự tìm hiểu thực trạng tình hình dân số Việt Nam giai đoạn 2000 – 2010 cũng như xem xét tác động của các chính sách đã được Nhà nước áp dụng, chúng em đưa ra các đề xuất bao gồm việc đối mặt với tình trạng già hoá dân số, quan tâm đến vấn đề dịch chuyển lao động theo ngành và di cư, từ đó giúp cho việc quản lý cơ cấu dân số cũng như nguồn lao động trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Đây là những giải pháp cơ bản nhất và khả năng áp dụng vào thực tế cao.
Việc nghiên cứu đề tài này đem lại cho chúng ta một cái nhìn đúng đắn, sâu sắc về cơ cấu dân số, đặc biệt là các yếu tố quyết định và chịu ảnh hưởng bởi cơ cấu dân số, để từ đó tìm ra giải pháp hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn lao động cho Việt. Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt, việc sử dụng hiệu quả các chính sách nhằm tác động đến cơ cấu dân số, từ đó quyết định nguồn lao động có ý nghĩa không thể tách rời trong sự phát triển của nền kinh tế.