5.2.1. Đối với nhà đầu tư
Trước khi đầu tư, NĐT cần xác định rõ: - Thời hạn đầu tư: ngắn, trung hay dài hạn. - Mục tiêu đầu tư
- Nguồn vốn đầu tư: từ nguồn nào, và lượng vốn đầu tư là bao nhiêu? - Tâm lý đầu tư: NĐT cần ổn định tâm lý trước những biến động của thị trường, xác định trước những rủi ro có thể gặp phải và phương án xử lý có thể.
- Xác định mức lãi suất và rủi ro tương ứng mà NĐT có thể chấp nhận được.
5.2.2. Đối với nhà môi giới chứng khoán
Để việc đưa ra khuyến nghị cho KH được tốt hơn, đảm bảo việc đáp ứng nhu cầu và sự thỏa mãn của KH, thì người môi giới cần phải không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng mềm của mình.
5.2.2.1. Nâng cao kiến thức cho người môi giới
- Quan trọng nhất là kiến thức về luật chứng khoán và các quy định có liên quan trong đó đặc biệt chú trọng đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề.
- Ở các nước phát triển, môi giới tự do không lấy danh nghĩa công ty mà chỉ có danh nghĩa cá nhân khi giới thiệu với khách hàng, nhưng họ hoạt động trong một hiệp hội mà ở đó đạo đức nghề nghiệp là tối quan trọng, đi kèm một loạt yêu cầu ngặt nghèo khác.
- Ở nước ta, khách quan mà nói vấn đề đạo đức nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, nhân viên môi giới chưa được đào tạo và sát hạch kỹ lưỡng về vấn đề này. Đa phần nhân viên chưa hiểu thấu đáo hoặc thờ ơ và coi nhẹ vấn đề này. Ví dụ: NVMG tiết lộ thông tin giao dịch tự doanh của CTCK nơi mình làm việc, tiết lộ thông tin giao dịch của một số tổ chức lớn hoặc NĐT lớn mở TK tại công ty mình làm việc, lôi kéo khách hàng cùng mua hoặc bán chứng khoán cùng loại mà mình đang đầu tư….
- Đào tào bài bản kiến thức phân tích cơ bản và phân tích tài chính. Ngoài khóa học về luật chứng khoán, khóa học về những vấn đề cơ bản của chứng khoán, khóa học phân tích tài chính là những kiến thức rất cơ bản về chứng khoán bắt buộc mỗi nhân viên môi giới cần phải được đào tạo. Trong thời gian qua, việc phân tích cơ bản công ty niêm yết, phân tích cơ bản ngành chưa được chú trọng. Thực tế cho thấy, bộ phận phân tích
của các CTCK nói chung và nhân viên môi giới nói riêng tư vấn, nhận định dựa nhiều vào phân tích kỹ thuật, trong khi phân tích nội tại công ty, phân tích ngành và triển vọng tăng trưởng chưa được đầu tư đúng mức. Nếu nhân viên môi giới đủ trình độ phân tích cơ bản ngành và công ty, chất lượng tư vấn sẽ nâng lên đáng kể.
- Đào tạo thêm các kiến thức tài chính có liên quan khác để nâng cao hơn nữa khả năng phân tích và nhận định của nhân viên môi giới như: định giá CP, định giá TP, phân tích sâu báo cáo tài chính, phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản…
5.2.2.2. Chú trọng vào việc phát triển kỹ năng mềm:
Công ty chứng khoán cần phải chú trọng đào tạo thêm những kỹ năng này. Một số kỹ năng cần thiết tối thiểu như: kỹ năng chăm sóc KH; kỹ năng giao tiếp,…
- Kỹ năng chăm sóc KH:
+ Luôn xem xét chân thành và đáp ứng một cách nhanh chóng, chính xác và đầy đủ các nhu cầu của KH.
+ Chủ động thông báo kết quả giao dịch hàng ngày của KH.
+ Thông báo và cập nhật các thông tin về cổ phiếu trong danh mục của KH và lĩnh vực mà KH quan tâm, về những vấn đề nổi bật của chính sách kinh tế, xã hội hoặc những vấn đề có ảnh hưởng đến TTCK.
+ Gửi email những báo cáo phân tích và các thông báo của công ty đến với KH.
+ Trao đổi những nhận định và khuyến nghị, giới thiệu các cơ hội đầu tư tốt cho KH
+Gọi điện chúc mừng, chia sẻ hoặc hỏi thăm trong những ngày hoặc sự kiện quan trọng của KH.
…..
- Kỹ năng giao tiếp:
+ Nguyên tắc 1: Hãy tiếp cận với con người ở góc độ không tốt, không xấu
Không có ai là người hoàn toàn xấu cả. Khi đánh giá con người cụ thể, chúng ta thường bị những cách nhìn sơ cứng và bị định kiến che lấp. Con người cũng dễ bị chi phối bởi qui luật cảm xúc “yên nên tốt, ghét nên xấu”. Kết quả là dễ mắc sai lầm trong giao tiếp
+ Nguyên tắc 2: Lường mọi điều, tính đến mọi khả năng với nhiều phương án
Nếu trong mỗi con người đều có những giá trị dương (+) và có cả những giá trị âm (-) thì người này có thể có tới 90(+), có 10(-) hoặc người khác có thể đạt tới 99(+), chỉ có 1 (-). Vấn đề là phải biết nhìn ra dấu (+) trong cả khối dấu (-) và phát hiện kịp thời dấu (-) trong vô khối dấu (+).
+ Nguyên tắc 3: Nắm bắt nghệ thuật theo nhu cầu
Điều khó nhất trong giao tiếp ứng xử là đối tượng thờ ơ, không có nhu cầu. Lúc đó, người môi giới cần có cách ứng xử khéo léo.
Năm cách ứng xử điển hình:
• Thủ thuật “dò đá qua sông”
• Đối đáp mềm mỏng
• Khéo léo vận dụng sự hài hước
• Phản bác yêu cầu vô lý của KH: hãy thừa nhận đã, sau đó khéo léo chỉ ra sự vô lý hoặc điều không thể thực hiện được. Cũng có thể cảnh
tỉnh người đó bằng việc chỉ ra những điều bất lợi, sự nguy hiểm nếu người đó cứ giữ nguyên ý kiến, nhắm mắt hành động
• Không nhượng bộ khi mình có lý trong tranh luận: (i) khi tranh luận nên có thái độ thật công bằng, đừng làm tổn thương đến lòng tự ái của người khác; (ii) tranh luận phải có mục đích rõ ràng.
5.2.3. Đối với công ty chứng khoán
Để hỗ trợ tốt hơn cho nhà môi giới trong việc đưa ra khuyến nghị đầu tư cho KH, thì CTCK chiếm môt vai trò hết sức quan trọng, cơ sở hạ tầng của CTCK tốt, sẽ tạo nền tảng cho người môi giới thể hiện tốt vai trò của mình đối với KH.
5.2.3.1. Phát triển hệ thống công nghệ thông tin, báo tin nhắn SMS, Call Center
- Công nghệ thông tin là vấn đề quan trọng sống còn đối với hoạt động của CTCK. Hệ thống thông tin tốt cần thỏa mãn: Bảng điện nhanh, kịp thời, không bị treo những khi thị trường “quá tải”. KH có thể vào online nhanh chóng, dễ dàng, giao diện đẹp, và thực hiện được tất cả các giao dịch của mình mà không cần lên CTCK như: đặt lệnh giao dịch, ứng trước tiền bán CK, thực hiện quyền mua, chuyển khoản online, thay đổi thông tin KH, gia hạn hợp đồng vay, xem chi tiết sao kê giao dịch,…
- Hệ thống báo tin nhắn SMS nhanh chóng và kịp thời: báo cho KH biết được biến động có liên quan đến tài khoản của chính họ, hoăc những thông báo về hội thảo, những thông tin nổi bật trong giai đoạn hiện nay,…
- Xây dựng và phát triển hệ thống Call Center (hệ thống nghe điện thoại từ xa) để giải đáp những thắc mắc cơ bản của KH về dịch vụ tài chính, về sản phẩm dịch vụ tài chính để từ đó có thể giảm bớt khối lượng công việc không cần thiết cho bộ phận môi giới.
- Chú trọng đầu tư chuyên sâu vào nghiệp vụ phân tích đầu tư để đưa ra những sản phẩm có chất lượng cao phục vụ cho vấn đề đầu tư của KH.
- Ngoài việc tổ chức các khóa học về nghiệp vụ phân tích, đầu tư, thì công ty cần chú trọng đến các khóa học về kỹ năng giao tiếp để phát triển mối quan hệ giữa KH với CTCK và nhân viên môi giới.
- Nâng cao văn hóa hỗ trợ và tính hiệu quả trong việc phối hợp giữa các phòng ban trong công ty.
5.2.4. Đối với SGDCK
Công nghệ thông tin đóng vai trò đặc biệt quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thị trường chứng khoán. Hiện tại cơ sở hạ tầng công nghệ của thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều yếu kém, thua rất xa so với hệ thống của các thị trường chứng khoán phát triển. Tốc độ lệnh vào hệ thống chậm, một số lần hệ thống giao dịch có vấn đề phải tạm dừng giao dịch toàn thị trường để xử lý. Những nguy cơ tiềm ẩn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các hoạt động giao dịch chứng khoán gồm ngưng trệ hoạt động do tắc nghẽn, từ chối dịch vụ, sai lệch thông tin và mất cắp thông tin. Ngoài ra, các công ty chứng khoán còn phải giải quyết những thách thức rất lớn về nhu cầu giao dịch, khả năng liên kết, tính thống nhất trong hoạt động giao dịch, chuẩn hóa các hoạt động giao dịch và an toàn bảo mật cho các giao dịch. Do đó, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ là nhiệm vụ cấp bách của cả hai Sở giao dịch.
- Đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin của các CTCK kết nối đồng bộ với hệ thống của Sở giao dịch giúp giao dịch không sàn nhanh chóng và chính xác nâng cao khả năng cạnh tranh cho các CTCK đồng thời đem lại thuận lợi cho nhà đầu tư.
- Khuyến khích các CTCK đầu tư vào công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao công tác quản trị điều hành và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng của các CTCK.
- Hoàn thiện công nghệ để đưa dự án thanh toán chứng khoán T+2 sớm được triển khai tạo điều kiện cho thị trường phát triển hơn, tăng tính thanh khoản, giúp giới đầu cơ có cơ hội lướt sóng, nhà đầu tư sẽ tăng tính chủ động trong việc chốt lời.
5.2.5. Đối với UBCKNN
5.2.5.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật
Ngày 29/06/2006 Luật chứng khoán ra đời và có hiệu lực vào ngày 01/01/2007 đã có những kết quả đáng kể: qui mô, tính thanh khoản của thị trường được mở rộng, Chính phủ đã huy động vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, quá trình cổ phần hóa DNNN được thực hiện ngày càng công khai, minh bạch hơn. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể, Luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, một số vấn đề chưa được Luật hiện hành điều chỉnh phát sinh trong quá trình hoạt động, một số quy định chưa thực sự phù hợp với thực tế gây khó khăn trong việc thực hiện quy định về công bố thông tin, nghiệp vụ của tổ chức kinh doanh chứng khoán, về xử lý vi phạm... Tuy ngoài Luật chứng khoán, Chính phủ cũng đưa ra một số văn bản hướng dẫn thi hành và bổ sung như Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán Quy chế Tổ chức và hoạt động của Công ty chứng khoán, Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC ngày 24 tháng 4 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Nghị định số 36/2007/NĐ-CP... Nhiều đối tượng đã lợi dụng hệ thống pháp luật quản lý thị trường chứng khoán vẫn lỏng lẻo đã thực hiện lách luật nhằm chuộc lợi cá nhân gây ảnh hưởng tới các thành viên khác trên thị trường. Thực tế đã nảy sinh nhiều tình huống, trường hợp chưa được đề cập trong Luật Chứng khoán khiến cơ quan quản lý lúng túng, quyền lợi nhà đầu tư đôi lúc không được đảm bảo.
Chính vì lẽ đó, để tạo hành lang pháp lý an toàn và chặt chẽ, các cơ quan làm luật nên tập trung thực hiện các mục tiêu như sau:
- Khắc phục những thiếu sót trong hệ thống luật điều chỉnh trên thị trường chứng khoán. Thông qua việc học hỏi những tinh hoa từ Luật chứng khoán của các nước có thị trường chứng khoán phát triển để áp dụng một cách phù hợp vào thực tế Việt Nam. Trưng cầu ý kiến của những thành viên trên thị trường như các công ty chứng khoán, nhà đầu tư để thấy được nhu cầu thực sự của thị trường qua đó sửa chữa những quy định được cho là không phù hợp với tình hình hoạt động của thị trường trong hiên tại và tương lai.
- Thành lập một bộ phận chuyên trách làm nhiệm vụ nghiên cứu, tìm hiểu, xây dựng hệ thống luật chứng khoán hoàn chỉnh để không có hiện tượng khi thị trường cần mới đưa ra xem xét, bàn bạc rồi soạn dự thảo, trưng cầu ý kiến, và cuối cùng mới đưa ra thông tư, nghị định.
- Nên sớm có hướng dẫn và tổ chức đưa vào giao dịch các loại hợp đồng tương lai, quyền chọn để nhà đầu tư có thêm công cụ tự bảo vệ mình trước những biến động trái chiều rủi ro của thị trường nhằm đa dạng hơn về cơ cấu các sản phẩm giao dịch trên thị trường nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư cũng như tăng tính hấp dẫn cho thị trường. Đây là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán cần có một hệ thống luật hoàn chỉnh như thế mới tạo đà cho thị trường chứng khoán phát triển ổn định lâu dài. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý là nhu cầu cấp bách đối với thị trường và là nhiệm vụ tối quan trọng của các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lý thị trường chứng khoán.
5.2.5.2. Thắt chặt hơn quy định về thành lập công ty chứng khoán:
Bài học từ các thị trường mới nổi cho thấy Trung Quốc trước đây có số lượng công ty chứng khoán tới 2.000 công ty, nhưng đến thời điểm sụt giảm còn 70 công ty, hiện nay là 107 công ty. Đài Loan thời điểm cao nhất có 278 công ty, sau đó sụt giảm còn 48 công ty. Thái Lan trước đây cũng có tới hơn 200 công ty chứng khoán, sau đó giảm xuống còn hơn 50 công ty. Việc giảm số lượng các CTCK tại các nước thường thực hiện thông qua việc tăng
yêu cầu về mức đủ vốn của các CTCK hoặc báo cáo kết quả kinh doanh của các CTCK về điều kiện lỗ lãi. Điều này sẽ dẫn đến hàng loạt các cuộc sáp nhập, thâu tóm, hợp nhất giữa các công ty.
Mặt khác, theo cam kết về dịch vụ chứng khoán khi Việt Nam gia nhập WTO, vào năm 2012, các công ty chứng khoán nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh, công ty chứng khoán 100% vốn tại Việt Nam. Không giới hạn số lượng CTCK lúc này sẽ đưa các CTCK trong nước vào nguy cơ bị thâu tóm bởi các công ty nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh.
Do vậy, nếu dùng biện pháp tăng yêu cầu về vốn của các CTCK, thì nên cân nhắc tăng đến bao nhiêu là hợp lý.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo chất lượng phục vụ, bảo vệ công chúng và NĐT, tránh tác động tâm lý và những đỗ vỡ không đáng có, UBCK cần qui định chặt chẽ hơn về việc thành lập CTCK, các CTCK phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về vấn đề đạo đức nghề nghiệp các nhân viên tác nghiệp trực tiếp, đồng thời các nhân viên phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Đây là những yếu tố cơ bản, mấu chốt cho sự phát triển bền vững bên cạnh một số các yếu tố quy định thành lập CTCK trong luật chứng khoán.